Ngôi vương 20 năm của hạt tiêu
Cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 15.000 tấn hạt tiêu/năm, vậy còn sản lượng 200 - 300 ngàn tấn/năm đi đâu? Câu trả lời là xuất khẩu đi toàn thế giới!
10 năm lên ngôi vương
Cây tiêu được trồng ở Việt Nam từ thế kỷ XVII như một loại cây gia vị, lấy hạt thêm hương vị cho các món ăn trong gia đình. Theo chân các chủ đồn điền, cây tiêu phát triển từ Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang) tới Bình Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi tiếp tục được trồng ở nhiều địa phương trên vùng đất đỏ bazan miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và ra tới miền Trung.
Vào những năm 1960 - 1975, diện tích tiêu tại Việt Nam mới có khoảng 400ha, đạt sản lượng khoảng 600 tấn/năm. Thập niên 1976 - 1986, diện tích mỗi năm đều tăng lên, đến gần 4.000ha và sản lượng đạt 3.600 tấn, nhưng hạt tiêu chỉ để cung cấp cho nhu cầu trong nước. Đến năm 1990, diện tích trồng tiêu đã lên 9.200ha, sản lượng đạt 8.600 tấn và bắt đầu có xuất khẩu tuy chưa đáng kể.
Năm 1996 có thể xem là cột mốc với ngành hồ tiêu Việt Nam khi các nước đang có thế mạnh sản xuất tiêu như Indonesia, Malaysia, Brazil mất mùa vì khô hạn do ảnh hưởng của El Nino, các thương nhân nước ngoài đổ tới Việt Nam tìm nguồn hàng, tạo cơ hội cho Việt Nam chính thức “định danh” trên thương trường hồ tiêu thế giới.
Giá tiêu xuất khẩu tăng liên tục từ 2.000USD/tấn lên 4.000USD/tấn vào khoảng những năm 1997-1999, có lúc lên đến 6.000USD/tấn.
Diện tích trồng tiêu cả nước theo đó cũng tăng liên tục, từ 9.800ha vào năm 1997, lên 152.000ha vào năm 2018 trong khi quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 thì diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam hiện nay đã chiếm khoảng một nửa sản lượng hồ tiêu của toàn cầu và gần 95% sản lượng được xuất khẩu.
Ngành hồ tiêu hình thành rõ nét và đến đầu thế kỷ 21 đã tạo nên những kỳ tích. Không lâu khi chính thức bước vào thương trường quốc tế, Việt Nam đã làm ngạc nhiên khi nhanh chóng chiếm lấy ngôi vương vào năm 2001 và giữ vững vị thế số 1 này trong suốt 20 năm về xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.
Nếu như năm 2001, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam mới chỉ đạt 50 ngàn tấn thì đến năm 2020, lượng hồ tiêu xuất khẩu đã gần chạm mốc 300 ngàn tấn, chiếm khoảng 60% sản lượng tiêu thương mại trên toàn thế giới.
Trong 4 năm liên tiếp (2014 – 2017), ngành hồ tiêu đã có tên trong câu lạc bộ nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam.
Giữ ngôi vương suốt 20 năm, có được kim ngạch trên 1 tỷ USD, đó là niềm tự hào của hàng ngàn nông dân đội nắng, phơi sương trồng ra hạt tiêu, của hàng trăm đại lý, doanh nghiệp ở khắp các vùng miền đã thu gom, chế biến, cung ứng hạt tiêu xuất khẩu trực tiếp để tiêu Việt Nam có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hạt tiêu không thể thiếu trong chế biến thực phẩm ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu vẫn gia tăng khoảng 2%/năm. Ngành hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Hướng đến ngôi vương tiêu chế biến giá trị cao
Trong cuộc trường chinh trên thương trường, ngoài thành công ở góc độ thương mại, ngành hồ tiêu Việt Nam đã bước vào môi trường hội nhập quốc tế.
Hiệp hội hồ tiêu quốc tế thành lập năm 1971, có 6 nước thành viên, gồm các quốc gia sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Srilanca, Brazil và Việt Nam.
Các quốc gia này chiếm trên 80% sản lượng và số lượng xuất khẩu, là nhân tố chủ yếu chi phối, điều tiết thị trường giá cả hạt tiêu toàn cầu.
Vị thế và tiếng nói của ngành hồ tiêu Việt Nam được nâng lên trên thương trường quốc tế, ngược lại ngành hồ tiêu Việt Nam cũng học hỏi nhiều kinh nghiệm về chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, về giao thương xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Ngay những nông dân cũng nắm được diễn biến thị trường, trở thành người có tiếng nói điều tiết giá.
Trên ngôi vương, nhưng từ doanh nghiệp đến nông dân ngành hồ tiêu không tự mãn, bởi bất cứ sự chủ quan nào cũng có thể biến những nụ cười thành nước mắt.
Sau một thời kỳ thành công về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, ngành hồ tiêu đang khai mở những cánh cửa mới nâng cao giá trị cho hạt tiêu Việt Nam. Nông dân bắt đầu tập trung vào trồng tiêu chất lượng cao, hơn là tăng diện tích, sản lượng.
Trong khâu chế biến, đã có hơn 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm.
Tổng lực này hướng tới mục tiêu: Việt Nam là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu.
Những sản phẩm chế biến sâu như tiêu đen nghiền, tiêu trắng nghiền, tiêu sấy lạnh và nước sốt tiêu… cũng đang được đưa ra thị trường nước ngoài với nhiều tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều.
Cuối năm 2019, khi cho ra mắt tiêu sấy lạnh và nước sốt tiêu K PEPPER, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh nhận định ngành công nghiệp gia vị Việt Nam còn để trống các phân khúc được chế biến từ nguyên liệu nông sản mà Việt Nam sẵn có. Trong khi tiêu đen xuất khẩu có giá 2.500 – 3.000USD/tấn, thì tiêu sấy lạnh có giá 14.000 - 18.000USD/tấn, tức là gấp 6 lần.
Tiêu sấy lạnh là bước đầu tiến đến làm đầy các phân khúc sản phẩm tiêu chế biến giá trị cao chưa được sự quan tâm đúng mực. Đây không chỉ là cơ hội của các doanh nghiệp chế biến tiêu mà sẽ là tin vui cho người nông dân trồng tiêu vì khi sản phẩm tiêu xanh được chế biến và xuất khẩu với giá trị cao thì thu nhập của người trồng tiêu sẽ được nâng lên rõ rệt.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ngoi-vuong-20-nam-cua-hat-tieu-1612864957977.htm