Ngôi trường đặc biệt cho trẻ khuyết tật
Dạy học bình thường đã khó, dạy học sinh khuyết tật, giúp các em hòa nhập cộng đồng lại càng vất vả bội phần. Vượt qua những khó khăn, các cán bộ, giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đang từng ngày nỗ lực quan tâm chăm sóc, dành tình yêu thương để những 'mầm xanh' thiệt thòi vượt qua mặc cảm, học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng.
Trọn tình yêu cho học sinh khuyết tật
Trong căn phòng can thiệp cá nhân, cô giáo Ngô Thị Thu đang tất bật sắp xếp đồ chơi, các dụng cụ dạy học cho trẻ. Nhiệm vụ của cô Thu là can thiệp cho trẻ dưới 6 tuổi (tiền tiểu học) và can thiệp 1 - 1, nghĩa là một cô giáo và một học sinh. Đối tượng can thiệp chủ yếu của cô Thu là trẻ bị tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật nghe nói… Để chuẩn bị cho năm học mới, cô Thu đã tự tay làm những đồ dùng học tập, giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng học sinh.
Cô Thu cho biết: Mỗi học sinh đều có khó khăn riêng nên giáo viên phải hiểu được trẻ muốn gì và cần gì, bởi trẻ không nói bằng ngôn ngữ thông thường mà thể hiện qua hành động. Bởi vậy, tôi luôn xác định, để đồng hành cùng trẻ khuyết tật, giáo viên phải có phương pháp chuyên môn, tình yêu thương và đặc biệt là rất nhiều sự kiên nhẫn. Mỗi tiến bộ nhỏ của trẻ cũng là động lực để tôi thêm gắn bó với nghề.
Gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu thành lập, cô giáo Phan Thị Vân Trang đã dạy và chăm sóc cho hàng trăm học sinh khuyết tật. Để giáo dục trẻ tốt nhất, từng trường hợp học sinh được cô Trang nắm bắt, xây dựng kế hoạch can thiệp riêng và ứng dụng những cách dạy phù hợp. Trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi có chương trình can thiệp sớm như dạy trẻ biết cách tự mặc quần áo, ăn uống và vệ sinh, kỹ năng giao tiếp, tương tác với các trẻ đồng lứa; trẻ khuyết tật từ 6 tuổi trở lên có chương trình tập trung dạy kỹ năng sống, tự phục vụ…
“Để giáo dục học sinh bình thường, giáo viên vốn đã vất vả, nhưng với trẻ khuyết tật học hòa nhập, nỗi gian nan dường như tăng lên gấp bội. Mỗi ngày lên lớp, giáo viên không chỉ phải chuẩn bị bài giảng mà còn phải tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp dạy học phù hợp, linh hoạt để giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Có những em phải học đi học lại nhiều lần một bài học đơn giản, có những em cần sự hỗ trợ đặc biệt trong suốt quá trình học tập. Khó khăn là vậy, song với tình yêu thương, mong muốn học sinh khuyết tật có một tương lai tươi sáng hơn, mỗi giáo viên tại trung tâm đều không ngừng nỗ lực học tập và nghiên cứu mỗi ngày” - cô Trang chia sẻ.
Xây dựng môi trường học tập hòa nhập
Đi vào hoạt động từ năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho những trẻ em khuyết tật. Nơi đây, các em được học tập, vui chơi một cách bài bản, được bộc lộ những năng khiếu, sở thích, khả năng đặc biệt của mình. Với nhiệm vụ chính là phát hiện các trường hợp trẻ khuyết tật để tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp, hỗ trợ trẻ khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng, trung tâm hiện có 96 học sinh ở độ tuổi từ trên 2 - 18 tuổi theo học. Học sinh đến với Trung tâm thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như tự kỷ, giảm chú ý, tăng động, chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính... Năm học 2024 - 2025, Trung tâm có 6 lớp học (3 lớp mầm non, 3 lớp tiểu học) và 2 nhóm can thiệp giáo dục sớm.
Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những trẻ đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường nên ngay khi hoàn thành công tác tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, cán bộ, giáo viên Trung tâm đã gặp gỡ, trao đổi để các phụ huynh nhận rõ tình hình thực tế của con mình. Trong quá trình đánh giá, Trung tâm đưa ra những nhận xét, đánh giá về tình trạng khuyết tật của trẻ và có những hướng dẫn can thiệp đặc biệt bằng các phương pháp như: Phương pháp làm mẫu, phương pháp dùng lời đàm thoại, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, động viên khuyến khích, cho trẻ thực hành trong thực tế, phương pháp chăm sóc cá biệt, phối hợp nhiều phương pháp tác động lên nhiều giác quan của trẻ… Với mỗi học sinh, giáo viên áp dụng nội dung, phương pháp can thiệt, giáo dục linh hoạt và điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và theo từng năm học…
Dạo một vòng khuôn viên, cô giáo Mai Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm chỉ cho chúng tôi từng khu vực, từ dãy phòng học khang trang, khu phòng chức năng can thiệp cá nhân đến khu không gian trải nghiệm, hòa nhập tương lai hay khu vui chơi của trẻ… Tất cả đều được phân bố hợp lý để chuẩn bị cho các em những hành trang tốt nhất hòa nhập cộng đồng.
Cô Nhung cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới, mỗi cán bộ, giáo viên tại trung tâm đều xác định lấy trẻ làm trung tâm, thường xuyên lắng nghe, quan sát kỹ hơn và cảm nhận nhiều hơn để thấu hiểu được các con đang có gì và đang cần được hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào? Để từ đó bằng sự kiên trì, bền bỉ cùng sự quyết tâm cao độ, sáng tạo, linh hoạt, giáo viên sẽ cùng trẻ, giúp trẻ tiến bộ mỗi ngày. Bởi với chúng tôi, mỗi sự thay đổi, tiến bộ dù là rất nhỏ của học sinh tại ngôi trường này đều là niềm hạnh phúc…
Chiều xuống, những học sinh cuối cùng đã được gia đình đến đón về chăm sóc. Những nụ cười thân thiện, hiền hậu của các cô giáo, những cái ôm ấm áp của các em học sinh khuyết tật như in sâu vào tâm trí tôi. Tin tưởng rằng, sự tâm huyết với nghề và tình yêu thương học sinh của các cán bộ, giáo viên cùng niềm tin yêu của gia đình học sinh, những “mầm xanh” thiệt thòi sẽ được yêu thương, đồng hành bằng trái tim yêu thương. Điều ấy đã và đang giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn…