Ngọn cờ đầu trong ngành giáo dục tỉnh Điện Biên

Chúng tôi đến thăm Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) vào một ngày đầu đông. Khác với không khí sôi động, náo nhiệt tại nhà đa năng, trong căn phòng rộng chừng 20m2 nằm trên tầng 2, cô giáo Ngô Thị Huệ cùng các em học sinh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử vẫn đang miệt mài ôn luyện cho kỳ thi sắp tới.

Không giấu được niềm tự hào, Tiến sĩ Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Môn Lịch sử là thế mạnh của nhà trường. Nhiều năm qua, trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển môn Lịch sử đều có giải cao mang về cho tỉnh, tiêu biểu như năm 2017, đội tuyển có 5/6 học sinh đoạt giải”.

Không chỉ riêng môn Lịch sử, trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia đến nay, trường đã có 242 học sinh đoạt giải; 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có hơn 20 giải quốc gia. Khi được hỏi bí quyết nào để đạt được thành tích, thầy Phong hướng ánh mắt về phía các học sinh đang chăm chú làm bài rồi khẳng định: “Đó chính là nội lực vượt khó, say mê, khát vọng vươn lên của thầy cô và học sinh nhà trường”.

 Một giờ học của đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.

Một giờ học của đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.

Là người có mặt từ những ngày đầu thành lập, cô giáo Lê Thị Biên, Phó hiệu trưởng nhà trường nhớ lại, mới đầu trường có tên là Trường THCS Năng khiếu tỉnh Lai Châu, từ năm 2000, trường chính thức được mang tên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Với 14 lớp học, nhà trường có gần 600 học sinh, 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường lớp chật hẹp, trang thiết bị phục vụ dạy học thiếu thốn. Gọi là trường chuyên nhưng chương trình còn chưa có, giáo viên nhà trường chuyển từ cấp 2 lên, chưa được dạy học sinh giỏi, tài liệu cũng tự viết. Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nhà trường đã mượn thêm phòng học của Trường THCS Him Lam để học chính khóa và ôn thi đại học. Được sự quan tâm của tỉnh, trường được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị. Ban giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học; mạnh dạn tham gia Trại hè Hùng Vương để từng bước hội nhập với trường chuyên các tỉnh. Cùng với việc gặp gỡ các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô nhà trường từng bước học tập kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường liên tục nâng cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đạt hơn 50% tổng số học sinh toàn trường với hơn 4.000 lượt học sinh đoạt giải, tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt từ 98 đến 100%.

Khi nói về mục tiêu giáo dục của nhà trường, TS Phạm Hồng Phong cho biết: Nhà trường thực hiện phương châm giáo dục là phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển năng khiếu của mình về một môn học nhất định; thực hiện đầy đủ kế hoạch chương trình giáo dục toàn diện của chương trình phổ thông để các em được giáo dục toàn diện. Mục tiêu xa hơn của nhà trường là giáo dục học sinh theo hướng “công dân toàn cầu”, bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm, hoạt động xã hội, trải nghiệm. Hiện nay, nhà trường đã có 95 cán bộ, giáo viên phụ trách 28 lớp chuyên với hơn 1.000 học sinh, trong đó có 14 Nhà giáo Ưu tú... Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn trau dồi, mở rộng kiến thức, có nhiều sáng kiến, nâng cao chất lượng dạy học.

Vừa qua, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là thành quả lao động, sáng tạo và cống hiến không ngừng của các thế hệ giáo viên và học sinh trong suốt 25 năm qua, xứng đáng với ngôi trường mang tên Trạng nguyên Lê Quý Đôn.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/ngon-co-dau-trong-nganh-giao-duc-tinh-dien-bien-645438