Ngôi mộ đầy 'vật lạ' 10.000 năm: bước tiến hóa đột phá ở loài người
Một ngôi mộ được xây đắp công phu 10.000 năm trước, bên trong là hài cốt bé gái sơ sinh và số châu báu kỳ lạ được coi là một bước đột phá lớn đối với ngành khảo cổ.
Ngôi mộ được phát hiện tại hang động Arma Veirana (Tây Bắc nước Ý) vào đầu năm 2017 và được nghiên cứu chi tiết suốt nhiều năm qua. Trong bài công bố vừa đăng tải trên Scientific Reports, ngôi mộ ghi dấu một bước tiến hóa đột phá của loài người.
Chôn cất người chết theo phong tục là một bước tiến lớn về văn hóa nhân loại, chôn cất một đứa trẻ sơ sinh càng đặc biệt hơn, thể hiện nhận thức của những con người thời đại đồ đá cũ đã được "nâng bậc" đáng kể, theo tờ Phys.org.
Ngôi mộ rõ ràng được làm rất công phu. Cô bé yểu mệnh an nghỉ cùng nhiều đồ tùy táng kỳ lạ: 60 vỏ sò được chế tác, đục lỗ để xỏ thành chuỗi, 4 mặt dây chuyền cũng bằng vỏ sò, một móng tay chim cú đại bàng - rất có thể mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó.
Theo nhà cổ sinh vật học Jamie Hodgkins và Caley Orr từ Đại học Colorado ở Denver (Mỹ) các tác giả dẫn đầu nghiên cứu, những món đồ đã được làm hết sức cẩn thận và chính xác. Tất cả đều mang nhiều vết mòn cho thấy đó là những món đồ gia truyền.
Với thời đại của cô bé, đó là cả một kho châu báu lớn, cho thấy cô bé đã được nhìn nhận như một thành viên của gia đình, được yêu thương và tiếc thương, chứ không đơn giản là bị chôn đi như cách những người cổ xưa hơn chôn những đứa bé chết non.
Theo Acient Origins, họ đã tìm thấy răng của cô bé - được đặt tên là Neve - và xác định niên đại bằng đồng vị carbon phóng xạ, cho thấy cô bé sống vào 8.000 năm trước Công Nguyên, trong khi một mẫu DNA từ xương cho thấy đó là một bé gái.