'Ngọn hải đăng' kiên cường trong động đất ngày đầu năm mới ở Nhật Bản
Không ngôi nhà nào trong số khoảng 100 công trình kiến trúc ở làng chài nhỏ của Nhật Bản sụp đổ trong trận động đất 7,5 độ richter có tâm chấn chỉ cách đó vài km.
Trận động đất vào ngày đầu năm mới đã phá hủy các tòa nhà bằng gỗ trên khắp Bán đảo Noto của Nhật Bản, nhưng nhờ kiến trúc thông minh hàng chục năm tuổi, một làng chài nhỏ vẫn kiên cường đứng vững.
Vào rạng sáng ngày đầu năm mới 2024, Bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7,5 độ richter. Cơn địa chấn đủ mạnh để gửi sóng xung kích đi tới tận trái tim của đất nước, tàn phá các công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ trên đường đi của nó.
Tuy nhiên, giữa hoang tàn và đổ nát, ngôi làng Akasaki vẫn đứng vững, trở thành “ngọn hải đăng” của sự kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh.
Kiến trúc thông minh
Một vài mái ngói bị bong ra. Tuy nhiên không ngôi nhà nào trong số khoảng 100 công trình kiến trúc ở làng chài nhỏ nằm bên bờ Tây của bán đảo bị sụp đổ trong trận động đất có tâm chấn chỉ cách đó vài km.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trận động đất xảy ra ở độ sâu 16 km vào khoảng 4h10 chiều ngày 1/1. Đây là lần đầu tiên một trận động đất mạnh cấp 7 được ghi nhận ở Nhật Bản kể từ trận động đất làm rung chuyển khu vực Iburi của Hokkaido vào tháng 9/2018.
Sau trận động đất, ông Masaki Sato đã lái xe suốt đêm từ nhà cách đó 300 km (190 dặm) ở Tokyo về Bán đảo Noto để kiểm tra ngôi nhà 85 tuổi mà ông sở hữu từ năm 2017 hiện đang được sử dụng làm nhà nghỉ phục vụ khách du lịch mùa hè.
“Ngôi nhà nằm trên một khu đất rất hẹp, công trình có nhiều phòng nhỏ, nhiều cột” khiến nó vững chắc hơn, người đàn ông 43 tuổi nói với hãng tin AFP.
Để chịu được mưa, tuyết và gió biển khắc nghiệt, nhà của ông Sato và hầu hết những ngôi nhà khác ở Akasaki đều có ít cửa sổ bằng kính. Các bức tường bao quanh ngôi nhà được làm từ những thanh gỗ chắc chắn, xếp lớp theo chiều ngang. Toàn bộ cấu trúc được chống đỡ bởi các dầm dày đan xen khắp trần nhà.
Một tuần sau trận động đất mạnh và nhiều dư chấn kèm theo, ít nhất 161 người đã thiệt mạng và 103 người khác vẫn mất tích, chính quyền địa phương cho biết hôm 8/1. Điều kỳ diệu là không có tổn thất nào về người trong ngôi làng kiên cố này, cũng không người làng nào bị thương.
Ngay cả sóng thần do trận động đất gây ra cũng không thể chạm đến được những ngôi nhà được xây dựng trên nền đất cao với phần chân được gia cố bằng bê tông. Tại ngôi nhà của ông Sato, bát đĩa bằng gốm bị vỡ, đồ dùng bị đổ và một cánh cửa trượt bằng gỗ bị vỡ, để lại những mảnh vụn vương vãi khắp sàn nhà. Nhưng chỉ như vậy thôi.
“Tôi cảm thấy rất được khích lệ vì ngôi làng vẫn còn đó”, ông Sato nói. “Tôi nghĩ đó là nhờ thiết kế của những ngôi nhà”.
Kết quả may mắn tương tự cũng được nhìn thấy khắp nơi trong ngôi làng chài bé nhỏ, nơi “thiết kế của những ngôi nhà ít nhiều giống nhau”, ông Seiya Shinagawa, một ngư dân đã nghỉ hưu, cho biết.
Nỗi lo thế hệ
Việc ngôi làng đứng vững còn được cho là nhờ sự bố trí các hạng mục kiến trúc một cách thông minh của người dân địa phương. “Theo kiến trúc truyền thống, thường có một nhà kho ngay bên bờ biển có tác dụng như một vùng đệm, che chắn cho ngôi nhà chính khỏi sóng gió, ông Shinagawa nói.
Cách bố trí này là di sản của những ngày mà mỗi ngư dân địa phương còn đi biển. Khi đó thuyền của họ sẽ từ nhà kho lao thẳng ra biển, cụ ông 78 tuổi cho biết. Trong những năm 1920, ngư dân làng Akasaki đã kiếm sống bằng các chuyến đánh bắt cá ngoài khơi xa.
Vào cuối những năm 1930, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã phá hủy một phần đáng kể ngôi làng. kể từ đó, người ta đã xây dựng lại những ngôi nhà theo thiết kế thống nhất và chắc chắn hơn. Những ngôi nhà được thiết kế để có thể chịu được thử thách của thời gian và thiên nhiên. Ngày nay, những cấu trúc này là minh chứng cho tính hiệu quả của cách thiết kế phòng chống thiên tai.
Giờ đây, bất chấp chiến thắng trước động đất, làng Akasaki phải đối mặt với một vấn đề phổ biến ở Nhật Bản: Dân số già đi nghiêm trọng.
Hầu hết người dân ở Akasaki đều trên 65 tuổi, nhiều người sống một mình. Đây là một mối đe dọa đối với tương lai của ngôi làng. Chi phí bảo trì nhà cao và thiếu người trẻ tuổi thừa kế các ngôi nhà là những mối lo ngại lớn. Tuy nhiên, vẫn có những tia hy vọng.
Khu vực này không được chính phủ công nhận là tài sản văn hóa nhưng là nơi người dân có lối sống giản dị, cổ điển, ông Sato nói và cho biết thêm rằng khi không có ai ở trong một ngôi nhà, nó sẽ bị phá bỏ – làm xói mòn vẻ đẹp của ngôi làng.
Là một nhân viên công nghệ thông tin (IT) đang điều hành một doanh nghiệp cải tạo bất động sản, ông Sato có kế hoạch mua và cải tạo lại các ngôi nhà ở nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình thành quán cà phê hoặc nhà hàng để làm kinh doanh.
Bằng cách này, hy vọng vẻ đẹp hấp dẫn của ngôi làng sẽ được duy trì, đảm bảo sự tồn tại của nó cho các thế hệ mai sau. “Không được để mất một ngôi làng quá quý giá như vậy”, ông nói.
Minh Đức (Theo AFP/Digital Journal, BNN Breaking)