Ngôi nhà chung đong đầy tình yêu thương

Ở tuổi xế chiều, khi mà tóc đã bạc phai vì nắng gió thời gian, khi lẽ ra phải được con cháu phụng dưỡng đủ đầy thì vẫn còn đâu đó những mảnh đời không nơi nương tựa, cuộc sống một mình gồng gánh những lo toan. Nhưng rồi cuối hành trình của cuộc đời, họ đã tìm được cho mình một 'trạm' dừng chân, một mái nhà có tình yêu thương, để không phải sống đơn độc suốt chặng đường còn lại…

 Mái nhà chung của các cụ già neo đơn luôn rôm rả tiếng chuyện trò -Ảnh: KHÁNH LINH

Mái nhà chung của các cụ già neo đơn luôn rôm rả tiếng chuyện trò -Ảnh: KHÁNH LINH

Từ người lạ hóa người thân

Sáng sớm, đến thăm các cụ già tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị (thị xã Quảng Trị), tôi cảm nhận được niềm vui trên từng khuôn mặt của những cụ già đang sống trong ngôi nhà bình yên này. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung là không còn nơi nào để đi, không còn ai để nương tựa. Bởi vậy, nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung, nuôi dưỡng và cưu mang những cụ già có cảnh đời bất hạnh. Trên hành lang của trung tâm, một vài cụ đang ngồi tỉ tê chuyện trò. Hễ thấy ai lạ đi ngang qua các cụ cũng đưa mắt nhìn rồi bắt chuyện.

Thấy tôi, bà Phạm Thị Yến (85 tuổi) vội kéo ngồi xuống, kể đủ thứ chuyện. Bà Yến tâm sự: “Bà vào trung tâm đã hơn 1 năm nay. Bà lấy chồng 35 năm nhưng không có con. Cách đây 10 năm, chồng bà bị bệnh rồi mất. Trước đây, bà tự bươn chải khắp nơi, làm đủ thứ nghề, từ làm ruộng thuê, bán đồng nát cho đến giúp việc nhà để kiếm sống… Bà sống trong ngôi nhà nhỏ lụp xụp, không có người thân, lúc ốm đau cũng chỉ có một mình xoay xở. Giờ đây, khi không đủ sức để lo cho mình nên bà xin vào trung tâm. Ở đây, mọi người xem bà như người thân trong gia đình. Bà được các nhân viên quan tâm, chăm sóc chu đáo, được bố trí phòng ở sạch sẽ nên cảm thấy vui và mong muốn được sống ở đây đến khi qua đời”.

Cách đó vài chiếc ghế, cụ Nguyễn Thị Kiệm (97 tuổi), nở một nụ cười móm mém kể: “Bà sống ở đây đã quen, không gian thoáng đãng, yên bình và cảm thấy thoải mái như đang ở chính trong nhà mình. Hằng ngày, bà thường phụ giúp mọi người quét dọn, nhổ cỏ và làm những công việc lặt vặt. Ở đây, có nhiều người bị bệnh nặng không thể tự chủ được trong sinh hoạt được như bị bại liệt, tâm thần nhẹ, mất trí nhớ… Những người này được các nhân viên chăm sóc riêng từ vệ sinh cá nhân, thay bỉm, lau người và bón từng bữa ăn. Còn những người còn minh mẫn, khỏe mạnh hơn như bà thì hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Tất cả xem nhau như một gia đình đầy tình yêu thương”. Tuổi già, ai cũng mong được sum vầy bên con cháu, nhưng vì những lý do khác nhau, nhiều người đã không có được may mắn đó. Hiểu được hoàn cảnh của các cụ, cảm thông với nỗi bất hạnh mà các cụ phải trải qua, tất cả nhân viên ở trung tâm đều xem các cụ như là những người ruột thịt của mình. Tình yêu thương của những cán bộ, nhân viên nơi đây chính là ngọn lửa sưởi ấm trái tim của những cụ già neo đơn, giúp họ có thêm nghị lực để sống tốt hơn.

 Người già neo đơn được quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình -Ảnh: KHÁNH LINH

Người già neo đơn được quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình -Ảnh: KHÁNH LINH

Bàn tay thoăn thoắt trong từng động tác, từ mặc áo cho đến tắm rửa, đút cháo cho các cụ ăn, chị Nguyễn Thị Khánh Linh, điều dưỡng viên của trung tâm bộc bạch: “Tuổi già thường khó tính, để chiều lòng tất cả, không chỉ khéo léo, dịu dàng trong công việc mà còn phải xuất phát từ tấm lòng của mình. Đặc biệt, mỗi lần có người đau ốm nặng vào viện, chúng tôi phải túc trực cả ngày lẫn đêm cho đến khi các cụ ra viện. Vừa làm việc ở trung tâm, vừa chăm lo cho gia đình nhưng chúng tôi đều làm tròn bổn phận, xem cả hai đều là những ngôi nhà chung của mình”. Từ những người xa lạ, những người già neo đơn, không nơi nương tựa gặp nhau dưới một mái nhà chung và xem nhau như người thân. Được sống trong ngôi nhà chan chứa yêu thương, trên gương mặt các bà ấm áp niềm vui. Nỗi đau từ đó được xoa dịu phần nào.

Tuổi già không còn đơn độc…

Liệt cả hai chân, hằng ngày bà Đoàn Thị Hồng Sen (88 tuổi) vẫn thường lăn chiếc xe của mình ra hành lang để trò chuyện cùng mọi người. Bà Sen nói: “Ở đây vui lắm! Có nhiều người cùng cảnh ngộ bầu bạn tâm sự, chia sẻ buồn vui. Lắm lúc chúng tôi tranh cãi nhau những chuyện nhỏ nhặt như trẻ con, nhưng cũng làm hòa rất nhanh. Vào đây tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa hơn nhiều”. Được biết, hoàn cảnh của bà Sen rất đặc biệt. Năm 1968, bà mất cả hai chân trong một trận càn quét của giặc Mỹ. Không chồng, không con, bà Sen sống bằng khoản trợ cấp xã hội và sự chung tay giúp đỡ của mọi người, cùng với căn nhà được xây dựng nhờ những tấm lòng hảo tâm. Trước đây, bà sống đơn độc, lủi thủi một mình nên sinh hoạt gặp khó khăn, mỗi khi trái gió trở trời bà thường hay tủi thân. Nhưng từ khi vào trung tâm, bà thấy phần nào được xoa dịu nỗi đau, sự bất hạnh khi có thêm người bầu bạn. Gặp gỡ và trò chuyện với các cụ già neo đơn ở đây, tôi cảm nhận được hầu hết các cụ đều rất niềm nở khi có người ghé thăm. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ nối dài mãi không thôi. Nhìn thấy các cụ cười nói, bất chợt tôi cũng thấy vui lây. Có lẽ, những phận già không trọn vẹn niềm vui đã tìm được sự đầm ấm trong một gia đình chung và niềm hạnh phúc ở tuổi xế chiều.

 Bà Đoàn Thị Hồng Sen cảm thấy may mắn khi được ở trong ngôi nhà chung đong đầy tình yêu thương -Ảnh: KHÁNH LINH

Bà Đoàn Thị Hồng Sen cảm thấy may mắn khi được ở trong ngôi nhà chung đong đầy tình yêu thương -Ảnh: KHÁNH LINH

Bên cạnh việc chuẩn bị bữa ăn, giấc ngủ chu đáo, các nhân viên ở trung tâm luôn tranh thủ trò chuyện giúp các cụ khuây khỏa tinh thần, có thêm niềm vui. Chị Dương Thị Kiều Oanh, điều dưỡng viên ở trung tâm chia sẻ: “Cách đây không lâu, có một cụ bà hoàn cảnh rất đáng thương. Đó là bà Nguyễn Thị Bích, mặc dù có con cái, nhưng đứa con trai duy nhất của bà lại nghiện ngập nên bị bắt đi tù. Bà ở với con dâu thì bị ngược đãi. Khi trung tâm tiếp nhận trường hợp của bà Bích, chắc vì trải qua nhiều chuyện buồn nên bà sống thu mình, rất ít khi nói chuyện và chia sẻ với mọi người. Chúng tôi phải cố gắng chăm sóc, hỏi han và động viên bà rất nhiều thì bà mới chịu kể câu chuyện của mình. Bà thường tâm sự rằng mình cảm thấy mãn nguyện vì khi “gần đất xa trời” lại có một chốn bình yên để nương thân. Nhưng cách đây hơn 1 tháng, bà Bích đã qua đời vì bệnh tật. Sau khi bà qua đời, trung tâm đã lo hậu sự cho bà rất chu đáo”. Để những người già neo đơn tìm được ý nghĩa cuộc sống, các nhân viên ở trung tâm luôn xác định làm việc không chỉ đơn thuần là trách nhiệm, mà cao hơn cả chính là tình thương, sự sẻ chia, đùm bọc, từ đó giúp cho những phận đời bất hạnh cảm nhận được tình người ấm áp và thêm niềm tin, hy vọng trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Đặng Hưng, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện nay, trung tâm đã tiếp nhận và nuôi dưỡng 16 cụ già neo đơn, 35 trẻ em mồ côi. Đối với các cụ già không nơi nương tựa, ngay khi được tiếp nhận, các cán bộ, nhân viên đã gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cụ để kịp thời động viên, đưa ra những hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp. Đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ bảo trợ xã hội, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt hằng ngày, góp phần giúp các cụ có cuộc sống ấm áp, an nhàn của tuổi già”.

Dưới mái nhà chung này lúc nào cũng rôm rả tiếng nói cười, chuyện trò, cả tiếng bước chân tập tễnh và tiếng xe lăn vọng lại từ cuối hành lang… Những âm thanh trộn lẫn vào nhau khiến cuộc sống của các cụ trở nên vui tươi, đầm ấm hơn. Cuối hành trình dài của đời người, khi chân đã mỏi, gối đã chùng, các cụ ai cũng thấy may mắn khi có chốn nương thân đong đầy tình yêu thương…

Võ Khánh Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=156914&title=ngoi-nha-chung-den-noi-o-an-toan-dong-day-tinh-yeu-thuong