Ngôi làng hiếu học bên dòng Ayun – nơi sản sinh những 'hạt giống' tiềm năng
Nằm trải dài trên QL 25, làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai) là một trong số ít ngôi làng Jrai nổi tiếng khắp vùng bởi truyền thống hiếu học. Ngôi làng chiếm đến 88% là người dân tộc thiểu số song có rất nhiều con em học hành thành tài, trở thành tiến sĩ, thạc sỹ, đại biểu quốc hội…
Những gia đình hiếu học ở làng Rbai
Làng Plei Rbai có 437 hộ với 2.100 nhân khẩu, trong đó 88% là đồng bào dân tộc Jrai. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây là làm ruộng vì vậy đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả.
Làng hiếu học Rbai nằm trải dài trên QL 25, thuộc xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai).
Để thoát cảnh cảnh nghèo đói, lạc hậu người dân trong làng quyết tâm chắt chiu tiền bạc cho con cái học chữ, trở thành những người có ích cho quê hương, xã hội. Hiểu được tấm lòng của bố mẹ, nhiều người con của làng Rbai đã cố gắng học tập trở thành những tiến sỹ, thạc sỹ, đại biểu quốc hội…
Vào một chiều cuối tháng 3, theo chân trưởng thôn Nay Keng chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi làng Rbai. Ngôi làng Jrai nổi tiếng khắp vùng bởi truyền thống hiếu học. Dừng chân trước cửa nhà đình ông Rmah Dmeo (51 tuổi), một trong những gia đình hiếu học nổi tiếng tại làng Rbai.
Theo tìm hiểu của PV, ông Dmeo có 3 người con gái, trong đó có 2 người đã tốt nghiệp Đại học. Con gái cả tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thực Phẩm (TP HCM), gái thứ tốt nghiệp Trường Đại học Giao Thông vận tải (TP HCM). Hiện cả 2 chị em đều làm việc ở tỉnh Đồng Nai. Còn người con út, niềm tự hào của ông đang là sinh viên Y khoa, Trường Đại học Tây Nguyên.
Tâm sự với chúng tôi, ông Dmeo bộc bạch: “Năm 1993, tôi tốt nghiệp Trung học phổ thông, sau đó làm cán bộ giao thông thủy lợi ở xã Ia Piar với đồng lương ít ỏi chỉ có 30.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập ít ỏi này, tôi đã xin đi làm thêm nhiều nơi, mua thêm đất canh tác, dành dụm tiền cho con cái ăn học".
"Hiểu được những khó khăn vất vả của bố mẹ nên 3 đứa con nhà tôi ngoan lắm, luôn chăm chỉ học hành. Nhìn các con trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định bậc làm cha như tôi còn gì vui sướng, tự hào hơn…”, ông Dmeo nói.
Ông Rmah Dmeo luôn tự hào khi nhắc đến cô con gái út Rô Kim (hiện đang học ngành Y khoa Trường Đại học Tây Nguyên).
Em Rô Kim (con gái út của ông Dmeo, hiện đang là sinh viên Y khoa Trường Đại học Tây nguyên) tự hào khi kể về bố mẹ của mình. Rô Kim trải lòng: “Em rất tự hào và biết ơn cha, mẹ đã tần tảo sớm hôm làm việc kiếm tiền cho 3 chị, em ăn học. Ngày trước mỗi lần tới kỳ đóng học phí là em muốn bỏ học vì nhà nghèo, không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ. Nhưng mỗi lần có ý nghĩ này là bố mẹ gạt bay và mắng cho một trận".
"Dù nhà nghèo, nhưng chưa một lần bố mẹ để 3 chị em đóng chậm một ngày học phí, lên đại học cũng vậy. Để không phụ lòng cha mẹ, em luôn tự nhủ phải cố gắng học tập. Ngoài giờ học em cũng kiếm việc làm thêm đỡ đần bố mẹ. Em hy vọng sau này khi ra trường, có thể quay lại làm việc ở chính quê hương của mình. Quan trọng nhất là gần và chăm sóc cha, mẹ khi tuổi già”, Em Rô Kim nói.
Làng Rbai – nơi sản sinh những hạt giống tiềm năng
Rời căn nhà nhỏ của ông Dmeo, chúng tôi tiếp tục rảo bước đến căn nhà sàn của hai vợ chồng ông Ksor Moaih (67 tuổi) và bà Rô H’Nguôn (59 tuổi, cùng trú tại làng Rbai). Hai vợ chồng ông Moaih có 5 người con. Trong đó, hiện đã có 4 cháu tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và Trung học Phổ thông.
Ngôi làng hiếu học Rbai còn là nơi diễn ra “lễ cúng cầu mưa”, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào J’rai.
Con trai đầu đã có bằng tiến sĩ, đang sinh sống, làm việc tại Mỹ, người con thứ 2 là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Piar, người thứ ba đang làm trong Công ty Dược tại tỉnh Đồng Nai và người thứ 4 làm việc ở Công ty Cây xanh Đô thị.
“Hai vợ chồng đều làm giáo viên, tuy nhiên với đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học nên ngoài giờ dạy trên lớp 2 vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Rồi thuê đất trồng lúa, nhận hàng chục mẫu ruộng để cày cấy thêm. Dù vất vả vì phải đảm đương tốt 2 nhiệm vụ cùng lúc song nhìn các con dần khôn lớn, học được cái chữ cũng phấn khởi lắm. Nhất là khi các con bước vào cánh cửa đại học, cao đẳng rồi ra trường có việc làm ổn định…”, ông Moaih chia sẻ.
Hiểu được sự hy sinh của bậc sinh thành, những đứa trẻ ở làng Rbai luôn nỗ lực học tập. Để có tiền nuôi các con ăn học, ngoài việc dành giụm những đồng tiền làm thuê, nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng vay mượn khắp nơi. Tuy vất vả nuôi con đi học song họ chưa bao giờ có ý nghĩ cho con nghỉ học. Ở một số gia đình, con cả ra trường đi làm, gửi về giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Tương tự gia đình ông Dmeo và ông Moaih còn có gia đình bà Siu H’ Ngôn, một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của làng Rbai. Khi 4 người con của bà đều tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng. Đặc biệt, người con thứ của bà đang là Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Gia Lai. Những người con khác đều có công việc ổn định như kế toán, giáo viên, phó Chủ tịch ủy ban mặt trận xã…
Bà Nguyễn Thị Khá - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Piar cho biết: "Làng Plei Rbai nổi tiếng với truyền thống hiếu học, làng có trên dưới 100 người học Đại học, CĐ và Trung cấp. Trong đó, có hơn 15 người học ĐH, có khoảng 35 học Cao Đẳng, 50 người học Trung cấp. Bên cạnh đó tỷ lệ học sinh đến lớp ở các trường tiểu học và trung học cơ sở đều đúng độ tuổi và được phổ cập 99%”.
Theo ông Siu Thiên - Chủ tịch UBND xã Ia Piar, làng Plei Rbai hiện có hơn 10 người đang làm việc trong UBND xã Ia Piar. Trong đó, có tới 6 người giữ chức vụ chính trong bộ máy quản lý như Chủ tịch Hội Cựu chiến Binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Bí thư Đảng ủy….
"Có thể nói làng Rbai giữ vai trò chủ chốt, sản sinh nhiều cán bộ có trình độ cao trong các cơ quan nhà nước. Các cán bộ xuất thân từ làng Plei Rbai làm việc trong UBND xã Ia Piar đều có trình độ Đại học, Cao Đẳng, nên khi có công việc được giao thì họ luôn làm tốt và hiệu quả. Từ đó, góp phần đưa xã phát triển lớn mạnh", ông Siu Thiên cho biết thêm.
Bài và ảnh: Thiên An