'Ngôi nhà xanh' lan tỏa nghĩa tình…
Hiểu tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai các mô hình hiệu quả. Hơn thế, những mô hình như 'Ngôi nhà xanh', 'Thu gom phế liệu gây quỹ tình thương' không đơn thuần là một sáng kiến xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Tác động tích cực
Hơn một năm nay, mỗi khi gom được chai nhựa, giấy vụn, vỏ lon, chị Nguyễn Thị Kim Chi, người dân ở ấp Kiến An (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) lại đem đến “Ngôi nhà xanh” đặt tại văn phòng ấp. Chị Chi cho biết: “Cứ 2 - 3 ngày tôi lại đem phế liệu gom được bỏ vào ngôi nhà xanh. Nhiều người dân nhìn thấy tôi làm như vậy cũng làm theo”.
Không chỉ riêng chị Chi, ở ấp Kiến An, phong trào thu gom phế liệu ủng hộ mô hình “Ngôi nhà xanh” được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Ông Phạm Thanh Hùng, Trưởng ấp Kiến An, chia sẻ: “Ấp có 310 hộ dân, thông qua công tác tuyên truyền không chỉ người dân thường trú mà các gia đình ở trọ trên địa bàn đều dần hình thành thói quen phân loại rác thải. Đến nay, phế liệu như giấy, vỏ chai, lon bia được người dân tự nguyện mang đến “Ngôi nhà xanh”. Mô hình thật sự có ý nghĩa và hiệu quả, giúp nâng cao ý thức BVMT trong cộng đồng, giảm thiểu rác thải ra môi trường”.
Mô hình “Ngôi nhà xanh” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Lập triển khai từ năm 2023 hiện đã nhân rộng tại 5 ấp: Kiến An, Hố Cạn, Bàu Khai, Phú Bình, Chót Đồng. Với 5 “Ngôi nhà xanh” đã thu hút hơn 300 hội viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Thùy Duyên, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Kiến An, cho biết: “Nhiều hộ dân biết đến mô hình qua thông báo của Chi hội Phụ nữ, Ban Điều hành ấp và loa phát thanh hàng ngày. Ngoài việc nâng cao ý thức phân loại rác thải, hội viên và các hộ dân đã ý thức tốt trách nhiệm BVMT”.
Mô hình “Ngôi nhà xanh”; “Đổi rác thải lấy quà tặng” là một trong những mô hình thiết thực, hiệu quả, sáng tạo. Điểm độc đáo đó là mô hình kết hợp bảo vệ môi trường với hoạt động an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Lập, huyện Dầu Tiếng
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã An Lập, hàng ngày các loại phế liệu sau khi sử dụng vẫn còn bị vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng tới môi trường. Mô hình “Ngôi nhà xanh” với nội dung thu gom rác thải tái chế, phế liệu, vật liệu bằng lon, nhựa nhằm mục đích nâng cao ý thức của hội viên và nhân dân về BVMT cũng như tích cực tham xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Từ đó, toàn thể cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân nhân thay đổi cách nghĩ, nhận thức và hành động đúng, chuyển đổi hành vi để cải thiện điều kiện sinh hoạt và tham gia các phong trào vệ sinh môi trường. Mô hình đạt hiệu quả cao sẽ tiếp tục triển khai 2 ấp còn lại là ấp Đất Đỏ và ấp Hàng Nù.
Trao gửi yêu thương
Nhờ Hội LHPN xã An Lập giới thiệu, chị Lê Thị Hiệp (ấp Hàng Nù) trở thành “người quen” của “Ngôi nhà xanh”. Chị Hiệp là công nhân, chồng bị ung thư mất sớm bỏ lại chị và hai con đang độ tuổi học hành. Với đồng lương ít ỏi 5 triệu đồng/ tháng không đủ để chị Hiệp trang trải cuộc sống. Trước hoàn cảnh đặc biệt của gia đình chị Hiệp, Hội LHPN xã thường xuyên quan tâm, tặng quà trích từ nguồn quỹ của “Ngôi nhà xanh” và các cá nhân hảo tâm để hỗ trợ.
“Biến cố quá lớn xảy ra khiến tôi hoang mang và lo lắng khi thu nhập ít ỏi, khó bảo đảm cho các con tiếp tục đến trường. Nhờ Hội LHPN xã thường xuyên động viên, hỗ trợ các con tôi cặp sách, học phí. Một tháng được xã hỗ trợ 500.000 đồng cho một bé học hành đến năm 18 tuổi. Đây là niềm động viên lớn lao khiến tôi rất cảm kích và yên tâm hơn về tương lai của con mình. Đồng thời mỗi khi có vỏ lon, chai nhựa, hộp giấy đã qua sử dụng, tôi đều để dành bỏ vào “Ngôi nhà xanh”. Mong rằng sẽ có nhiều chị em cùng các cháu nhỏ được hỗ trợ như mẹ con tôi”, chị Lê Thị Hiệp tâm sự.
Ý nghĩa của “Ngôi nhà xanh” do Hội LHPN xã An Lập triển khai thực hiện không chỉ giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức BVMT mà còn “tích tiểu thành đại” để trợ giúp những phận đời yếu thế. Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên cho biết triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” nhận được sự tham gia tích cực từ hội viên. Trung bình phế liệu từ 5 “Ngôi nhà xanh” bán được khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Số tiền được công khai, đến cuối năm xét tặng cho hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hiệu ứng lan tỏa của mô hình không chỉ ở các hội viên phụ nữ, nhiều hộ dân được biết đến mô hình qua thông báo cũng đồng lòng hưởng ứng. Bà Đỗ Thị Xuân, người dân sinh sống tại ấp Kiến An, chia sẻ: “Hiểu được ý nghĩa của mô hình tôi càng ủng hộ. Mô hình mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cần nhân rộng để xây dựng một xã hội văn minh, giàu tình người”.
Không riêng mô hình “Ngôi nhà xanh”, thời gian qua nhiều mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, như: “Đổi rác thải lấy quà tặng”, “Thu gom phế liệu gây quỹ tình thương” được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Các mô hình này đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao ý thức người dân về phân loại rác thải và tái chế, mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường. Vượt xa hơn thế, số tiền thu được từ việc triển khai mô hình đã hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Báo Bình Dương null
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ngoi-nha-xanh-lan-toa-nghia-tinh-post382036.html