Ngôi nhà không hoàn hảo

Có những căn nhà dù không hoàn hảo, không hẳn là hình mẫu lý tưởng mà ta từng mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn trân trọng, yêu thương và mong muốn trở về. Chẳng vì lý do gì khác, chỉ bởi đó là nhà.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe câu chuyện về ngôi nhà của Thùy Linh.

Sinh ra vào những năm 90, thế hệ tôi lớn lên trong thời kỳ mà người ta du nhập rất nhiều thứ của nước ngoài. Từ cái ăn cái mặc cho tới hình dáng, kiến trúc ngôi nhà để ở. Thật khó để không choáng ngợp trước những điều mới lạ và thú vị có mác “ngoại”. Có một khoảng thời gian người ta hay nhắc câu: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Cơm Tàu, nhà Tây, vợ Nhật như thành thứ lý tưởng, khát vọng của bao người.

Nhận định ấy không hoàn toàn chính xác, nhưng nó in sâu vào tâm trÍ góp phần định hình khái niệm về một “ngôi nhà đẹp” trong tôi. Đối với tôi, ngôi nhà lý tưởng hẳn phải mang đậm hơi thở phương Tây, dù là kiến trúc kiểu Pháp lộng lẫy hay lối thiết kế phóng khoáng mà hiện đại của xứ lạnh Bắc Âu. Cũng vì tin rằng chuẩn mực nhà đẹp là phải “Tây” nên tôi đã luôn mơ về một mái ấm như trong những thước phim nước ngoài với khoảnh sân nhiều hoa cỏ, nội thất tinh giản mang hơi hướng công nghệ cao, phòng áp mái có cửa sổ trần để được đắm mình dưới muôn ngàn vì sao. Nhưng ước mơ ấy đã không trở thành hiện thực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nơi nội thành đất chật người đông, giữa bê tông cốt thép và những tòa nhà cũ mới chen nhau, chốn về của tôi là một căn hộ chung cư tầm trung với diện tích không đến 60m2 - Một không gian vừa đủ để sinh hoạt, nhưng lại chưa đủ đối với người vốn quá nhiều mơ tưởng về ngôi nhà tương lai của mình. Nhà tôi không có tầm nhìn thoáng đãng để chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục khi hoàng hôn buông xuống, khi đêm về. Nhà tôi cũng không có ban công lộng gió để hứng lấy những vệt nắng vàng ươm và để chủ nhà khéo tay tô điểm bằng hương sắc rực rỡ của hoa cỏ theo mùa. Do là chung cư nên yếu tố quyết định cách sắp xếp nội thất trong nhà lại là những đường dây điện âm tường và lối xây dựng rập khuôn, cứng nhắc của chủ đầu tư. Có thể nói, căn nhà tôi đang ở chẳng hề “Tây” và hiển nhiên là không có điểm nào tương đồng với mẫu nhà mà tôi hằng ao ước.

Tôi băn khoăn tự hỏi, vì sao dù rõ ràng là còn rất nhiều điều chưa được vừa lòng thỏa ý, tôi vẫn cảm thấy chốn an cư của mình đáng yêu và thân thương đến lạ? Người ta có thể dễ dàng yêu thích một căn nhà nếu nó hợp mắt. Nhưng chỉ tới khi ta nương náu nơi đó và dành cho nó sự chăm chút, vun vén qua tháng ngày, thứ tình cảm sâu nặng hơn là thương nhớ mới có cơ hội bén rễ nảy mầm. Để rồi vươn dài những dây leo mềm mại, níu chặt trái tim ta với nơi được gọi là nhà.

Loài kiến cần hai tháng để tạo nên những đường hầm tinh vi dưới lòng đất. Một cặp chim yến cũng cần từ bốn đến năm tháng để xây xong chiếc tổ khéo léo trên những vách đá cheo leo. Khoảng thời gian ba năm là quá đủ để mẹ con tôi vun đắp cho căn nhà của mình từ một thực thể lạ lẫm thành một chốn về ấm áp. Dẫu không hoàn hảo nhưng lại là vùng an toàn. Nơi chúng tôi lưu giữ hơi thở cuộc sống, tạo nên những ký ức tốt đẹp và bọc mình trong bầu không khí thoải mái, an nhiên.

Tôi yêu cái cách mà căn nhà nhỏ của mình trở nên đủ đầy và hoàn thiện dần qua từng ngày với những món đồ thấm đẫm kỷ niệm. Tôi yêu sự kết hợp thú vị giữa chữ Phúc phong thủy khắc gỗ và bộ sô pha màu ghi xám. Hay bản phối độc đáo giữa tranh treo tường trường phái tối giản với lọ hoa pha lê tạo hình cầu kỳ. Chúng không tây cũng chẳng ta, có đắt cũng có rẻ, là tự mua hoặc được tặng. Chúng mang trong mình những câu chuyện khác nhau, thể hiện những sở thích và gu thẩm mỹ hoàn toàn trái ngược của các thành viên trong gia đình. Sự hiện diện của chúng khiến cho phong cách tổng thể của căn nhà có chút gì đó lộn xộn. Nhưng đó lại là sự lộn xộn đầy màu sắc, đầy hương vị cùng những cung bậc cảm xúc, thoạt trông hỗn độn, chắp vá, nhưng lại cho tôi cảm giác thoải mái.

Một không gian riêng tư giúp ta lắng lại sau những khoảng thời gian mệt nhoài vì công việc. Ảnh minh họa

Một không gian riêng tư giúp ta lắng lại sau những khoảng thời gian mệt nhoài vì công việc. Ảnh minh họa

Trong căn nhà được trang hoàng một cách nghiệp dư chẳng theo bất cứ trường phái kiến trúc nào, tôi tìm được không gian riêng tư để lắng lại, gỡ xuống hết thảy gai góc quanh mình và được tự do trở về làm chính mình. Tâm trí vốn vô tư dần học được thứ gọi là trách nhiệm, trái tim thi thoảng nhói lên những nỗi bất an cũng được xoa dịu bởi cảm giác thuộc về và gắn kết sâu sắc.

Thực tình thì ước mơ được ở một ngôi nhà hiện đại với sân vườn rộng thoáng và nội thất sang xịn của tôi vẫn còn đó. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mọi thứ sẽ không có nghĩa lý gì khi nhà chỉ đơn thuần là một tổ hợp vôi vữa, gạch, gỗ. Nhà có ý nghĩa đặc biệt hơn thế. Đó là mái ấm gia đình, là chốn về sau những chuyến đi hay bến đậu giữa dòng đời trôi nổi, là góc bình yên khuất sau giông gió xô bồ. Chúng ta dành thời gian, tâm huyết cùng vô vàn yêu thương để bồi đắp, dựng xây cho mình một mái nhà, vì vậy mà dẫu nhà có chật hẹp, giản đơn, bình dị thì vẫn cứ là nơi mềm mại, ấm áp nhất trong trái tim ta./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ngoi-nha-khong-hoan-hao-228536.htm