Ngôi trường có nhiều 'phòng học danh nhân' ở Hải Phòng

Mỗi phòng học đều có những tư liệu về các danh nhân, nhà hoạt động cách mạng, qua đó giúp học sinh có thêm kiến thức văn học, nghệ thuật, lịch sử dân tộc.

Đó là những “phòng học danh nhân” do chính học sinh nghiên cứu, thiết kế và thực hiện đang được nhân rộng tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng).

Theo cô giáo Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, tới thời điểm này trường đã có 16 “phòng học danh nhân”, dự kiến sẽ triển khai tiếp ở tất cả các phòng học của trường.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền học trong “phòng học danh nhân” mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh: CTV)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền học trong “phòng học danh nhân” mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh: CTV)

Các phòng học được gắn biển tên ngoài cửa: “Phòng học danh nhân Nguyễn Văn Linh”, “Phòng học danh nhân Văn Cao”, “Phòng học danh nhân Hoàng Ngọc Phách”...

Các phòng học mang tên danh nhân nào sẽ được bài trí hình ảnh, tư liệu, kỷ vật, bút tích của danh nhân đó do học sinh tự sưu tập, trình bày và thiết kế.

“Chúng tôi muốn bắt đầu từ chính các cựu học sinh của trường, những nhà hoạt động cách mạng, các chính trị gia có tên tuổi hay các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ...

Thiết kế các phòng học danh nhân một phần để học sinh hiểu về truyền thống của trường, nhưng cũng là cách truyền cảm xúc, truyền động lực tích cực cho học sinh khi các em được chủ động tìm hiểu và hằng ngày học tập trong không gian mang dấu ấn của các danh nhân”, cô Cao Tố Nga chia sẻ.

Em Phương, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, là một trong những học sinh được học trong “Phòng học danh nhân Văn Cao”.

Phương cho biết, em và các bạn trong lớp tiếp quản từ các anh chị lớp trước và có bàn bạc để bổ sung tư liệu và thiết kế mới theo cách chúng em thống nhất, có tham khảo ý kiến cô giáo.

Sau khi thống nhất, học sinh sẽ phân công nhau tìm kiếm, sưu tầm hình ảnh, bản chụp các bản nhạc viết tay, bút tích của nhạc sĩ.

Phòng học danh nhân mang tên nhà giáo Hoàng Ngọc Phách (Ảnh: CTV)

Phòng học danh nhân mang tên nhà giáo Hoàng Ngọc Phách (Ảnh: CTV)

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền cho biết thêm, bên cạnh “phòng học danh nhân”, rồi đây nhà trường có thể có các “phòng học tiến sĩ”, thậm chí “phòng học doanh nhân”...

Những nhân vật được chọn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những cống hiến khác nhau nhưng điểm chung đều khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa đến học sinh những suy nghĩ, tình cảm tích cực và đều do học sinh tự thực hiện với sự tư vấn của thầy, cô giáo.

Theo cô Cao Tố Nga, học sinh cuối cấp phổ thông cần bồi đắp những tình cảm, mơ ước đẹp đẽ từ truyền thống.

Vì thế không chỉ các danh nhân trong lịch sử xa xưa, không chỉ các danh nhân ở lĩnh vực văn học nghệ thuật mà những người đương thời, các doanh nhân giỏi mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước cũng có thể là những người truyền cảm hứng.

“Tôi quan niệm không chỉ giáo dục học sinh bằng những bài học trong sách mà việc tạo ra các không gian văn hóa, cảm xúc cũng là các bài học gián tiếp tác động đến các em.

Việc sưu tầm, tìm hiểu tư liệu về các danh nhân giúp học sinh có hiểu biết sâu hơn về kiến thức văn học, nghệ thuật, lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân được chọn đưa vào các phòng học danh nhân có tác phẩm mà học sinh được học trong nhà trường nên khi tìm hiểu về họ ngoài cuộc sống thực tế, các em thấy thú vị”, cô Nga nói.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ngoi-truong-co-nhieu-phong-hoc-danh-nhan-o-hai-phong-post214748.gd