'Ngọn gió Đại Phong' vẫn tiếp tục thổi
Từng vinh dự được tặng lá cờ đầu ngành nông nghiệp toàn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 2 lần được Bác Hồ viết báo khen ngợi và tặng một chiếc máy cày, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngày nay vẫn không ngừng phấn đấu để phát triển kịp với thời đại.
Đại Phong nằm ở khu vực trung tâm của vùng đồng bằng chiêm trũng thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đất canh tác ở nơi đây phần lớn là đất ruộng sâu, ít màu mỡ lại thường xuyên chịu ngập lụt nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi cùng với việc kỹ thuật canh tác lạc hậu nên những năm 1950, Đại Phong cũng như nhiều làng quê khác của đất nước bị cái đói, cái nghèo bủa vây.
Cuối năm 1959, Hợp tác xã Đại Phong được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 Hợp tác xã là Lệ Phong, Trần Phú và Hợp tác xã 6.1 với 504 hộ, 2.106 nhân khẩu. Với mục đích “đẩy lùi cái đói, cái nghèo” và chủ trương một người làm việc bằng hai, mở rộng bờ ruộng, bờ thửa, thâm canh sản xuất, chỉ sau 4 tháng kể từ ngày thành lập, Hợp tác xã Đại Phong đã khai hoang được gần 200 mẫu, khôi phục trên 90 mẫu ruộng ở đồng sâu, làm được gần 4 vạn mét khối thủy lợi. Diện tích trồng trọt tăng lên 7 sào 9 thước/người. Ngoài ra, Hợp tác xã còn đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật canh tác, thực hiện phong trào khoanh vùng thủy lợi chống mặn để cấy được hai vụ trong một năm; phát triển nhiều ngành, nghề nhằm khai thác số ngày công còn dư thừa trong năm của xã viên. Đến cuối năm 1960, Hợp tác xã Đại Phong có tất cả 26 ngành nghề.
Nhờ sự hăng hái làm việc của bà con xã viên, chỉ 2 năm kể từ ngày thành lập, số ngày công trung bình trong một năm của mỗi xã viên là 240 ngày; thu nhập bình quân đạt 904nkg thóc/người. Không những đẩy lùi được cái đói của làng mình, lúa gạo Đại Phong sản xuất ra còn được chở ra nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân. Bên cạnh đó, các khoản vay nợ Nhà nước, Hợp tác xã không những trả đủ, trả đúng thời hạn mà còn tích lũy được hàng chục nghìn đồng. Đời sống xã viên Hợp tác xã Đại Phong không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Với những thành tích đạt được trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của Đại Phong, cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trực tiếp về kiểm tra, nghiên cứu, chỉ đạo tổng kết mô hình hợp tác hóa nông nghiệp tại Hợp tác xã Đại Phong. Từ đó, cái tên “gió Đại Phong” khởi nguồn phong trào thi đua trong nông nghiệp được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo đã lan tỏa rộng khắp miền Bắc.
Trong vòng chưa đến 2 tháng kể từ khi phát động phong trào thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt qua Hợp tác xã Đại Phong”, toàn miền Bắc đã có gần 1.000 hợp tác xã nhận thi đua “Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt qua Đại Phong”. Phong trào thi đua đã góp phần mở rộng diện tích sản xuất, tăng năng suất và phát triển các ngành nghề của mỗi địa phương hưởng ứng phong trào.
“Ngọn gió Đại Phong” không chỉ mang lại cho nhân dân sự thay đổi về đời sống mà hơn cả là đã góp phần dấy lên không khí hồ hởi, gợi cảm hứng thi đua trên toàn miền Bắc, ở mọi ngành, nghề, lĩnh vực. Cụ thể, trong công nghiệp có phong trào “Thi đua Duyên Hải”; phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”; trong quân đội có phong trào “Cờ 3 nhất”, năm 1965 có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”… Những phong trào thi đua này đã theo đúng tinh thần thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng những cơ sở đầu tiên của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam.
Hơn 60 năm trôi qua, nếu như không ít Hợp tác xã phải giải thể vì gặp nhiều khó khăn thì Hợp tác xã Đại Phong vẫn giữ vững vai trò chủ đạo trong tổ chức lao động, sản xuất giúp nhân dân ở đây vươn lên làm giàu.
Chia sẻ về những thành tựu mà Hợp tác xã đã đạt được trong những năm qua, anh Nguyễn Cao Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phong cho biết: “Nhiều năm qua, người dân Đại Phong ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lấy đó làm động lực để cùng nhau xây dựng Hợp tác xã. Với những cố gắng của Ban quản trị cũng như bà con xã viên, Hợp tác xã Đại Phong luôn vinh dự là một trong những Hợp tác xã có nguồn vốn lớn nhất của huyện Lệ Thủy với 12 tỷ vốn cố định và 3 tỷ vốn lưu động. Nhưng thành tựu lớn nhất mà Hợp tác xã đã làm được có lẽ là đẩy lùi tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay, trên địa bàn thôn Đại Phong, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1%”. Không chỉ dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà Hợp tác xã Đại Phong còn trở thành "ngọn cờ đầu" ở nhiều tỉnh, thành miền Trung.
Để có thể giữ vững được vị trí của mình, qua mỗi thời kỳ, Hợp tác xã luôn đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với thời đại. “Trong thời đại mới, Hợp tác xã luôn phải thay đổi cơ chế quản lý và hoạt động để phù hợp với thời đại. Dưới sự đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, bên cạnh các dịch vụ có sẵn thì Hợp tác xã cũng mở thêm các dịch vụ khác như cung ứng vật tư, nước sạch, bao tiêu sản phẩm cho bà con... Ngoài ra, Hợp tác xã cũng chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con xã viên. Đặc biệt trong quá trình phát triển, Hợp tác xã luôn tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào cả quá trình sản xuất đến tiêu thụ một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới”, anh Nguyễn Cao Thành nói.
Bây giờ, có thể thấy đời sống người dân ở Đại Phong không ngừng được nâng cao với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản, đầy đủ. Là vùng nông thôn, nhưng ở đây nhà cửa của người dân được xây dựng như các vùng thị trấn khác với nhiều nhà hai tầng, ba tầng khang trang, hiện đại...
62 năm đón nhận lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp, Đại Phong đã ghi tên mình vào những trang sử của dân tộc. Ngày nay, nhân dân thôn Đại Phong nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung vẫn luôn cố gắng gìn giữ “ngọn gió Đại Phong” trong phong trào xây dựng nông thôn mới...