Ngôi trường giúp trẻ khuyết tật phát triển toàn diện và tự tin hòa nhập cộng đồng

Không chỉ chú trọng dạy kiến thức và kỹ năng sống, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An còn có nhiều mô hình thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như khích lệ trẻ khuyết tật tham gia vào đời sống xã hội như hỗ trợ y tế, tài chính, việc làm,...

Người thầy hết lòng vì trẻ khuyết tật

Cô Võ Hồng Quế Anh (SN 1991, ngụ phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An) là giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, đã gắn bó gần 1 thập kỷ với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Bằng tình yêu nghề, sự nhẫn nại và lòng kiên trì, cô đã giúp các em vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống.

Cô Võ Hồng Quế Anh tận tụy trong công tác giảng dạy trẻ em khuyết tật.

Cô Võ Hồng Quế Anh tận tụy trong công tác giảng dạy trẻ em khuyết tật.

Từ nhỏ, cô Quế Anh sớm tiếp xúc với trẻ khuyết tật khi được cô ruột dẫn đến trường tham quan và tham gia sinh hoạt cùng các em. Chính những trải nghiệm ấy đã nuôi dưỡng trong cô ước mơ trở thành giáo viên giáo dục chuyên biệt. Sau khi tốt nghiệp, cô giảng dạy tại Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật TP.HCM. 2 năm sau, cô trở về quê hương, mang theo nhiệt huyết, kinh nghiệm tiếp tục hành trình ý nghĩa của mình.

Những ngày đầu nhận lớp, các em không hợp tác, trong khi cô còn phải đối mặt với áp lực chuyên môn và tâm lý. "Lúc đó, tôi tự hỏi liệu mình có đủ khả năng không?" - cô Quế Anh chia sẻ. Tuy nhiên, thay vì nản lòng, cô đã tìm đến đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, học hỏi và xây dựng phương pháp dạy phù hợp, bắt đầu hành trình giáo dục đầy thử thách nhưng ý nghĩa.

Đối với trẻ khuyết tật, giảng dạy không chỉ dừng lại ở truyền đạt kiến thức, quan trọng hơn là giúp các em rèn luyện kỹ năng tự lập để từng bước hòa nhập cuộc sống. Cô Quế Anh bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như dạy các em biết cách xếp tập vở, giày dép gọn gàng, tự lấy ghế khi vào lớp,... Cô xây dựng kế hoạch học tập riêng phù hợp với năng lực của từng trẻ, tập trung vào từng bước nhỏ thay vì đặt ra kỳ vọng lớn lao. "Các em đều là trẻ khuyết tật, chậm tiếp thu nên mình phải dạy thật chậm, thật kiên nhẫn" - cô Quế Anh tâm sự.

Hiện tại, cô được phân công chủ nhiệm lớp 4.1-TT với 14 học sinh (HS), mỗi em là một hoàn cảnh khác nhau. Thách thức lớn nhất đối với cô là duy trì sự tập trung của các em và tạo nên một môi trường học tập thân thuộc. Cô Quế Anh bộc bạch: "Tôi luôn cố gắng để mỗi buổi học trở thành một gia đình nhỏ, nơi các em không chỉ được học mà còn cảm nhận được sự yêu thương và an toàn".

10 năm qua, cô Quế Anh chứng kiến không ít học trò trưởng thành, tự lập và hòa nhập cộng đồng. Nhiều HS cũ vẫn liên lạc với cô, kể những câu chuyện cuộc sống thường ngày. Đối với cô, tình cảm của HS chính là nguồn động lực to lớn. "Những tiến bộ nhỏ của các em đều khiến tôi cảm thấy công việc của mình thật sự ý nghĩa" - cô Quế Anh nói.

Ông Huỳnh Đăng Quang, Hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh cho biết: "Cô Quế Anh sáng tạo, tận tâm và có tinh thần chịu khó. Dù còn trẻ về tuổi đời và tuổi nghề nhưng cô đã giúp nhiều học sinh học tập tốt và tự tin hơn trong cuộc sống".

Giúp các em hòa nhập cộng đồng và phát huy khả năng bản thân

Cô Võ Hồng Quế Anh là một trong những người thầy tâm huyết với công tác giáo dục với trẻ khuyết tật tại ngôi trường này. Bên cạnh những tâm huyết của thầy cô là chủ trương, định hướng, phương pháp đúng đắn của nhà trường.

Giáo dục chuyên biệt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện học tập, phát triển cho trẻ em khuyết tật, giúp các em hòa nhập cộng đồng và phát huy khả năng bản thân. Tại đây, các phương pháp dạy học đặc biệt được áp dụng để hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện cả về kỹ năng sống lẫn trí tuệ.

Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh qua các hoạt động thực hành.

Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh qua các hoạt động thực hành.

Hiện trường có 2 nhóm HS chính: HS khuyết tật nghe nói và HS khuyết tật trí tuệ. Năm học 2024-2025, trường có 195 HS, trong đó có 20 em khuyết tật nghe nói và 175 em khuyết tật trí tuệ đang học tập tại 17 lớp chuyên biệt.

Giáo dục chuyên biệt không chỉ giúp HS khuyết tật tiếp thu kiến thức mà còn trang bị kỹ năng sống thiết yếu, phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Chương trình dạy và học tại trường còn chú trọng rèn luyện khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, thích nghi với môi trường xung quanh. Nhờ đó, các em không chỉ dễ dàng hòa nhập cộng đồng mà còn có thể đóng góp tích cực vào những hoạt động của xã hội.

Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Đăng Quang cho biết: "Ngoài tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục địa phương vào chương trình, trường còn linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của HS qua các hoạt động thực hành. Đồng thời, chủ động điều chỉnh nội dung và các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng từng HS, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở chuẩn kiến thức".

Nhu cầu của trẻ khuyết tật nhìn chung không quá khác biệt so với trẻ bình thường nhưng mỗi loại khuyết tật lại có những yêu cầu riêng biệt. Vì vậy, việc học tập của HS khuyết tật dựa trên cơ sở kế hoạch giáo dục cá nhân. Theo kế hoạch này, mỗi nhóm HS khuyết tật sẽ học tập kiến thức văn hóa phù hợp và được rèn luyện kỹ năng đặc thù nhằm giúp các em vượt qua khó khăn do các dạng tật gây nên.

Hỗ trợ toàn diện cho học sinh

Không chỉ chú trọng dạy kiến thức và kỹ năng sống cho HS, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh còn có nhiều mô hình thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như khích lệ HS khuyết tật tham gia vào đời sống xã hội như hỗ trợ y tế, tài chính, việc làm,... Những mô hình hỗ trợ này đã giúp các em vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Học sinh tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh được học tập bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động.

Học sinh tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh được học tập bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động.

Trường còn triển khai, thực hiện nhiều nội dung thiết thực như tuyên truyền trực quan qua các buổi tập huấn kỹ năng sống cho HS; phổ biến đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người khuyết tật thông qua mạng xã hội; phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) tổ chức truyền thông trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật;...

Trường quan tâm, đánh giá kết quả giáo dục qua từng năm. Qua đó, các chính sách về học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập được thực hiện tốt. 100% trẻ vào học tại trường đều được rà soát, phân loại theo phương thức giáo dục chuyên biệt phù hợp. Ngoài ra, các em đang tham gia học hòa nhập nếu có nhu cầu rèn luyện kỹ năng đặc thù cũng được nhà trường hỗ trợ theo hình thức giáo dục cá nhân.

Thầy Huỳnh Đăng Quang cho biết thêm: "Để hỗ trợ việc làm cho HS khuyết tật sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, trường đã giới thiệu một tiệm áo cưới tại huyện Bến Lức có nhận đào tạo trang điểm cô dâu miễn phí cho các em khuyết tật nghe nói có đam mê với nghề. Bên cạnh đó, trường cũng cung cấp thông tin tuyển dụng từ các công ty, tạo cơ hội để phụ huynh và HS tìm hiểu, đăng ký ứng tuyển, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các em".

Thi Mỹ - Thu Thảo

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ngoi-truong-giup-tre-khuyet-tat-phat-trien-toan-dien-va-tu-tin-hoa-nhap-cong-dong-172241216003028632.htm