Ngôi làng vận động viên tràn ngập mùi bánh mỳ nướng tại Olympic Paris
Ban tổ chức đã sắp xếp để làm sao sau khi các vận động viên trở về 'làng', thứ chào đón họ chính là mùi thơm nức khó cưỡng của những chiếc bánh mới ra lò.
Olympic Paris đã đi được hơn một nửa chặng đường với nhiều lời khen ngợi nhưng cũng có không ít lời than phiền. Một trong số những lời than phiền đến từ chế độ ăn dành cho các vận động viên được cho là quá ít và quá “lành mạnh” so với những căng thẳng về thể chất mà các vận động viên vừa trải qua sau mỗi cuộc thi.
Tuy nhiên, chủ nhà Pháp vẫn đang cố gắng hết sức để mang lại những bữa ăn hấp dẫn cho các vận động viên. Người ta vẫn không quên bánh mỳ mới chính là thế mạnh của nước Pháp. Và ban tổ chức đã sắp xếp để làm sao sau khi các vận động viên trở về “làng,” thứ chào đón họ chính là mùi thơm nức khó cưỡng của những chiếc bánh mới ra lò.
Một tiệm bánh được xây dựng ở ngay đầu ngôi làng sẽ cho ra lò hơn 2.000 chiếc bánh mỳ dài, bánh sừng bò, bánh pain au chocolate và bánh focaccia mỗi ngày, thậm chí còn tổ chức các lớp học làm bánh cho những vận động viên mệt mỏi đang cần được nghỉ ngơi thư giãn.
Ông Guillaume Thomas, người làm việc trong bộ phận truyền thông cho Thế vận hội Paris, cho biết. "Chúng tôi muốn mọi người có thể ngửi thấy mùi bánh mỳ dài khi họ bước vào."
Đối với 15.000 vận động viên đang tham gia thi đấu tại Thế vận hội mùa Hè này, thực phẩm đóng vai trò quan trọng để tối ưu hóa hiệu suất. Và với tiệm bánh này, nước chủ nhà Pháp muốn rắc thêm niềm vui vào những bữa ăn thông thường.
Điểm nhấn của Làng Olympic rộng lớn là mạng lưới 6 nhà hàng phục vụ các vận động viên suốt ngày đêm. Ban tổ chức đã dùng từ “nhà hàng” thay cho từ “phòng ăn” của các kỳ thế vận hội trước, bởi theo ông hilipp Wurz, giám đốc phụ trách thực phẩm và đồ uống của Thế vận hội, người ta “không thể gọi bằng tên khác được.”
Đó là một khu phức hợp rộng lớn, với trần cao và khung cửa sổ ấn tượng nhìn ra sông Seine. Nhưng thực chất, bên trong lại tương tự như một khu căngtin của trường đại học, với máy bán ngũ cốc, vòi nước soda và buffet, với sàn lát gạch đỏ và những món đồ trang trí diêm dúa như một tác phẩm sắp đặt đầy màu sắc gồm những đường ống được trang trí bằng các bức vẽ graffiti và hoạt hình.
Tuy nhiên, một căngtin trường đại học thì không thể có đến ba đầu bếp của các nhà hàng Pháp nổi tiếng – Akrame Benallal, Amandine Chaignot và Alexandre Mazzia – phục vụ. Những người này sẽ chế biến các món ăn như kem dừa mùi tây và bánh croquette nấm rán giòn.
Đội ngũ nhân viên sẽ mặc áo phông polo và đội mũ gavroche. Sẽ có đĩa phomai và bơ Pháp. Đồ dùng ăn uống là đồ sứ Pháp, được rửa trong ba chiếc máy rửa bát khổng lồ được chế tạo cho Thế vận hội.
Nhưng việc phục vụ tới 40.000 bữa ăn mỗi ngày là rất khó khăn, khi phải đáp ứng vô số yêu cầu về thể thao, văn hóa cũng như chế độ ăn uống.
20 đầu bếp từ khắp nơi trên thế giới đã được đưa tới để đảm bảo những sự khác biệt văn hóa có thể có chút nhạy cảm trong sáu nhà hàng – trong đó có 2 nhà hàng Pháp, 2 nhà hàng Á, 1 nhà hàng halal, và 1 nhà hàng chỉ đơn giản được gọi là “thế giới.”
Các chuyên gia dinh dưỡng của mỗi đoàn cũng phối hợp với ban tổ chức để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cụ thể từ mỗi quốc gia, ví dụ như người Hàn Quốc muốn kim chi, người Nhật cần miso.
Và không phải tất cả các yêu cầu đều có thể được đáp ứng. Một số quốc gia Caribe yêu cầu chanh dây, nhưng theo quy định của Thế vận hội, các nguyên liệu nhập khẩu theo đường hàng không sẽ không được sử dụng.
Dù ban tổ chức cố gắng hướng các vận động viên đến những món ăn Pháp, nhiều vận động viên có thể không bao giờ được nếm thử những món ăn đó.
Chuyên gia dinh dưỡng của đoàn Kenya cho biết nguyên tắc chung của đoàn là hạn chế tối đa ăn những thứ mới, bởi có thể xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến các vận động viên. Do đó, bà đã yêu cầu gửi đến Paris những món ăn ngon của Kenya như ugali, một loại bột ngô giàu carbohydrate và trà Kericho Gold.
Cũng qua đường bưu điện, đoàn thể thao Mỹ đã nhận được các loại sinh tố giàu protein, bánh quy xoắn, bỏng ngô, thịt bò khô, thanh năng lượng và tất nhiên là bơ lạc.
Bà Shawn Hueglin, chuyên gia dinh dưỡng thể thao cấp cao của Ủy ban Olympic Hoa Kỳ, người đã làm việc tại bốn kỳ Thế vận hội mùa Hè, cho biết đôi khi nước chủ nhà sẽ tập trung vào việc quảng bá ẩm thực của mình mà không đáp ứng nhu cầu về thành tích của các vận động viên.
Mặc dù bà đánh giá cao việc phòng ăn tại Thế vận hội Tokyo 2021 vừa qua đã phục vụ đồ ăn từ mọi vùng của Nhật Bản, nhưng "đó không phải là lựa chọn tốt nhất để các vận động viên ăn trước khi họ đi thi đấu," bà nói.
Tiến sỹ Sharon Madigan, người giám sát dinh dưỡng cho đoàn Ireland, có một quan điểm khác. Bà cho biết "Đây là cơ hội tuyệt vời để các vận động viên có thể thử những loại thực phẩm mà họ thường không ăn, và thưởng thức chúng nếu thích."
Và với món cháo vốn là món ăn truyền thống của người Ireland, bà cho biết: “Cháo là thứ mà người Pháp thật sự không làm được. Chúng tôi đã mang theo nhiều, rất nhiều yến mạch.”
Trong khi đó, vận động viên người Pháp Brice Guyart, hai lần giành huy chương vàng môn đấu kiếm, cho biết anh luôn thích việc mọi người tại Thế vận hội đều có thể ăn ở cùng một nơi, bất kể vận động viên hay quốc gia nào.
Tại Thế vận hội 2000 ở Sydney, anh đã đến phòng ăn lúc 1 giờ sáng ngay sau khi giành huy chương Vàng và kết bạn với Shinichi Shinohara, một vận động viên người Nhật Bản đã giành huy chương bạc môn judo.
Dựa trên kinh nghiệm của mình, anh đã khuyên ban tổ chức một số vấn đề như không nên làm đĩa quá lớn vì sẽ khiến các vận động viên ăn quá nhiều, giữ nhiệt độ ở mức vừa phải, vì thực khách tại Thế vận hội Sydney và Athens phải mặc áo khoác trong căngtin. Anh cũng đề xuất các đầu bếp chuẩn bị bánh cho các vận động viên nếu hôm đó đúng vào ngày sinh nhật họ.
Anh cho biết cùng với việc giành huy chương vàng ở Athens, anh nhớ mãi món salad Hy Lạp tại căngtin, với dưa chuột và cà chua tươi, cùng những miếng phomai feta mặn lớn. "Đó là bánh madeleine Proust của tôi," anh nói./.
vietnamplus.vn