Ngôi làng ở bên sông
Một ngôi làng nhỏ nằm giữa bốn bề sông nước, mùa xuân nào cũng nhuộm vàng màu hoa cải. Đó là làng An Mô ở cuối dòng sông Vệ, đã được công nhận 'Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu', thuộc xã Đức Lợi (Mộ Đức).
Chuyện thời khai phá
Gia phả họ Lê - một trong những dòng họ tiền hiền của làng An Mô, ghi chép rằng: Ngay sau thời Lê Thánh Tông vào mở đất phía nam, những người nông dân ở làng Đò Mo, huyện Yên Mô, phủ Trường An, xứ Sơn Nam thừa tuyên (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) đã vào cửa Cổ Lũy, rồi ngược theo nhánh sông phía nam, gặp một vùng đất trù phú. Tại đây, họ đã dừng chân khai phá trồng nông sản và làm nghề chài lưới trên sông, rồi để nhớ quê nhà, họ đã lấy tên vùng quê gốc đặt cho vùng đất màu mỡ này là làng Yên Mô (hay An Mô).
Theo “Địa bạ Quảng Ngãi”, lập năm Gia Long thứ 12 (1813), làng Yên Mô là một trong 8 làng thuộc Tổng Hạ, huyện Chương Nghĩa, là một vùng đất khá rộng lớn, bốn phía giáp các làng: Long Phụng, Đại Bình, Tân Quan, Vạn An, Ngòi Tôm, Tăng Sai, với diện tích đất đai đã khai phá hơn 156,1 mẫu. Đây là một trong những ngôi làng rộng lớn nhất ở Tổng Hạ lúc bấy giờ, chỉ sau làng Phú Nhơn.
Từ tư liệu này, và từ hình ảnh những cột gỗ, cột đá, hàng cây được lấy làm ranh giới mà trong Địa bạ thuở ấy đã ghi, càng cho phép chúng ta khẳng định: Thời Gia Long chưa có những con sông này cắt ngang làng An Mô như hiện nay và cũng hiểu vì sao ruộng đất của làng An Mô đến giờ vẫn còn ở đồng Ngã Bảy, giáp với bến Tân Quan, tức ở phía bên kia sông Vệ (nay thuộc thôn Đại Bình, xã Nghĩa Hiệp), vẫn còn ở cánh đồng Đồng Quýt (nay thuộc thôn Vinh Phú). Điều này cũng cắt nghĩa vì sao An Mô còn dấu tích của đường thiên lý phía đông vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ thứ XX với nhiều câu chuyện liên quan đến Diên Lộc quận công Nguyễn Thân...
Bốn bề sông nước
Sách “Đại Việt địa dư toàn biên” của Nguyễn Văn Siêu - Bùi Quỹ và sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần “Tỉnh Quảng Ngãi” của Quốc sử quán triều Nguyễn (đều được viết vào thời Tự Đức, 1847 - 1883), có nói về dòng chảy quanh co của dòng sông Vệ. Trước khi nước đổ ra cửa Đại Cổ Lũy, sông Vệ có chảy qua đất An Mô, sau khi đã vòng quanh đất Vạn An. Các sách này chỉ ghi vắn tắt mấy dòng về sông Vệ, nên cũng không đoán định được là vào thời Tự Đức, con sông Vệ đã chia cắt đoạn nào của thôn An Mô.
Sang thời Đồng Khánh (1885 - 1889), theo sách “Đồng Khánh địa dư chí”, làng An Mô lại thuộc tổng Nghĩa Châu, phủ Tư Nghĩa. Theo “Quảng Ngãi tỉnh chí” của Nguyễn Bá Trác và các tác giả, in nhiều kỳ trên Nam Phong tạp chí năm 1933, đến năm Khải Định thứ 7 (1922), cửa Lở mới mở tại làng An Chuẩn. Có lẽ từ đó, phần đất của làng An Mô bị xé thêm nhiều mảnh, đặc biệt là việc cắt đứt rẻo đất Tân Mỹ (nay thuộc xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi), là một phần đất của làng An Mô. Sở dĩ xác định được phần đất ở thôn Tân Mỹ hiện nay vốn thuộc An Mô, bởi chúng tôi dựa vào một số tài liệu Hán Nôm có niên đại thời Tự Đức còn lưu tại nhà thờ họ Nguyễn, ở thôn Tân Mỹ. Lúc đó, Tân Mỹ thuộc châu An Mô, tổng Nghĩa Châu, huyện Tư Nghĩa.
Năm 1945, chính quyền nhập An Mô vào huyện Mộ Đức, và giờ An Mô là một trong 4 thôn của xã Đức Lợi, là một thôn nhỏ có 4 phía sông, nước dòng sông Vệ chẻ đôi bao bọc, với tổng diện tích chỉ hơn 120ha, có 296 hộ dân, với hơn 1.200 nhân khẩu. Phía đầu làng là sông Ngang (đã có con đường đắp băng sông), phía đông nam là sông Trước, phía tây là sông Sau - dòng chính của sông Vệ. Hiện nay đã có một chiếc cầu khá lớn, nối con đường Dung Quất - Sa Huỳnh, đang bắc qua đoạn sông này.
Làm đẹp cho làng
Do sự cắt chia làng An Mô thành nhiều mảnh nhỏ từ những trận lụt lịch sử trong hàng trăm năm, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, có lúc cả làng không còn ngôi nhà nào, đình miếu, chùa chiền bị san ủi, nên người dân An Mô không chỉ biết thích nghi với sự đổi thay của tự nhiên và nghiệt ngã của chiến tranh, mà ngay từ sau ngày hòa bình lập lại, người dân An Mô đã biết làm cho quê mình luôn xanh tươi, trù phú, để luôn xứng đáng với câu ngạn ngữ thuở xưa: “Nhất đồng Thi Phổ, nhì thổ An Mô”.
Năm 1932, theo “Quảng Ngãi tỉnh chí”, chợ An Mô là một trong 73 chợ lớn trong tỉnh lúc bấy giờ, nhưng ngôi chợ này đã không còn nữa, từ lúc nào không ai nhớ. Khi không còn chợ, người dân An Mô phải gồng gánh nông sản, đặc biệt là rau cải, lội sông Trước qua chợ An Chuẩn, chợ Kỳ Tân, lội sông Ngang lên chợ Long Phụng, thậm chí ngay vào những năm chống Pháp và đầu những năm 60 của thế kỷ trước còn lên tận chợ Suối Bùn (Hành Tín Tây), hoặc qua đò sông Sau lên những ngôi chợ xa làng hàng chục kilômét... Thế hệ chúng tôi, sinh ra ở ngôi làng này, lên cấp III, hầu hết đều đi học ở Trường Cấp III Tư Nghĩa, nên mỗi ngày từ 4 - 5 giờ sáng, luôn phải qua đò ở phía sông Sau cùng các mẹ ở An Mô, rồi theo những bước chân trần nặng trĩu hai đầu gánh rau cải của họ, để lên bán tận chợ tỉnh, chợ Gờm, chợ Nghĩa Trung... vào mỗi mùa tháng Chạp.
Có lẽ, rau cải chính là loài rau đặc trưng của làng An Mô bốn bề sông nước. Không biết người dân An Mô trồng nhiều rau cải từ lúc nào. Nhưng có lẽ hằng nửa thế kỷ nay, vườn nhà nào vào mùa tháng Chạp cũng đầy rau cải và hoa cải còn nhuộm vàng ngôi làng suốt cả tháng Giêng. Họ gieo cải, không chỉ để bán buôn, không chỉ để làm giống cho mùa sau, để làm đẹp cho vườn nhà mình, làm đẹp cho làng, mà còn như để giữ gìn ký ức một thời có những bà mẹ luôn tất tả sớm hôm vào những ngày giáp Tết. Nhiều năm lại đây, vào đầu tháng Chạp, người dân An Mô còn gieo cải hai bên đường làng, để đúng ngày Tết, cháu con ở xa về được đi giữa sắc màu bình dị, nhưng lại là sắc màu đầy ký ức của một thuở xa xăm.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐĂNG VŨ
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202402/ngoi-lang-o-ben-song-ca94b5d/