Ngôi nhà chung ấm áp
Trong suy nghĩ của nhiều người, Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) là nơi buồn tẻ, u sầu với những con người ốm đau, bệnh tật... Tuy nhiên, tới thăm trung tâm, chúng tôi cảm nhận nơi đây như ngôi nhà chung ấm áp của các nạn nhân chất độc da cam. Gặp chúng tôi, không ít người nay ốm mai đau còn hồ hởi: 'Ở trung tâm vui lắm các anh, chị à!'...
Nhân viên Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: Hà Hiền
Những câu chuyện cảm động
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) vào một ngày giữa tháng 2-2020. Thấy khách lạ, anh Đặng Văn Chương (ở xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên) đang được chăm sóc ở trung tâm phấn khởi mời: “Vào… nhà, vào… nhà chơi. Tôi đi… trồng cây”. Còn anh Lương Văn Thắng, đến từ xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) vừa quét sân, vừa í ới: “Chờ, chờ, chờ… cho em chơi với”...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiện, Trưởng phòng Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng, Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin cho biết, hai trường hợp trên là những nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khá éo le. Trung tâm nhận vào chăm sóc đã được nhiều năm, sức khỏe có nhiều tiến bộ... Ông Tiện thông tin thêm: "Với những nạn nhân chất độc da cam có thể đi lại, có khả năng nhận biết như các anh Đặng Văn Chương, Lương Văn Thắng, trung tâm bố trí làm những công việc giản đơn như quét sân, lau nhà, trồng cây, chăn nuôi... Còn với những nạn nhân sức khỏe yếu sẽ được chăm sóc 24/24 giờ ở khu vực riêng".
Vừa khám sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam, bác sĩ Tô Ngọc Sơn, Trưởng phòng Y tế và Tẩy độc, Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vừa cho biết: "Ở trung tâm có trường hợp em Nguyễn Văn Quỳnh (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) bị teo tứ chi, thức hay ngủ đều trong trạng thái ngồi gập người. Quỳnh sống đời sống gần như thực vật, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào những người xung quanh. Tuy nhiên, nhờ được chăm sóc đúng cách, sức khỏe của Quỳnh hiện tương đối ổn định".
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không được điều trị, lúc ở nhà Trần Thị Khánh (xã Kim An, huyện Thanh Oai) bị liệt nặng, nằm một chỗ, thường kêu la, hành động vô thức. Sau hơn một năm sống tại trung tâm, hiện Khánh ăn tốt, ngủ ngon, nhận biết được những điều đơn giản. “Thấy con gái tiến bộ dần, tôi mừng lắm. Điều đó chứng tỏ, con tôi và các nạn nhân khác luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt là từ đội ngũ cán bộ của trung tâm, của các cơ quan chức năng và cộng đồng”, ông Trần Quang Thi, bố đẻ của Khánh bày tỏ.
Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam như người thân
Ông Tô Văn Thật, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin cho biết, đơn vị được thành lập theo Quyết định số 6883/QĐ-UBND ngày 14-12-2015 của UBND thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở đầu tiên và duy nhất của cả nước ở thời điểm hiện tại thực hiện việc nuôi dưỡng, điều trị tập trung cho nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho 93 người, trong đó hơn 63% số nạn nhân chất độc da cam không thể tự phục vụ bản thân; số còn lại có khả năng phục vụ, nhưng thiếu tính chủ động; gần 80% có biểu hiện của bệnh tâm thần. Do đó, công tác chăm sóc, điều trị cho nạn nhân chất độc da cam tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn.
Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ngoài sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm luôn coi nạn nhân chất độc da cam như người thân. Có thể kể đến bà Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính. Hằng tháng, bà Hằng trích một phần tiền lương mua nguyên liệu để về dạy cho những nạn nhân còn khả năng nhận thức làm các loại bánh đơn giản, nấu ăn, gọt hoa quả… “Trải qua những cơn đau do bệnh tật, tôi càng thấu hiểu nỗi đau dai dẳng mà nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ phải gánh chịu. Khi ổn định sức khỏe, trở lại với công việc, tôi làm tất cả những việc trong khả năng có thể để hỗ trợ họ”, bà Hằng chia sẻ. Tấm lòng “thương người như thể thương thân” của bà Phạm Thị Hằng được gia đình các nạn nhân ghi nhận. Năm 2019, bà đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ chăm sóc nạn nhân nam (Phòng Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng) thường xuyên “ba cùng” (ăn, ở, sinh hoạt) với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam để có thể hiểu rõ từng người. Từ đó, ông Thuấn đưa ra nhiều sáng kiến nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, tiện ích cho đối tượng; đồng thời đề xuất những giải pháp hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng đạt hiệu quả tích cực… “Chúng tôi đã, đang làm việc với tinh thần: Đối tượng là người thân. Việc bảo đảm sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân là mục tiêu phấn đấu”, ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhấn mạnh.
Trước khi rời trung tâm, chúng tôi nhận được tin vui là đơn vị đã được thành phố phê duyệt kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) để thực hiện nhiệm vụ tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam. Dự kiến, từ năm 2021, mỗi năm, trung tâm sẽ tiến hành tẩy độc cho khoảng 500 người. Đây là nhiệm vụ mới, không dễ thực hiện. Song, với sự đoàn kết, nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi tin trung tâm sẽ hoàn thành tốt công việc được giao.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/958534/ngoi-nha-chung-am-ap