Ngôi nhà ấm áp, vui vẻ
Những ngày tháng 7, tại cả 2 cơ sở của Trung tâm phụng dưỡng người có công Cách mạng thành phố Đà Nẵng (gọi tắt Trung tâm) không khí rộn ràng tất bật hơn khi liên tục đón các đoàn khách, thân nhân người có công với Cách mạng đến thăm.
Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2025), Trung tâm đặc biệt chú trọng tổ chức các chương trình vui chơi, giải trí, nghệ thuật, nâng cao sức khỏe tinh thần, để Trung tâm thực sự là ngôi nhà ấm áp, vui vẻ của những thương bệnh binh, người có công (NCC) với Cách mạng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây.

Các điều dưỡng ở Trung tâm đang chăm sóc bữa ăn cho NCC
Các cán bộ, điều dưỡng tại Trung tâm cùng đồng hành, tổ chức đưa NCC với Cách mạng đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm đi tham quan một số địa điểm di tích lịch sử thành phố Đà Năng, xem phim tài liệu, tham gia các trò chơi vận động cho NCC...
Trung tâm cũng tổ chức gặp mặt lãnh đạo, viên chức, người lao động và toàn thể NCC nuôi dưỡng thăm hỏi, động viên, chia sẻ tình cảm với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”. Xây dựng phương án về cơ số thuốc bổ, điều trị đảm bảo, chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong các ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Tổ chức viên chức, NCC đi thăm, viếng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Hội An
Sau sáp nhập, từ ngày 1.7, Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng Người có công tỉnh Quảng Nam, trong đó, cơ sở 1 tại đường Phan Tứ, phường Ngũ Hành Sơn và cơ sở 2 tại phường Hội An Tây, thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh chế độ ưu đãi thực hiện, thành phố Đà Nẵng cũng có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho các cụ với mức 2,1 triệu đồng/tháng/cụ
Ông Phan Văn Bình- Giám đốc Trung tâm Trung tâm cho biết, Trung tâm được giao 2 nhiệm vụ chủ yếu là: Khả năng chăm sóc nuôi dưỡng thường xuyên cho 120 thương bệnh binh, người có công với cách mạng neo đơn trong địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác theo quy mô cơ sở nuôi dưỡng.
Tổ chức điều dưỡng tập trung luân phiên hàng năm cho khoảng 3.500 lượt người có công TP Đà Nẵng và đón khoảng 500 lượt người có công các tỉnh khác đến điều dưỡng.

Ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thăm, tặng quà NCC đang nuôi dưỡng ở Trung tâm nhân Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ
Trung tâm có tổng diện tích 3,2 ha, bên cạnh các khu nhà làm việc, hội trường, khu bếp, nhà ăn… phục vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng, không gian xanh cũng được chú trọng đầu tư để tạo môi trường sống chất lượng, thoáng đãng, sạch sẽ. Tại Trung tâm có 1 nhà thờ đang thờ cúng 25 cụ, 1 nghĩa trang đang có 25 phần mộ người có công từ trần.
Không chỉ chú trọng chăm lo sức khỏe, ăn uống, vệ sinh sinh hoạt hàng ngày, điều trị, cải thiện nâng cao sức khỏe về thể trạng, Trung tâm luôn chú trọng kết hợp nâng cao sức khỏe tinh thần cho người có công nuôi dưỡng và điều dưỡng tại đây.
Chú trọng các hoạt động giải trí tinh thần, quan hệ giao tiếp, đặc biệt có chế độ chăm sóc đảm bảo đối với người có công bệnh nặng, ung thư, mãn tính, liệt... Hàng quý, tổ chức họp NCC đánh giá công tác chăm sóc, nuôi dưỡng; Thường xuyên quản lý, theo dõi, nắm bắt tính hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của NCC để giải quyết kịp thời.

Bộ Tư lệnh Quân khu V thăm, tặng quà tại Trung tâm nhân Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ
Tổ chức các hoạt động giải trí tinh thần tại chỗ, giao lưu, tham quan dã ngoại nhân các ngày lễ lớn trong năm như: Tổ chức 3 lượt người có công về quê đón Tết theo nguyện vọng; các hoạt động đón Tết Nguyên đán như gói bánh chưng, tất niên, mừng tuổi, trò chơi dân gian. Các hoạt động nhân các ngày lễ lớn; lễ mừng thọ, chúc thọ,…
Tổ chức các chuyến dã ngoại Chùa Linh Ứng – Sơn Trà, Hải Vân Quan, Suối Lương, Winwonder Nam Hội An, Thăm tượng Đài mẹ Việt Nam Anh hùng.

Các cô, bác NCC cùng cán bộ, điều dưỡng Trung tâm đi viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ
Tặng quà của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh; Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Tổ chức thăm và viếng hương gia đình thương bệnh binh Trung tâm đã về an dưỡng gia đình, từ trần; tu bổ vệ sinh phần mộ NCC. Trang trí tại khu nuôi dưỡng tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho người có công.
Gần đây nhất, tối 24.7, các cô, chú thương bệnh binh, NCC, thân nhân liệt sĩ đang được chăm sóc tại Cơ sở 2 (phường Hội An Tây, thành phố Đà Nẵng) rộn ràng rủ nhau đi xem chương trình nghệ thuật “Bài ca không quên” do Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh thuộc Sở VHTTDL Đà Nẵng đến phục vụ.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ do Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tổ chức phục vụ NCC tại Cơ sở 2 tối ngày 24.7
Cán bộ, công nhân viên, điều dưỡng ở Trung tâm cũng đến đưa các cụ tới hội trường, dẫn theo người nhà, con cái để cùng đến trò chuyện rôm rả với các cô, chú.
Nhiều cô, chú đã ngoài 80-90 tuổi, phải ngồi xe đẩy để đến hội trường xem văn nghệ nhưng vẫn rất hào hứng, ngồi xem hết chương trình và không quên vỗ tay cổ vũ sau mỗi tiết mục.

Trung tâm hiện chăm sóc 88 NCC, thân nhân liệt sĩ, trong đó có 37 người không tự phục vụ được
Chị Ngô Thị Thiệp- Trưởng phòng Chăm sóc sức khỏe Trung tâm cho biết, hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị đối với 88 NCC, thương bệnh binh (Cơ sở 1: 45 NCC, Cơ sở 2: 43 NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ). Tuổi đời bình quân là 82 tuổi, tuổi NCC cao nhất là 100 tuổi và thấp nhất là 58 tuổi. Trong đó, có 37 người không tự phục vụ được.
Có rất nhiều cô, chú đã ở Trung tâm mấy chục năm trời, gắn bó và xem Trung tâm, cán bộ, điều dưỡng Trung tâm ở đây như người nhà. Như cụ Nguyễn Thị Thiết ( 95 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam trước đây), cụ Phạm Thị Tiều ( 81 tuổi, quê Tam Kỳ, Quảng Nam trước đây) đều là thân nhân liệt sỹ; bác Võ Văn Đến (hơn 80 tuổi, quê ở Quế Sơn, Quảng Nam trước đây) là thương binh hạng 1/4,…
Tính đến thời điểm trước khi sáp nhập, tại cơ sở 2, phường Hội An Tây ( thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trước đây), Trung tâm triển khai mời và tổ chức phục vụ 11 đợt điều dưỡng người có công với 1.257/3.120 lượt. Trong đó, điều dưỡng tại Trung tâm 1.141/2.842 lượt (40,15% kế hoạch); Điều dưỡng ngoại tỉnh: 116/278 lượt (41,73% kế hoạch).
Dự kiến, từ đây đến cuối năm sẽ tiếp tục triển khai mời và tổ chức khoảng 15 đợt điều dưỡng với 2.091 lượt người (điều dưỡng tại Trung tâm 1.969 lượt; điều dưỡng ngoại tỉnh). Phối hợp với phòng Người có công thuộc Sở, UBND các xã, phường, đặc khu xét chọn, mời và tổ chức người có công điều dưỡng tập trung đảm bảo theo kế hoạch.

Cán bộ, điều dưỡng ở Trung tâm gắn bó, chăm sóc các cô, chú như người thân ruột thịt
Trong bối cảnh mới sau sáp nhập, Trung tâm cũng đề xuất : Sửa đổi quy định, mở rộng đối tượng NCC và thân nhân vào nuôi dưỡng thường xuyên, tập trung tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng.
Tiếp tục bố trí kinh phí thường xuyên, nguồn đầu tư trung hạn 2026-2030 duy tu, sửa chữa và hiện đại cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ NCC và thân nhân đến Trung tâm phục vụ nuôi dưỡng tại chỗ và điều dưỡng luân phiên.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/ngoi-nha-am-ap-vui-ve-156056.html