Ngôi trường của sự sẻ chia yêu thương
Trở lại Điện Biên trong những ngày đông giá rét cuối năm, chúng tôi gặp lại các thầy cô và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông trong niềm vui, xúc động. Từ khi mái trường kiên cố hoàn thành qua nguồn kinh phí được Bộ Công an kêu gọi xã hội hóa, công tác giáo dục đạt nhiều thuận lợi, các em học sinh được tiếp thêm nghị lực, việc học tập, rèn luyện cũng vì thế liên tục có những chuyển biến tích cực…
Trong màn sương mù giăng kín các mái nhà đồng bào dân tộc vùng cao xứ hoa Ban, vượt qua quãng đường 25km liên tục các khúc cua tay áo, chúng tôi trở lại Trường PTDTBT THCS xã Phì Nhừ.
Trong cái bắt tay thân tình, cô giáo Quàng Thị Niên, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng, “sưởi ấm” chúng tôi qua chia sẻ thông tin một số thành tích nổi bật của Trường PTDTBT THCS xã Phì Nhừ thời gian gần đây: “Các học sinh đi học chuyên cần đảm bảo đạt trung bình 98,5%. Tỷ lệ học sinh ra lớp ngày càng đông, nhất là học sinh đầu cấp. Cũng trong năm vừa qua, có 1 học sinh đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi online về An toàn giao thông; đoạt giải nhất cuộc thi An toàn giao thông cấp huyện, giải ba cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2022 cấp huyện…”.
Nhìn các em học sinh đang nô đùa dưới sân trường, cô giáo Quàng Thị Niên xúc động bồi hồi nhớ lại: Trường PTDTBT THCS xã Phì Nhừ được thành lập từ năm 2007, sau hơn 10 năm hoạt động, nhà trường được đầu tư xây dựng đủ số phòng học, còn các phòng chức năng, nhà ở nội trú cho học sinh, trang thiết bị dạy và học của giáo viên, học sinh phải tận dụng, chắp vá. Số lượng học sinh của nhà trường là 360 em, trong đó có hơn 80% học sinh được ở nội trú. Do nhà trường chưa có nhà nội trú nên các thầy, cô giáo phải vận động, mượn một số công trình của xã để cải tạo cho các em ở…
Năm học 2019-2020, khu nội trú, nhà ăn và khu học tập của học sinh ở cách xa nhau hơn 1km, gây khó khăn cho đi lại, sinh hoạt và học tập của học sinh. Đặc biệt là vào những ngày mùa đông, những hôm trời mưa, đường trơn trượt, lầy lội. Năm học 2020-2021, tuy được học tập và sinh hoạt tại nhà trường nhưng vẫn thiếu thốn về phòng ở, các em phải sinh hoạt trong điều kiện chật chội, rất bất tiện…
Không còn cảnh chiều chiều, mấy thầy trò cùng nhau ra suối bắt cá để bữa cơm thêm món, xách nước về bể chứa để cơm nước hằng ngày như trước nhưng đối với thầy giáo Nguyễn Hữu Anh, hơn 20 năm rời xa quê nhà Hưng Hà, tỉnh Thái Bình lên đây cắm bản, đó là những kỷ niệm mãi không bao giờ quên. “Nước sinh hoạt vì ngày nào cũng cần nên cứ chiều chiều, không kể mưa, nắng, thầy trò cùng nhau ra suối xách nước. Ngày nắng khô ráo, mọi thứ bớt khó khăn hơn vì có thể dùng xe máy hỗ trợ một đoạn đường. Còn vào mùa mưa, đường đất dốc cao, thầy trò phải rà đi bộ từng bước, nhiều lần thầy trò lấm lem bùn, nhìn đám trẻ rất thương…” - thầy giáo Nguyễn Hữu Anh nhớ lại.
Trước khi nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang như bây giờ, cách đây chỉ mới vài năm, theo cô giáo Đào Thị Huệ, các em học sinh vẫn còn sinh hoạt, học tập dưới ngôi trường do công sức, đóng góp của phụ huynh học sinh với diện tích hẹp, 10 phòng học bằng gỗ lợp mái fibro xi măng, xung quanh được bà con dân bản thưng vách bằng ván nhưng hở toác không chắn nổi những cơn gió mùa đông giá rét, không che nổi ánh nắng xuyên gắt của ngày hè oi ả. Trường lớp theo thời gian xuống cấp, xiêu vẹo, một dãy lớp học có đến 20 cột chống đỡ, cô và trò ngồi trong lớp ngẩng đầu lên nhìn thấy cả một khoảng trời xanh cao vời vợi. Thầy và trò vừa học, vừa tu sửa lại. Thầy xây, cô xách vữa, khuôn gạch, đảo vữa, cứ như thế ngày nối ngày, thầy cô bỏ công sức, mồ hôi chảy mặn chát, trộn cùng vữa xây trường cho các em…
Cũng như thầy giáo Nguyễn Hữu Anh, cô giáo Đào Thị Huệ… cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga là những thầy cô thế hệ đầu tiên lên đây cắm bản. Chứng kiến bao đổi thay vùng đất nơi này nên kỷ niệm vui, buồn với dân bản trong cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga nhiều không kể xiết. “Để đến được từng nhà dân sâu trong thôn, bản vận động các em đến trường, nhiều thầy cô cả ngày băng rừng, lội suối. Những ngày đầu, do không biết tiếng đồng bào nên mình nói gì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Bao trăn trở trong lòng, cứ nghĩ đến những đứa trẻ không biết đọc, biết viết lại thôi thúc các thầy, cô giáo cùng quyết tâm, tìm đủ mọi cách để động viên gia đình, đưa các em tới trường…” - cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga bồi hồi nhớ lại.
Bằng tình yêu thương, sự kiên trì, các thầy, cô giáo đã tìm đến các già làng, trưởng bản và cùng họ tới từng nhà dân vận động. Những đứa trẻ sinh ra vốn chỉ biết ngô, khoai sắn thì nay đã biết đọc, viết tiếng Việt… Dần người dân nghèo nơi đây đã hiểu, chỉ có học mới đem lại một tương lai tốt đẹp.
Cách đây gần 2 năm, trong một ngày nắng hiếm hoi, chúng tôi có mặt tại Trường PTDTBT THCS xã Phì Nhừ, đây cũng là ngày diễn ra buổi chào cờ đầu tiên ở ngôi trường mới được xây dựng dựa trên nguồn kinh phí do Bộ Công an kêu gọi xã hội hóa. Khi tiếng nhạc Quốc ca vang lên, nhiều thầy cô khóe mắt cay cay. Tất cả họ cùng chung một nỗi niềm cảm xúc, vậy là sau nhiều năm ở nhà tạm, thiếu thốn về cơ sở vật chất, từ nay các em học sinh vùng cao sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều bởi các em đã có một mái trường kiên cố, tiếp thêm nghị lực, giúp các em có điều kiện tốt hơn trong học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội…
Sau gần 4 tháng đầu tư và xây dựng, công trình đã hoàn thành, với dãy nhà 2 tầng nội trú gồm 8 phòng ở, 1 khu bể nước, 1 khu nhà vệ sinh giáo viên, 1 sân nội trú sạch đẹp và 1 khu nấu ăn hợp vệ sinh. Công trình đã giúp cho các em học sinh nội trú của nhà trường có chỗ ăn nghỉ an toàn, sạch sẽ; ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.
Ánh mắt lộ rõ niềm vui cùng sự thích thú, dù nhà cách trường hơn 10km và phải đi bộ qua những ngọn núi cao, hai em Hạnh Thị Lia và Hạ A Phong, học sinh lớp 8, nhà ở bản Háng Sông vẫn luôn chăm chỉ, không vắng buổi học nào. “Ở trường, hằng ngày các thầy, cô vẫn giáo dục chúng em về ý thức giữ gìn, bảo vệ của công, trân trọng thành quả mà các em đang được thụ hưởng. Em rất biết ơn Bộ Công an đã chung tay với các tấm lòng thiện nguyện cho chúng em một ngôi trường khang trang, giúp việc đi lại cũng như điều kiện học tập của chúng em tốt hơn rất nhiều. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng mọi người…” - Hạnh Thị Lia bày tỏ sự biết ơn.
Chúng tôi rời xã vùng cao Phì Nhừ cũng là lúc tiếng trống trường rền vang, trời bắt đầu tối, các em học sinh rảo bước xuống khu nhà ăn được xây dựng sạch sẽ. Tiếng cười hồn nhiên vui đùa hòa vào tiếng hát lanh lảnh của các em học sinh người dân tộc Mông như những bản nhạc, xua tan đi cơn mưa chợt đến lạnh giá. Hi vọng, trước ngôi trường mới to, đẹp, khang trang, với sự dìu dắt bằng tất cả tình yêu thương, những mơ ước của các em sẽ sớm thành hiện thực…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/ngoi-truong-cua-su-se-chia-yeu-thuong--i680159/