Ngôi trường nghèo bên dòng suối!
Nhân ngày 20/11 - Bút ký của Phạm Thị Phương Thảo
Tháng 11 đất trời vừa chớm đông. Những cơn gió se lạnh báo hiệu mùa đông đang đến. Gió đông tràn về, gió mang theo hương thơm của loài hoa cúc chi vàng thơm ở nơi đồng bãi. Buổi trưa, bầu trời khá nhiều nắng hanh. Đến chiều thì nắng nóng gay gắt hơn. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối” khi đêm tối xuống khá nhanh, trời bỗng chuyển lạnh bất ngờ. Tháng 11, cúc họa mi nở trắng đồng, đó là dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam. Lại là một dịp để nhớ tới các thầy cô giáo đã dạy dỗ chúng ta từ ngày còn là học sinh cấp một. Hôm nay, nhóm chúng tôi đi thiện nguyện, đúng trong dịp ấy. Háo hức khi nghĩ về một vùng đất mới lạ với núi cao suối sâu ở sát biên giới Việt Lào với bao nhiêu cảnh đẹp hữu tình.
Mang theo 36 Kiện hàng thiện nguyện, gồm toàn sách vở, bánh trung thu, quần áo, giày dép... nên chúng tôi quyết định đi xe khách chạy suốt đêm. Hành trình xa tít tắp, phải xuống xe chuyển tiếp hai lần ô tô, rồi lại đi xe máy tiếp, mới xuống được tận nơi trường tiểu học và thăm các xã biên giới ở đó. Những món quà tuy bé nhỏ, nhưng cũng khá nhiều và cồng kềnh. Chúng tôi đã nhờ xe khách đêm vận chuyển giúp. Biết nhóm chúng tôi đi thiện nguyên, nhà xe đã vui vẻ miễn phí cho khâu vận chuyển. Thế mới biết, những tấm lòng sẻ chia yêu thương luôn có ở khắp nơi!
Nơi chúng tôi đến là một ngôi trường tiểu học nghèo khó. Nhà lá mái tranh, các lớp học khá đơn sơ. Trường tiểu học nằm hiu hắt bên bờ một con suối đục. Một con suối nhỏ, đục ngầu mà chảy xiết lắm, có thể do những cơn lũ quái ác vừa mới đi qua đây. Nhóm thiện nguyện chúng tôi gồm mấy thầy cô giáo Trường Cao đẳng A SEAN và thêm mấy người bạn. Họ là những người yêu thương trẻ nhỏ, họ từng là bộ đội nên khá nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết. Nhóm chúng tôi đã hào hứng lên đường và đã hoàn thành chuyến đi rất ý nghĩa sau hai ngày phải vất vưởng trên quãng đường khá dài.
Nghĩ lại quãng đường đi mù xa mà kinh! Quãng đường ấy xa tít mù tắp, có lẽ dài trên 500 km mới đến Tương Dương khi chúng tôi xuất phát lên đường từ Hà Nội. Khi đặt chân đến xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An, tất cả cùng reo lên vui vẻ. Bởi cả nhóm thiện nguyện chưa có ai từng đặt chân đến đây bao giờ. Tất cả đều háo hức, nóng lòng chờ đợi. Xe chúng tôi phải vượt qua nhiều con đèo khá dài, có dễ đến mười mấy km và đi qua nhiều cung đường núi cao khá hiểm trở. Phong cảnh thiên nhiên miền biên viễn thật hữu tình với non xanh nước biếc. Những cánh ruộng lúa chín đang ngả màu vàng rực. Qua những vạt đồi, bỗng dâng lên ngào ngạt hương lúa chín.
Chúng tôi đã đến đây, đã ở lại và đã muốn tìm hiểu nét văn hóa người bản địa. Chúng tôi vào nhà dân để sống cùng những người dân nơi này. Họ là một gia đình giáo viên người dân tộc Thái. Đêm ấy gió rít liên hồi từng cơn và tiếng gió u u xuyên qua vách nhà. Vách nhà là những tấm gỗ dày được xẻ mỏng ốp vào. Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm trong thung lũng đầy cỏ. Một đêm giữa rừng xanh và tiếng gió hú liên hồi. Cảm xúc ấy rất lạ nên tôi rất khó ngủ. Thế rồi tôi cũng ngủ thiếp đi vì quãng đường xa quá mệt.
Hãy thử tưởng tượng, một đêm nào đó bạn đang được ở giữa một thung lũng xanh đầy hương rừng bát ngát. Nơi bao quanh cũng toàn là rừng và cây lá rập rờn. Thật cứ y như bạn vừa lạc vào một câu chuyện cổ tích ấy. "Rừng bát ngát, ôi rừng mến yêu.." chính là đây chứ còn tìm đâu nữa. Tôi là người theo chủ nghĩa lãng mạn, nên thấy vùng đất nơi đây sao mà đẹp lạ lùng, cái đẹp vốn nằm trong mắt kẻ si tình quả không sai!
Gia đình vợ chồng thầy giáo người Mường cũng rất yêu hoa nên họ trồng nhiều hoa lá. Họ còn lãng mạn hơn các nhà văn chúng ta nhiều. Các thầy cô giáo vùng quê heo hút này nhìn rất trẻ và đáng mến. Họ bảo, cứ cuối tuần là bè bạn chúng cháu rủ nhau cùng phi xe máy xuống trung tâm huyện lỵ để mua mắm muối, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Nhưng cái chính là chúng cháu đi khám phá cuộc sống, để giảm ngố cô ạ! Tôi nghe họ nói mà nghe lòng mình mềm ra, vì thương.
Chợt nhớ, lúc xe ô tô đi qua mấy con đèo thật dài, tôi mải ngắm dòng Nậm Nơn hiền hòa, xanh biếc. Tôi vốn thích sông suối, nên hay để ý đến những dòng chảy. Còn vài con sông nữa đi qua mà tôi không thể nhớ được tên. Hôm sau, chúng tôi phải chuyển tiếp sang xe ô tô nhỏ hơn để có thể đi vào rừng, vì nếu đi xe khách sẽ không thể lên lỏi vào tận nơi được. Nghe tiếng suối róc rách chảy bỗng vỡ òa niềm vui. Đến bản rồi! Nhìn con suối đục ngầu và từng người hứng khởi lội qua suối. Tôi cũng vén... váy để lội suối vào bản, kỷ niệm thật thú vị.
Nhớ khi trên đường đi vào bản, chúng tôi cũng kịp rẽ ngang vào thăm một Trạm biên phòng của bộ đội đóng gần đó. Các anh bộ đội chạy ra mời chúng tôi vào ăn trưa rất nhiệt thành. Tôi kịp liếc mắt ngó qua bữa ăn dang dở của các anh ấy và nhất quyết từ chối. Cảm ơn và nói “chúng tôi ăn rồi ạ”! Đang nghĩ nếu rủ thêm mấy anh bộ đội cùng đi vào bản chắc sẽ rất vui đây! Quân với dân như cá với nước. Chúng tôi khuân trước một số thứ cần thiết để trao quà tượng trưng trước cho nhà trường, số hàng còn lại sẽ nhờ các thầy cô giáo có xe máy ra chở tiếp. Con đường rừng có chỗ dốc ngược và trơn vô cùng.
Thật vui và may mắn vì những món quà cùng sách vở, quần áo, giày dép là những thứ mà các em đang cần, đang trông đợi đã đến kịp trao cho bọn trẻ vào đúng năm học mới. Vì hôm sau là ngày nghỉ nên nhà trường chỉ huy động kịp một số em ở gần đến nhận quà Trung Thu. Nhìn lũ trẻ ríu rít đến trường và xếp hàng rất ngoan ngoãn để nhận bánh nướng, bánh dẻo mà vui quá. Có em nhỏ phải đi đến dăm cây số đường rừng mới đến được đây. Những cặp mắt thơ ngây và có chút nhút nhát ngước lên nhìn chúng tôi! Những ánh mắt thơ ngây sao mà thương đến thế.
Đi thăm nâu khu lán trại đơn sơ và dột nát của các thầy cô giáo mà thêm cảm phục họ. Những thầy cô giáo cắm bản nơi này phần lớn còn rất trẻ. Nhìn họ vui cười cũng thấy vui lắm. Tôi chú ý hơn đến một cô giáo khá nhiều tuổi so với họ. Cô nói, em đã cắm bản ở đây khá lâu rồi chị ạ. Cô sống trong một căn phòng nhỏ ẩm ướt kề ngay cạnh lớp học, căn phòng gần ven con suối đục ngầu ấy. Đó là một câu chuyện buồn đã làm tôi luôn có cảm giác đau nhói khi nhắc đến và thậm chí muốn khóc.
Bài thơ mang tên "Dòng suối đục" là tôi đã viết tặng cô giáo cắm bản ấy. Tôi muốn viết ngay sau đó để cảm xúc khỏi bị trôi đi! Có những con suối vẫn chảy mòn mỏi suốt đêm ngày và luôn bền bỉ một sự chịu đựng, một sức sống mãnh liệt nơi núi rừng. Nơi heo hút ấy, có bao nhiêu câu chuyện đẹp đẽ hay buồn tủi ở nơi rừng xanh núi thẳm? Ai sẽ viết ra?
Ngôi trường ven suối đã cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tôi sẽ giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ, kỳ vĩ của những con đèo dài lê thê trên con đường gần biên giới ấy. Sự kỳ vĩ còn lan tỏa từ những cánh đồng lúa thơm, từ những rặng núi xanh cao, mọi thứ đầy vẻ bí ẩn. Sự bí ẩn còn đọng lại trong tôi là cuộc sống bình dị và lãng mạn của các thầy cô giáo cắm bản, là những bản làng người Mường và người Thái. Là những cung đường đèo dốc ngược phủ vờn mây trắng khi xe đi qua. Núi cao vực sâu và non nước hữu tình của vùng biên Tương Dương.
Thương vô cùng khi nhìn thấy các em bé ấy. Nhìn chúng thơ ngây và có phần nhút nhát nữa khi chúng nhìn thấy đoàn khách lạ. Lũ trẻ như chim non kia đã ríu rít đến trường và tự biết xếp thành hai hàng rất ngoan ngoãn để chờ nhận được những chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Gọi là nhà gần trường gần xã, nhưng có em nhỏ đã phải đi bộ đến dăm bảy cây số đường rừng lòng vòng mới đến được đây. Những cặp mắt thơ ngây, trong trẻo và ánh nhìn đầy bỡ ngỡ ấy cứ ngước lên nhìn chúng tôi! Lòng tôi như chùng xuống. Tim tôi như se lại! Tôi nhìn các bé thấy thương đến thế.
Thương có giáo cắm bản đã xa rời làng quê của mình, cô phải xa cách với đứa con nhỏ đang phải để lại ở nơi làng quê để lên đây. Cô giáo sống ở trên núi cao, bên các học trò nhỏ nghèo khó. Lán trại ấy ở sát ngay cạnh trường. Một căn nhà lá đơn sơ trong dãy tập thể, nằm sát ven con suối đang réo đục ngầu. Nhớ đến cô giáo đang cắm bản mà lòng thêm thương xót, thêm ngậm ngùi cho một kiếp người! Còn biết bao những thân phận đàn bà bất hạnh, khi họ đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân và nhỡ nhàng duyên phận cả cuộc đời. Họ phải xa nhà để sống ở nơi heo hút này. Khi cô giáo ấy được trở về xuôi thì chồng cô đã đi theo người khác. Câu thơ "Chỉ núi thương em , em lại về với núi../ . Neo lại bến đời mảnh trăng vỡ trên non”! Tôi đã viết những câu thơ buồn trong nước mắt chứa chan. (Bài thơ "Dòng suối đục" của tôi sau đó đã được đăng trên Báo Văn nghệ).
Nếu bạn hỏi tôi có mong ước điều gì sau chuyến đi thiện nguyện ấy? Tôi chẳng hề băn khoăn khi nói rằng: “ước mong của tôi đơn giản thôi - Ngay tại lúc này - ngay ở nơi ấy! Chỉ mong sao các thầy cô giáo vẫn yêu nghề, các em nhỏ nơi heo hút ấy vẫn được đến trường và có đủ áo ấm, đủ cơm no trong những ngày đông giá lạnh này”!
(Rút trong bản thảo tập ký “Những cánh hoa mở đêm" - Hà Nội tháng 11/2020)
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngoi-truong-ngheo-ben-dong-suoi-a16370.html