Ngôi nhà ở Buôn Ma Thuột, (Đắk Lắk) của gia đình anh Cao Chí Linh là dạng nhà ống thường thấy ở đô thị. Do các nhà nằm san sát nhau nên hai bên bị bó hẹp và không có nhiều ánh sáng.
Vì vậy, ngay từ khi nung nấu xây nhà, anh dành mấy tháng tự vẽ, làm mô hình, tính hướng nắng, hướng gió tỉ mỉ. Đến khi khởi công xây nhà, anh đã làm khoảng 8 cái mô hình mới ưng ý.
Gia chủ cho biết, công trình xây trên mảnh đất có diện tích 4x10m, trừ lộ giới 2m nên diện tích thực tế chỉ còn 4x8m với cấu trúc một lửng, 2 lầu, 1 sân thượng.
Anh theo sát từ lúc xây thô, đi điện, nước anh cũng tham gia cùng làm. Mọi đồ nội thất như: Tủ, bàn ghế, đồ trang trí… anh tự mày mò làm, bởi anh sợ đặt làm không đúng ý lại tốn chi phí hơn.
Tầng trệt là nơi để xe, bếp, bàn ăn.
Tầng lửng làm phòng khách, bàn làm việc.
Góc làm việc, học tập của hai bố con.
Cầu thang lên tầng 2 với mặt bậc gỗ sồi có chi phí khoảng 1,7 triệu đồng/m2.
Tầng 1 là 2 phòng ngủ (1 phòng vừa, 1 phòng nhỏ). Tầng 2 là phòng phủ lớn. Nhà có 3 phòng vệ sinh.
Phòng ngủ bé trai tầng 1 và phòng ngủ master tầng 2. Phòng bé trai dùng hệ giường tầng. Phía dưới là tủ quần áo và bàn học. Cách bố trí như vậy giúp bé có khoang tủ lớn cất quần áo và đồ chơi. Những đồ nội thất này do anh tự vẽ và làm.
Anh Linh chia sẻ, cái khó của nhà ống là chỉ có một mặt thoáng nên anh lo nhất bị tối, bí. Vì vậy, anh tính ánh sáng rất kĩ, đặt giếng trời ở đâu, cửa sổ ở đâu để ánh sáng mặt trời rọi xuống tốt nhất. Phần tường tiếp giáp với giếng trời anh dùng gạch kính lấy sáng, tăng khoảng sáng cho không gian.
Mặt bậc cầu thang anh cũng làm bằng lam gỗ để lấy tối đa ánh sáng xuống dưới tầng lửng, tầng trệt. Kết quả sau khi hoàn thiện, từ trên xuống dưới, phòng nào cũng thoáng đãng, ngập ánh sáng.
Phần giếng trời ở tầng 2 nhìn từ phòng ngủ master ra, anh Linh dùng lưới sắt gắn cố định để đảm bảo an toàn cho con, đồng thời giúp ánh sáng chiếu được xuống tầng trệt. Ngoài ra, khu vực này lắp lưới, anh có thể tiết kiệm diện tích bằng cách tận dùng bày cây cảnh.
Quỳnh Nga