Bắc Giang giám sát chặt chẽ người đi, đến, về từ vùng có dịch bạch hầu
UBND tỉnh Bắc Giang ra công văn khẩn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Trong công văn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch bạch hầu, phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng.
Sở Y tế tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các đơn vị y tế trên toàn tỉnh về công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngành Y tế địa phương cần tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới nhằm phát hiện sớm ca bệnh/nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng; yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ các mũi vaccine có thành phần bạch hầu.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành y tế địa phương chỉ đạo công tác thu dung, điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.
Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, đảm bảo kinh phí, nhân lực, khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra.
UBND huyện Hiệp Hòa cần thông tin ngay cho các địa phương ngoài huyện có trong lịch trình di chuyển của ca bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn và xử lý môi trường theo quy định.
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, trường hợp dương tính với bạch hầu là M.T.B., 18 tuổi, tạm trú huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ngày 25 - 28/6, M.T.B. và M.T.S. về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT, ở cùng phòng với một người mắc bệnh bạch hầu. Khi quay lại Bắc Giang, B. và S. đau họng, cùng lúc đó cả hai biết người bạn cùng phòng ở Nghệ An trước đây đã mất vì bạch hầu nên tự mua thuốc kháng sinh uống.
B. làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với bạch hầu. Nữ sinh cũng được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị. Còn S. và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đã được cơ quan chuyên môn huyện Hiệp Hòa thu dung và đưa vào khu vực cách ly.
Bạch hầu là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền nhiễm thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng hai tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.
Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.