Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, ngày lễ quan trọng trong truyền thống của người Việt Nam, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Tại làng xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), người dân dậy từ 3h, chuẩn bị xôi, cơm rượu nếp để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Bà Đặng Thị Bảy đã có 38 năm tay vai gánh, tay gồng, đem xôi đi bán mọi nẻo đường của Hà Nội. Theo bà, làng nghề nấu xôi Phú Thượng có khoảng 600 hộ làm nghề truyền thống này, con số đó thay đổi theo thời gian.
Ngày Tết Đoan ngọ bà Bảy phải dậy sớm hơn, 3h30 đã liên tục ngồi đánh xôi tơi ra hấp lần 2. Xôi Phú Thượng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2019, hai nghệ nhân tại làng vinh dự được mang xôi đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều để phục vụ hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế.
Hàng xôi từ 4h tại chợ Phú Gia đã có những vị khách đầu tiên, cũng chính là tiểu thương trong chợ. Để có được 5 loại xôi và 2 chậu cơm rượu nếp, bà Lan cùng chồng thức thâu đêm.
Với nhiều người, món ăn nhất định phải có trong ngày Tết Đoan ngọ là cơm rượu nếp. Theo quan niệm dân gian, cơm nếp có thể diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Cơm nếp nồng trộn với men cay của rượu có tác dụng loại bỏ các loài ký sinh gây hại.
Hà Nội những ngày tháng 5 Âm lịch thời tiết nóng bức, người phụ nữ lưng ướt đẫm mồ hôi sau khi đóng 2 chậu cơm nếp liên tiếp. Để có được cơm rượu nếp, chị đã ủ trước ngày 2 đến 3 ngày.
Hàng xôi ăn sáng hôm nay dọn hàng sớm hơn thường lệ, kê thêm chiếc bàn để cơm rượu nếp.
Tuy vất vả nhưng ai cũng vui vẻ khi bán chạy hàng.
Cơm rượu nếp thường và cơm rượu nếp cẩm được chia làm các túi 0,5 kg, có giá 25.000 đến 30.000 đồng.
Mặt trời ló rạng cũng là lúc gánh hàng xôi, cơm rượu nếp vơi dần. Tất bật từ 3h, bà con làng xôi Phú Thượng đã phục vụ người dân trên khắp thành phố những suất xôi, cơm rượu nếp.
Phương Lâm