'Ngòi pháo Chín tháng Giêng' truyền cảm hứng để sinh viên phấn đấu và cống hiến hết mình

Ngày 6-1, tại Trường THPT chuyên Sư Phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội), nơi khởi nguồn của phong trào đấu tranh 'Ba sẵn sàng', Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức chương trình nói chuyện truyền thống 'Ngòi pháo Chín tháng Giêng', nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam.

Các sinh viên hào hứng tham gia chương trình nói chuyện truyền thống.

Các sinh viên hào hứng tham gia chương trình nói chuyện truyền thống.

Tại cuộc nói chuyện, các đại biểu đã ôn lại sự kiện ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập; trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt; mở lại trường học.

Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man và sinh viên Trần Văn Ơn đã hy sinh anh dũng. Sau sự kiện lịch sử đó, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2-1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9-1 hàng năm làm Ngày truyền thống Học sinh - sinh viên.

Trong lịch sử, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã thể hiện tinh thần yêu nước mãnh liệt, không ngừng đấu tranh vì độc lập dân tộc với những phong trào lớn: "Tự vệ học đường", phong trào "Sinh viên đi làm cách mạng”, để lại các tấm gương hy sinh vì lý tưởng cách mạng, như: Trần Văn Ơn, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…

Tại cuộc nói chuyện, các sinh viên đã được trò chuyện với nhiều nhân chứng của phong trào “Ba sẵn sàng”, đó là các thế hệ sinh viên đã “xếp bút nghiên” lên đường đánh giặc. Nhà báo Phùng Huy Thịnh kể, lớp sinh viên Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp cùng hàng trăm thầy trò của 33 trường đại học, cao đẳng tình nguyện viết thư bằng máu để ra trận; Đại tá Đặng Đức Quy kể về những ngày tham gia phong trào ba sẵn sàng, xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và nỗi trăn trở làm sao để truyền tải giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của thế hệ trước tới thế hệ trẻ hôm nay.

Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam mong muốn, cuộc nói chuyện truyền thống “Ngòi pháo Chín tháng Giêng” sẽ truyền cảm hứng đến thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay, giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về sự hy sinh, sự quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong thời đại hòa bình, các học sinh, sinh viên vẫn có thể sẵn sàng cho những mục tiêu lớn lao của cuộc sống, tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cống hiến hết mình trong công việc, trong học tập, và đặc biệt là trong những hành động sáng tạo, đổi mới để đưa Việt Nam vươn ra thế giới.

BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngoi-phao-chin-thang-gieng-truyen-cam-hung-de-sinh-vien-phan-dau-va-cong-hien-het-minh-post776520.html