'Ngôi nhà' của những loài linh trưởng quý hiếm

Đến Cúc Phương - Vườn Quốc gia được xếp hạng hàng đầu châu Á 5 năm liên tiếp, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được tận mắt chứng kiến các loài linh trưởng quý hiếm.

Chốn bình yên của linh trưởng

Được thành lập từ năm 1993, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) tại Vườn Quốc gia Cúc Phương được xem là "ngôi nhà chung" của 14 loài linh trưởng quý hiếm với hơn 180 cá thể đang được cứu hộ, nhận nuôi và chăm sóc.

Phần lớn các loài linh trưởng tại đây đều là tang vật của các vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp được lực lượng chức năng bắt giữ. Nhiều cá thể trong số này đang trong tình trạng bị thương tích rất nặng và cần được chăm sóc đặc biệt.

Ánh mắt ám ảnh của Voọc Cát Bà, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới đang được chăm sóc tại Cúc Phương, Ninh Bình. Trước khi vào đây, chúng đã trải qua một hành trình đau khổ và cận kề cái chết. Ảnh: Ngọc Nam

Ánh mắt ám ảnh của Voọc Cát Bà, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới đang được chăm sóc tại Cúc Phương, Ninh Bình. Trước khi vào đây, chúng đã trải qua một hành trình đau khổ và cận kề cái chết. Ảnh: Ngọc Nam

Từ 2 lồng ngày đầu thành lập, sau hơn 30 năm, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp đã có cơ sở vật chất bài bản với gần 50 chuồng nuôi và khu bán hoang dã. Có 12 loài đã cho sinh sản thành công với trên 200 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới. Đó là voọc mông trắng, voọc đầu trắng và voọc chà vá chân xám. Có 6 loài được cứu hộ và chăm sóc duy nhất tại Cúc Phương mà không một nơi nào trên thế giới có cơ hội này.

Gia đình voọc chà vá chân nâu, đây là loài được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng”. Ảnh: Ngọc Nam

Gia đình voọc chà vá chân nâu, đây là loài được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng”. Ảnh: Ngọc Nam

Tại Trung tâm có nhiều cá thể voọc chà vá chân nâu đang được cứu hộ và chăm sóc. Voọc chà vá chân nâu hay còn được gọi là chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là "nữ hoàng" của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu. Loài này thuộc danh mục nhóm IB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Mỗi cán bộ là một "bảo mẫu"

Khi một cá thể linh trưởng được đưa tới Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp, các bác sĩ thú y và nhân viên chăm sóc sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và lập kế hoạch phục hồi. Quá trình này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ tổn thương của từng cá thể. Trong thời gian này, chúng sẽ được chăm sóc tận tình, bao gồm việc cung cấp chế độ ăn uống phù hợp, điều trị y tế và tái thả về tự nhiên khi đủ điều kiện.

Chỉ riêng chuyện ăn uống của linh trưởng đã rất cầu kỳ. Theo chị Bùi Thị Nhụ, nhân viên chăm sóc tại Trung tâm chia sẻ mỗi ngày tất cả các loài linh trưởng tại đây tiêu thụ hơn 1.000 bó lá tương đương khoảng 4 tạ kèm theo đó là khoảng 1 tạ các loại rau, củ, quả như cà rốt, khoai lang, bí đỏ…

Nguồn thức ăn lá cây cho linh trưởng được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái. Ảnh: Ngọc Nam

Nguồn thức ăn lá cây cho linh trưởng được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái. Ảnh: Ngọc Nam

Sau bữa ăn, các nhân viên thú y tiến hành kiểm tra tình hình sức khỏe của động vật tại từng khu chăm sóc và thực hiện công việc vệ sinh kỹ lưỡng để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cho các loài thú. Công việc thường kết thúc vào lúc chiều muộn, nhưng có nhiều ngày các thành viên trong đội phải thức trắng đêm để chăm sóc các cá thể voọc bị ốm.

Chính sự tận tâm và lòng yêu nghề đã khiến mỗi cán bộ trở thành những bảo mẫu, đem đến tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo cho các loài linh trưởng giúp chúng có môi trường sống tốt đẹp và an toàn.

Thực đơn hàng ngày của linh trưởng được nhân viên Trung tâm phân chia rõ ràng. Ảnh: Ngọc Nam

Thực đơn hàng ngày của linh trưởng được nhân viên Trung tâm phân chia rõ ràng. Ảnh: Ngọc Nam

Cùng với công tác cứu hộ, chăm sóc, Trung tâm còn tổ chức tái thả động vật về với tự nhiên. Trước khi tái thả, các chuyên gia tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp, theo dõi môi trường sinh thái trong khu vực, điều tra về mức độ đa dạng, trữ lượng thức ăn và đào tạo nguồn nhân lực để quản lý. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã tiến hành tái thả thành công hàng trăm cá thể về tự nhiên.

Một cá thể vượn quý hiếm sau thời gian chăm sóc đã được ở khu bán hoang dã trước khi về với ngôi nhà tự nhiên của chúng. Ảnh: Ngọc Nam

Một cá thể vượn quý hiếm sau thời gian chăm sóc đã được ở khu bán hoang dã trước khi về với ngôi nhà tự nhiên của chúng. Ảnh: Ngọc Nam

Những năm qua, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương không chỉ tập trung vào công tác cứu hộ và bảo tồn mà còn chú trọng đến việc giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã. Đây là nơi tổ chức nhiều chương trình giáo dục và hoạt động tương tác dành cho học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ nhằm mục đích cung cấp kiến thức cơ bản về thiên nhiên, môi trường.

Tiêu biểu có thể kể đến khóa tập huấn "Bước chân sinh thái 2024" tại Vườn Quốc gia Cúc Phương do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt thực hiện. Đây là khóa tập huấn miễn phí giúp các bạn trẻ có kiến thức và kỹ năng để sản xuất các tin, bài báo chí về môi trường, kỹ năng truyền thông về môi trường trên mạng xã hội, góp phần lan tỏa giá trị tích cực, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Kỳ II: Trải nghiệm ngắm đom đóm và động vật hoang dã

Ngọc Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngoi-nha-cua-nhung-loai-linh-truong-quy-hiem-169240722183245699.htm