Ngôi nhà khổng lồ xây từ 60.000 chai nhựa phế thải
Hơn 60.000 chai nhựa phế thải được người dân Quảng Ngãi thu gom, phân loại, rửa sạch sau đó dồn cát để xây căn nhà lớn với thông điệp bảo vệ môi trường.
Lan tỏa thông điệp ‘yêu môi trường’
Hơn hai tháng qua, nhận thấy xung quanh chùa và dọc bờ biển xã Đức Lợi có quá nhiều rác thải như túi ni lông, chai nhựa...sư thầy Thích Hạnh Nhân, trụ trì chùa Đức Lâm (thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đã cùng nhân dân trong xã thu gom hơn 60.000 vỏ chai nhựa. Họ đem tới chùa tập kết, phân loại, rửa sạch rồi dồn cát, xây dựng nên một ngôi nhà đặc biệt.
Thông qua việc làm này, sư thầy muốn lan tỏa tinh thần yêu môi trường, mong muốn mọi người cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bà Trần Thị Tới (86 tuổi) ở thôn Kỳ Tân (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức) phấn chấn: "Khi biết sẽ có 1 ngôi nhà được xây dựng bằng vỏ chai trong khuôn viên chùa, bà cùng bà con nhân dân đi thu gom hơn 60.000 vỏ chai nhựa. Nhờ đó, đường bờ biển hàng trăm mét của bãi tắm xã Đức Lợi và nhiều tuyến đường trong xã sạch đẹp hơn".
Sau khi thu gom xong, cô Nguyễn Thị Chút (50 tuổi) cho biết, việc phân loại chai nhựa phế thải rất kỳ công. Chai 500ml để riêng, chai 1 lít để riêng, loại chai có đáy hình cạnh khế, đáy tròn, nút chai màu xanh, màu trắng, xanh đậm được phân loại kỹ càng.
Chi phí xây dựng nhà từ chai nhựa ước tính chỉ bằng 1/3 chi phí xây dựng nhà làm từ bê tông và gạch, giúp tái nhựa phế thải. Những chai nhựa chứa đầy cát này cũng là chất cách nhiệt tốt.
Chia sẻ với PV, sư thầy Thích Hạnh Nhân không giấu được vẻ phấn khởi khi nói về công trình này.
Sư thầy cho biết: "Điều vui nhất chính là khi đưa ra ý tưởng xây dựng 1 ngôi nhà từ vỏ chai nhựa phế thải thì người dân trong xã Đức Lợi đều nhiệt tình ủng hộ. Đây là việc làm thiết thực và dễ dàng, từ người giàu cho đến người nghèo, người bán vé số, người già đến người trẻ đều có thể tham gia đóng góp công sức".
Vị sư thầy cũng cho biết, ngôi nhà có diện tích hơn 60 m2 đã cơ bản hoàn thành. 50.000 chai nhựa phế thải đã được tái sử dụng để làm phần tường, hơn 10.000 chai được làm phần móng nhà, bồn hoa...
Khó khăn xây nhà bằng chai nhựa
Kiến trúc ngôi nhà ‘chai’ được dựa theo ý nghĩa của nhà Phật bao gồm: Vòng ngoài có chiều dài các cạnh là 8m biểu trưng cho bát chánh đạo - là 8 con đường chân chính đi đến hỏa vị của một bậc thánh nhân.
6 bức tường thể hiện lục độ ba la mật của một vị bồ tát (6 công hạnh tu tập của một con người để tiến đến hỏa vị bồ tát hạnh). Đi vào phía trong nhà, khoảng cách giữa các góc tường dài 4m tượng trưng cho tứ diệu đế của Đức Phật – bài kinh được Đức Phật thuyết pháp đầu tiên.
"Ngoài ra, các trụ có chiều cao 2,6m, phần mái lợp bằng lá dừa được mua từ các tỉnh miền Tây, thể hiện vẻ đẹp riêng", thầy Thích Hạnh Nhân nói.
Anh Nguyễn Văn Hải (47 tuổi) ở huyện Mộ Đức là người trực tiếp thi công công trình này. Anh cho biết, căn nhà được làm hoàn toàn thủ công, phải ‘theo’ chai nhựa để thực hiện nên khó hơn công trình bình thường rất nhiều. Người thợ phải rất tỉ mỉ, độ chính xác rất cao, tốn nhiều thời gian.
Vật liệu để xây dựng căn nhà không phải là gạch, không thể cắt, gọt nên người thợ phải rất tập trung. Họ còn phải sử dụng loại đồ nghề ‘chuyên dụng’ để đảm bảo độ bằng phẳng, tính thẩm mỹ cao cho mỗi bức tường.
Các bức tường phía trong nhà được ‘đính’ bởi những nắp chai nhựa màu xanh, trắng sao cho thẳng hàng, đều. Xi măng được trát theo viền nắp chai để giữ được nắp chai trên tường. Vì vậy người thợ phải rất kỳ công, cẩn thận.
Từ sự thành công của công trình, ông Đinh Công Thông, trưởng thôn Vinh Phú chia sẻ: "Ý tưởng và việc làm của sư thầy Thích Hạnh Nhân đã truyền cảm hứng cho người dân địa phương về bảo vệ môi trường. Nhờ đó, tình hình vệ sinh, rác thải trên địa bàn thôn có chuyển biến rõ nét. Nhiều người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và tham gia cùng với chính quyền, nhà chùa dọn dẹp bãi biển, đường làng, ngõ xóm.