Ngôi nhà dừa độc đáo trên cù lao An Bình

Con tàu rẽ sóng, vượt sông Tiền cuồn cuộn phù sa vào một buổi sáng mưa trắng trời miền Tây đã đưa chúng tôi cập bến cù lao An Bình. Sông nước mênh mông không khiến những người khách từ miền Trung xa xôi lần đầu ghé đất Vĩnh Long e ngại. Có lẽ niềm háo hức thăm ngôi nhà dừa được xem là độc đáo nhất Việt Nam khiến chúng tôi quên đi cảm giác đó khi đi giữa mênh mông sông nước.

Cù lao An Bình, cái tên đã gợi lên sự bình yên. Trong không gian như vậy, khuôn viên Nhà dừa Cocohome của vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Giác (số 203A/12 ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng toát lên vẻ yên bình, thoáng đãng. Để tạo dựng được công trình này, vợ chồng bà Giác mất rất nhiều thời gian, công sức và đặt trọn vào đó cả tâm huyết.

Ngôi nhà của bà Ngọc Giác được công nhận là Nhà dừa Việt Nam - Ảnh: H.N

Ngôi nhà của bà Ngọc Giác được công nhận là Nhà dừa Việt Nam - Ảnh: H.N

Thật ấn tượng khi vừa bước chân vào khuôn viên Nhà dừa Cocohome, du khách thấy hiện lên hình ảnh thân thuộc của cây dừa. Dừa khi được đưa vào đây đều đã chế tác thành các vật dụng trang trí, sinh hoạt nhưng được các nghệ nhân giữ lại màu mộc của nó nên rất dễ nhận ra nét đặc trưng.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những gốc dừa xù xì, khô ráp như lột xác trong những hình hài, dáng dấp mới mang hồn quê hương. Để góp thêm sự tao nhã cho khu vườn, chủ nhà khéo léo trưng bày những chậu hoa kiểng trước hiên. Khoảng sân vườn có hồ sen, vườn trái cây nho nhỏ, tất cả hướng ra mặt sông lồng lộng gió.

Bên trong ngôi nhà 3 gian, 2 chái rộng 300 m2 , tất cả những vật dụng sinh hoạt, trang trí đều được làm bằng dừa với gam màu trầm toát lên vẻ sang trọng. Bà Ngọc Giác nhiệt tình dẫn khách tham quan ngôi nhà và giới thiệu các vật dụng được trang trí, bày biện bên trong.

Nói về ý tưởng hình thành nên Nhà dừa Cocohome, bà Giác chia sẻ: “Con gái tôi học đại học sư phạm Anh nhưng lại đam mê du lịch nên ra trường là theo nghề hướng dẫn viên. Trong quá trình dẫn khách đi thăm các tour miền Tây, con gái tôi luôn trăn trở về một sản phẩm du lịch tạo ấn tượng sâu sắc với du khách nước ngoài nhưng phải gắn với văn hóa vùng miền. Sau khi tư vấn ý kiến của vợ chồng tôi, con gái đã chọn dừa làm điểm nhấn vì loài cây này được trồng tập trung nhiều nhất ở Nam Bộ. Thật trùng hợp khi vợ chồng tôi cũng đã từng ấp ủ ước mơ dựng một ngôi nhà hoàn toàn từ nguyên liệu của cây dừa”.

Công trình được khởi công từ năm 2017, đến năm 2019 thì hoàn thành, được làm từ 4.000 cây dừa với kinh phí lên tới 6 tỉ đồng, riêng ngôi nhà có kinh phí 2 tỉ đồng. Theo bà Giác, để có đủ nguyên liệu xây dựng công trình, gia đình phải tìm về Bến Tre để mua dừa. Dừa được mua phải có tuổi đời từ 80-90 tuổi. Ngoài việc tạo ra không gian sống thân thiện, gần gũi với miền Tây sông nước, ngôi nhà chứa đựng nhiều sản phẩm quen thuộc từ cây dừa của xứ cù lao yên bình này.

Tùy theo các công đoạn mà gia đình mời nghệ nhân đến từ các nơi khác nhau để thực hiện, vì thế tiền công xây dựng ngôi nhà rất đắt. Các nghệ nhân đã tận dụng hết bộ phận của cây dừa để chế tác ra đồ dùng sinh hoạt, trang trí trong ngôi nhà. Ví dụ gốc rễ dừa được chế tác thành 12 con giáp và cặp cá chép hóa rồng đặt phía trước ngôi nhà. 4 tấm liễn và hai bức tranh treo trong nhà được làm từ xơ dừa, gáo dừa.

“Sợi dừa được các nghệ nhân mài dũa từng nét, cắt dán lên tấm liễn. Thường trong những ngôi nhà truyền thống của vùng Nam Bộ, người ta hay treo bức liễn có khắc chữ Nho, chữ Hán nhưng chúng tôi khắc bằng tiếng Việt để ai cũng có thể đọc được”, bà Giác cho biết.

Công đoạn khó và kỳ công nhất là việc đánh bóng thân cây dừa. Những người thợ phải xẻ, xử lý xơ dừa rồi tiến hành bào, gọt và chà bằng giấy nhám đến khi không còn sờ thấy xớ gỗ gồ ghề mới thôi. Ngoài ra nhiều mối nối, mối ghép cũng rất cần có vật liệu gắn kết chuyên dụng khiến cho chi phí tốn kém hơn. Chính vì vậy dù không quá rộng lớn nhưng gia đình bà phải mất hơn hai năm với 30 thợ thi công liên lục mới hoàn thành căn nhà độc đáo này.

Các vật dụng xinh xắn được làm từ cây dừa -Ảnh: H.N

Các vật dụng xinh xắn được làm từ cây dừa -Ảnh: H.N

Với tổng diện tích trên 6076.2 m2 , trong khuôn viên Nhà dừa Cocohome có nhiều vườn cây ăn trái như nho, dâu, chôm chôm... được trồng ven ao hồ. Tạo điểm nhấn cảnh quan, chủ nhân ngôi nhà cũng trồng khá nhiều cây dừa xanh tươi, tạo cảm giác một không gian được bao bọc bởi dừa. Nhà dừa Cocohome trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách với nhiều hoạt động thú vị như tham quan vườn trái cây, ẩm thực đồng quê. Hiện căn nhà được gia đình vợ chồng bà Giác sử dụng làm dịch vụ homestay cho khách tới nghỉ dưỡng, du lịch và tham quan.

Ngày 7/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh cho Nhà dừa Cocohome. Ngày 5/11/2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho Nhà dừa Cocohome là Nhà dừa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Dừa Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm dừa thuộc lĩnh vực kiến trúc, xây dựng nên có thể xem đây là kỷ lục duy nhất, đầu tiên, có tính độc đáo của cả nước .

Với quy mô khoảng 10 phòng và được đăng ký trên các dịch vụ đặt phòng trực tuyến, căn nhà dừa được nhiều du khách đến tham quan khám phá. Một điều khá đặc biệt là do khu vực cù lao An Bình hiện chưa có cầu qua sông nên việc di chuyển bằng thuyền tới khu du lịch này thật thú vị, nhất là đối với du khách ở xa. Được đi thuyền trên sông nước mênh mông, ngắm nhìn cuộc sống của người dân hai bên cù lao là một trải nghiệm khó quên.

Nhà dừa Cocohome là một điểm nhấn duyên dáng, hòa vào bức tranh du lịch đậm chất sông nước trên cù lao An Bình lúc nào cũng đắm say du khách mọi miền.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/ngoi-nha-dua-doc-dao-tren-cu-lao-an-binh/182633.htm