Ngôi trường đầy ắp tình thương

Xa dưới núi Quạt là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), một mái trường thân yêu và ấm áp nghĩa tình.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Hóa gom xe đạp về sửa cho học trò

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Hóa gom xe đạp về sửa cho học trò

Ngoài đưa chữ, 40 thầy, cô giáo dạy học ở 5 điểm trường nơi đây còn là người cha, người mẹ có tình thương yêu hết mực với học trò giữa núi rừng hiểm trở chênh vênh.

Người Lâm Hóa đi rừng, hễ gặp bất cứ chiếc xe đạp nào bị bỏ rơi bên góc rừng đều báo với thầy giáo dạy thể dục Hoàng Ngọc Lâm và các thầy, cô khác đến đưa về sửa cho học trò có phương tiện đến trường. Đối với thầy Lâm, trong cuộc đời đi dạy, không biết bao nhiêu chuyến thầy đi gom xe đạp hỏng để sửa cho học trò xã Lâm Hóa.

Thầy Lâm kể: “Vào đầu năm học, nhà trường kết nối với các nhà hảo tâm xin xe đạp cho con em đồng bào Mã Liềng nơi đây. Có điều, học sinh chưa có thói quen bảo quản phương tiện, đi hỏng là vứt ở góc rừng, trên đồi nương, dưới khe suối; lúc đó thầy, cô giáo nhà trường đi gom từng chuyến về sửa chữa”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, thầy Lâm từ TP Đồng Hới lên đây công tác, thấy học trò vùng cao nghèo khó nên cố gắng kêu gọi bạn bè tài trợ xe cho học sinh đến trường. Năm 2020, thầy cô trong trường kêu gọi được 50 chiếc xe đạp, học trò rất mừng. Nhìn học trò khó khăn giữa cái nghèo vô biên, các thầy cô động viên nhau hy sinh, chia sẻ để học trò được đến trường tìm con chữ.

Lên với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Hóa mới thấy đức hy sinh của thầy cô ở non cao này là vô bờ bến. Ấy là vào năm 2019, trường có 15 học sinh lớp 9 người Mã Liềng bỏ học, vào miền Nam làm thuê.

“Cha mẹ các em lo lắng, nhờ nhà trường đi tìm. Chúng tôi lên xã xin giấy giới thiệu, tìm theo manh mối thông tin nhỏ giọt mà cha mẹ các em cung cấp. Các em đứa vào TPHCM làm thuê, đứa vào Bình Phước trông coi rẫy. Các thầy đến công an sở tại nhờ phối hợp đưa các em về bản đi học. Nhiều chủ cho các em về, nhưng cũng có chủ không tin, phải nhờ can thiệp từ trên, các em mới được về bản”, thầy Tâm tâm sự.

Về quê, các em học xong lớp 9, được cấp giấy tốt nghiệp, có em vô Nam làm việc, có em tiếp tục học nghề để tìm kế sinh nhai.

Bà Phạm Thị Lệ, Trưởng bản Chuối (xã Lâm Hóa) cho biết, trong số học trò trở về, ở bản Chuối có 2 em học lên Cao đẳng Nghề Quảng Bình - ngành may mặc, vừa rồi đã vào làm cho một nhà máy tại miền Nam. Ngoài ra, em Cao Thị Hiền được tuyển chọn làm vận động viên môn chèo thuyền, đưa vào huấn luyện ở trung tâm quốc gia tại Đà Nẵng. “Cái tình của thầy cô dành cho học trò Mã Liềng lớn lắm”, bà Lệ nói.

Không chỉ tìm học sinh trong Nam, thầy, cô giáo ở đây còn vào rừng tìm học sinh. Những clip ở các điểm trường sâu trong rừng mà thầy, cô giáo cho chúng tôi coi thật sự cảm động.

Thầy giáo Lê Viết Minh cho biết: “Mỗi lần học trò bỏ vào rừng, thầy cô phải đi bộ vài giờ đồng hồ, vượt những con dốc dựng đứng mới tiếp cận các em. Hỏi sao các em không đi học, học trò nói “bận”, hỏi bận gì, các em rất hồn nhiên nói “bận nhác không lên học”. Thế là thầy cô phải động viên, dỗ dành mãi các em mới trở lại trường lớp”.

Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, kể: “Trong thời gian giãn cách, thầy cô không về nhà, ở lại bản đến từng nhà dạy học cho học sinh. Chỉ có đức hy sinh vì học trò ở vùng cao hẻo lánh mới có thể làm được như thế, bởi tình thầy trò ở đây tự nhiên như dòng nước chảy ra từ ngọn núi Quạt”.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngoi-truong-day-ap-tinh-thuong-776333.html