Ngôi làng trồng quất ở Nam Định vượt lên khó khăn để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống

Lại sắp đến dịp Tết đến xuân về, tại Nam Định, cứ mỗi khi nhắc đến tên một ngôi làng là tất thảy ai cũng nghĩ đến ngay nghề trồng quất cảnh truyền thống. Mỗi dịp cận Tết, ngôi làng này lại trở thành điểm sáng thu hút du khách và cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Quất cảnh làng Nam Phong từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước.

Quất cảnh làng Nam Phong từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước.

Nằm bên bờ sông Hồng, xã Nam Phong, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng quất cảnh. Đây là một nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay, gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây. Theo những người cao tuổi trong làng, ban đầu, người dân nơi đây chỉ trồng quất để chơi Tết. Sau đó, nhận thấy nhu cầu của thị trường nên đã dần chuyển thành làng nghề trồng quất cảnh ở Nam Phong. Đến nay, nghề trồng quất cảnh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một nghề kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hiện nay, toàn xã Nam Phong có khoảng 1000 hộ dân trồng quất cảnh, với diện tích trồng lên đến hàng trăm ha. Những vườn quất được trồng ở đây chủ yếu là quất cảnh, quất thế, quất bonsai. Quất cảnh Nam Phong có nhiều ưu điểm nổi bật như quả to, tròn, đều đặn, màu sắc tươi sáng, hương thơm dịu nhẹ. Đặc biệt, quất cảnh Nam Phong có tuổi thọ cao, có thể lên đến hàng chục năm.

Không khí mua bán tại các vườn quất cảnh ở xã Nam Phong những ngày giáp Tết rất sôi động. Khách hàng từ khắp nơi, cả trong và ngoài tỉnh về đây lựa mua quất tạo nên không khí xuân vui tươi, nhộn nhịp. Anh Trần Văn Tuấn, một khách hàng lâu năm ở Nam Định chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến cận Tết là anh cùng người thân tới các vườn quất ở Nam Phong để chọn mua quất cho gia đình và gửi tặng bạn bè, quất Nam Phong khá độc đáo, có đủ lộc, lá, hoa, với dáng, thế cây đa dạng, phong phú. Đặc biệt, quất Nam Phong luôn giữ được màu lá xanh tươi, sai quả, quả to, đều, đẹp, quả lâu rụng nên được nhiều người lựa chọn”.

Theo một số chủ vườn quất tại xã Nam Phong, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, nhiều khách hàng từ các tỉnh lân cận, thậm chí ở miền trong đã về Nam Phong để lựa cây, đặt tiền mua quất từ trước, chủ yếu là khách ở Thanh Hóa, Vinh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội,… Từ mùng 10 tháng Chạp trở đi, khách đến xem cây và mua đông hơn. Các chủ vườn sẽ tranh thủ bán hết quất cảnh trước Tết để tiến hành dọn vườn, chuẩn bị đất trồng và chăm sóc lứa quất cho năm sau.

Vườn quất phôi chuẩn bị cho mùa sau.

Vườn quất phôi chuẩn bị cho mùa sau.

Những tán quất đều được chằng dây thép để tạo dáng, thế đẹp.

Những tán quất đều được chằng dây thép để tạo dáng, thế đẹp.

Quất Nam Phong nổi tiếng bởi thế cây đẹp, lá xanh, quả sai, đều. Người trồng quất Nam Phong có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc giúp cây vừa có quả, có hoa và chồi non, quả vừa chín tới đúng vào dịp Tết, thỏa mãn khách chơi với tâm lý lộc lá đầu năm. Để có một cây quất hội đủ các yếu tố như vậy đòi hỏi nhà vườn phải đầu tư, chăm sóc và áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên tục trong suốt quá trình từ 1-2 năm. Quất cảnh Nam Phong được trồng trên đất phù sa màu mỡ, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển. Từng cây đều được chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng, từ khâu chọn giống, ươm cây, trồng cây, tưới nước, bón phân, tạo dáng,... Người dân làng quất cảnh Nam Phong có kinh nghiệm lâu năm trong việc chăm sóc và tạo dáng cây quất. Họ luôn chú trọng đến việc lựa chọn giống cây tốt, chăm sóc cây đúng kỹ thuật, tạo dáng cây đẹp mắt.

Quất Nam Phong từ lâu đã nổi tiếng với quả tròn, to, màu sắc đẹp mắt.

Quất Nam Phong từ lâu đã nổi tiếng với quả tròn, to, màu sắc đẹp mắt.

Vào tháng Giêng, các chủ vườn mua giống quất ở Văn Giang, Hưng Yên về trồng. Ban đầu, cây quất được chăm sóc ở khu vực riêng cho đến khi cây được hơn 1 năm mới đưa lên vườn trồng, chăm sóc, định hình dáng, thế và tạo bầu cho cây. Lúc cây còn nhỏ, thường chỉ để lại những cành chính, còn lại cắt bỏ nhằm khống chế cây mọc cành quá nhanh. Việc tỉa tán được thực hiện thường xuyên. Đối với những cây quất đã đủ tuổi xuất bán, vào khoảng giữa năm, nhà vườn mới áp dụng quy trình chăm sóc để quất ra hoa, kết trái và chín đúng dịp Tết.

Quất chum được đặt tại khu riêng, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ Tết.

Quất chum được đặt tại khu riêng, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ Tết.

Nhiều lái buôn, khách lẻ về tận vườn đặt sẵn quất cảnh chuẩn bị cho Tết.

Nhiều lái buôn, khách lẻ về tận vườn đặt sẵn quất cảnh chuẩn bị cho Tết.

Anh Vũ Đình Tuân, chủ một vườn quất cảnh tại xã Nam Phong, người có 15 năm kinh nghiệm trồng loại cây này cho biết: “Hiện tại, do chỉ có một mình nên vườn tôi chỉ có khoảng gần 200 gốc. Doanh thu biến động theo từng năm còn phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường. Với vườn của tôi, bắt đầu từ khi hết vụ quất trước, tôi chuyển cây giống từ một vườn ươm riêng, bắt đầu chăm sóc cây quanh năm. Nhưng thời điểm chăm sóc cẩn thận nhất để cây ra quả chuẩn bị cho vụ Tết là từ tháng 6, tháng 7 Âm lịch, tức là phải mất nửa năm. Vườn tôi chủ yếu trồng hai loại quất chính, giống quất Hưng yên cho quả to, phù hợp với đông đảo thị hiếu khách hàng hiện tại nên bán khá chạy. Nhưng cũng có một số khách thích quả nhỏ hơn có thể chọn giống quất từ Thái Bình”.

Nhân công tất bật để chuẩn bị cho vụ quất Tết năm nay.

Nhân công tất bật để chuẩn bị cho vụ quất Tết năm nay.

Những cây quất 3-4 năm kích thước lớn được chống đỡ cẩn thận.

Những cây quất 3-4 năm kích thước lớn được chống đỡ cẩn thận.

Vất vả là thế, nhưng nghề trồng quất cũng không thể tránh được những khó khăn, anh Tuân cho hay, thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, không như ngày xưa. Như năm nay, cả năm mưa ít, chỉ mưa lớn một đợt tháng 8 âm lịch, lại nắng nhiều, mùa hè có nhiều đợt nắng nóng lên tới hơn 40 độ. Quất lại là giống cây ưa tưới nước, ưa thời tiết ôn hòa, nhiệt độ không được quá cao. Vì thế nên quả ra đều rụng hết, dù cho chăm đến mức nào cũng rụng, cây không đậu được quả, kể cả dùng thuốc cũng không giữ được. Sâu bệnh, đặc biệt là bệnh lá xoăn cũng gây ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng của cây. Anh Tuân chưa dám dự đoán giá quất năm nay như thế nào. Theo anh, phải đợi đến cận Tết mới biết giá cả thị trường ra sao, giá cây cũng tùy thuộc vào mức độ chịu chi của người dân, năm nay kinh tế khó khăn chung, chưa chắc giá cả đã tốt hơn những năm trước.

Năm nay, thời tiết, sâu bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây quất.

Năm nay, thời tiết, sâu bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây quất.

Anh Tuân chia sẻ, dịp cận Tết, thương lái ở các tỉnh miền trong như Thanh Hóa, Vinh đến mua rất nhiều. Vườn anh trồng khoảng gần 100 cây quất hai năm, quất ba năm khoảng 70 - 80 cây. Giá cả tùy vào dáng và kích thước cây, dao động từ 2 triệu đến 10 triệu một cây. Dù khó khăn nhiều nhưng lợi nhuận lại cao hơn so với trồng lúa, nên hầu hết mọi người nhà nào cũng chuyển hướng sang trồng quất để lấy kinh tế chăm lo cho gia đình.

Anh Vũ Đình Tuân - người có 15 năm kinh nghiệm trồng quất cảnh tại xã Nam Phong.

Anh Vũ Đình Tuân - người có 15 năm kinh nghiệm trồng quất cảnh tại xã Nam Phong.

Anh Dũng - chủ vườn quất Công Dũng, tại xã Nam Phong cho biết: “Anh trồng khoảng một mẫu quất, trong đó một sào trồng được khoảng 60-70 cây quất to. Vườn của anh chuyên bán quất 3-4 năm (cao 2m-3m6, tán rộng 1m5-2m). Mỗi cây như vậy sẽ bán được với giá khoảng hơn 20 triệu. Anh vừa bán lẻ, vừa bán buôn cho khách ở các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Dịp cuối năm này phải thuê 4-5 người làm. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nhiệt độ cao, có đợt lại rét đậm rét hại. Anh phải che lưới cho toàn bộ cây để khắc phục và tích cực chăm sóc thêm cho cây”. Anh Dũng dự đoán thêm, có thể năm nay giá quất vẫn bình ổn như mọi năm, nhưng lợi nhuận thu về chắc sẽ thấp hơn do công thợ làm và giá cả thuốc trừ sâu đều lên giá.

Anh Dũng - chủ vườn quất Công Dũng chăm sóc, tỉa cành cho quất.

Anh Dũng - chủ vườn quất Công Dũng chăm sóc, tỉa cành cho quất.

Vườn quất 3-4 năm tuổi của anh Dũng.

Vườn quất 3-4 năm tuổi của anh Dũng.

Toàn cảnh một mẫu quất cảnh của vườn anh Dũng.

Toàn cảnh một mẫu quất cảnh của vườn anh Dũng.

Tuy khó khăn là vậy nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy cây quất đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đến hơn 80% hộ dân trong các thôn đã chuyển từ các cây trồng khác sang để trồng quất. Hiện nay cả xã có khoảng gần 300 mẫu đất trồng quất. Trung bình mỗi hộ dân trồng quất thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Thu nhập từ nghề trồng hoa cây cảnh, trồng quất cao gấp 4-5 lần trồng lúa và các loại cây hoa màu khác.

Nghề trồng quất mang lại kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác.

Nghề trồng quất mang lại kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác.

Có thể nói, thú vui chơi quất cảnh vào mỗi dịp Tết đến xuân về là một điều không thể thiếu trong tâm thức của người Việt. Dù có sắc hồng của những cành đào, sắc vàng của những cây mai, nhưng vẻ tươi tắn của những cây quất vẫn là biểu tượng cho một năm mới viên mãn, tràn đầy sức sống. Anh Lê Văn Tuấn (42 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Thú chơi quất cảnh là một phần không thể thiếu trong việc chuẩn bị cho Tết. Đây không chỉ là cách để tô điểm không gian mà còn là biểu tượng của sự may mắn và thành công. Mỗi lần đi mua cây quất mới, tôi luôn cảm thấy hào hứng và mong chờ một năm mới tốt lành”.

“Chị tin rằng việc trồng cây quất và trang trí nhà cửa bằng cây cảnh sẽ mang lại không khí vui tươi đón Tết cho mọi người. Cảm giác thấy những chậu quất đầy quả màu sắc đẹp mắt thực sự làm tăng thêm sự phấn khích và hứng khởi cho mỗi ngày Tết. Chính vì vậy mà không năm nào là trong nhà chị thiếu đào, quất cả”, chị Hoàng Thu Hằng (TP. Hà Nội) cho hay.

Quất cảnh từ bao năm nay là một loại cây đặc trưng của Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Nhờ có những ngôi làng như Nam Phong mà nét đẹp này chắc chắn sẽ được tiếp tục gìn giữ và phát triển, trở thành một văn hóa đặc trưng của con người Việt.

Cao Hoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-trong-quat-o-nam-dinh-vuot-len-kho-khan-de-gin-giu-va-phat-trien-a648028.html