Ngời sáng nghĩa tri ân
Với truyền thống, đạo nghĩa 'uống nước nhớ nguồn', 'ăn quả nhớ người trồng cây', nhân dân ta luôn dành tất cả sự kính trọng và tình yêu thương đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Cứ mỗi dịp tháng Bảy đến, truyền thống ấy, đạo nghĩa ấy lại được khơi dậy sâu sắc, lắng đọng hơn. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị huy động nguồn lực từ ngân sách, từ xã hội hóa tổ chức nhiều hoạt động dâng hương, dâng hoa bày tỏ tấm lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà tri ân các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, hỗ trợ, động viên gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo đối tượng chính sách. Người chỉ rõ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
Cũng với tinh thần ấy, cách đây 76 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp bàn, nhất trí chọn ngày 27-7 là Ngày Thương binh toàn quốc, sau đó là Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Trong tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương Quân đội. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo đó ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội như: Xây tặng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh nặng; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị y tế cho các trung tâm điều dưỡng thương binh; giải quyết chế độ trợ cấp đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, dân công hỏa tuyến... Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị, Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" tiến hành chưa được thường xuyên, liên tục, người có công và gia đình chính sách có mức sống còn thấp. Việc xác lập hồ sơ thương binh, liệt sĩ diện tồn đọng ở một số nơi tiến độ còn chậm.
Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế của đất nước ta những năm tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội và đời sống của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Để hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình "đền ơn đáp nghĩa".
Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ. Có nhiều hình thức quan tâm, động viên các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ vượt khó, không ngừng nỗ lực phấn đấu, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực trong công tác chính sách, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn coi việc thực hiện các hoạt động nghĩa tình, tri ân người có công với cách mạng như mệnh lệnh từ trái tim mình, thể hiện tính nhân văn, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam; góp phần giữ vững niềm tin tưởng sâu sắc, tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Quân đội, thêm sáng ngời phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ngoi-sang-nghia-tri-an-736285