'Ngọn hải đăng' trên đảo tiền tiêu
Hơn 30 năm thầy Nguyễn Điển hóa thân mình thành 'ngọn hải đăng' trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc...
Thầy Nguyễn Điển - Trường THPT Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) âm thầm “dẫn đường” cho hàng nghìn học sinh trên mảnh đất đầy gian khó này.
Tuổi thanh xuân nơi huyện đảo nghèo khó
Biết bao thăng trầm trong nghề nghiệp, nhưng thầy Nguyễn Điển (SN 1965, quê xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), giáo viên dạy Ngữ văn vẫn luôn nhiệt huyết, yêu nghề. Thầy Điển tâm sự: “Ngay từ khi là học sinh tiểu học, tôi đã thấy các thầy cô là tấm gương đưa đò, giúp nhiều thế hệ học trò trưởng thành và luôn mơ ước được làm thầy giáo”.
Tốt nghiệp THPT, thầy Điển thi đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử”, năm 1987, thầy được nhận về công tác ở Quảng Ngãi và được phân công dạy một trường trong đất liền. Đến tháng 11/1988, Trường THPT Lý Sơn thiếu giáo viên, thầy Điển được điều động ra đảo.
“Lúc đầu chỉ là chấp hành sự điều động. Nhưng ra đến đảo, cảm nhận được sự hồn nhiên và khao khát được học tập của học trò, nhất là sự chất phác, chân thành và quý trọng thầy cô của nhân dân ở đảo nên tôi quyết định gắn bó với sự nghiệp giáo dục của hòn đảo hơn hai vạn dân này”, thầy Điển nhớ lại.
Để mang lại những tiết học bổ ích, thầy Điển cho rằng, đó là sự nỗ lực của bản thân, khơi gợi niềm hứng thú học tập cho học trò. 35 năm qua, thầy Điển trở thành “ngọn hải đăng” dẫn lối đến tri thức cho hàng ngàn học sinh trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nhiều thế hệ học trò của thầy Điển đã thành công trong cuộc sống.
“Trước hết, trong mỗi tiết dạy và trước mỗi bài giảng, tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về việc làm sao truyền đủ kiến thức cho các em. Và càng suy nghĩ sẽ càng nảy ra những ý hay, cách làm mới và mời gọi được trò cùng mình khám phá bài học. Đặc biệt, bản thân không bao giờ vừa lòng với ý nghĩ ban đầu và cách làm hôm trước”, thầy Điển chia sẻ.
Bên cạnh đó, người thầy phải hiểu được tâm lý của học trò, biết các em cần gì mà thay đổi cách làm cho phù hợp, mỗi tiết dạy là một cuộc trò chuyện. Người thầy phải biết khơi gợi tâm tư từng em, tức là đặt câu hỏi, gợi ý phù hợp với đối tượng và phải chú ý lắng nghe, ghi nhận biểu dương sự đóng góp của học trò trong từng tiết dạy. Lấy khen ngợi làm động lực cho các em.
Tiếp tục nỗ lực
35 năm làm “nghề gõ đầu trẻ” luôn có những áp lực nhất định trong cuộc sống và công việc. Thế nhưng, thầy Điển đã bình thản đón nhận và giải quyết những áp lực đó như việc hết sức bình thường của cuộc sống.
“Lý Sơn xa đất liền, cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ, nhưng bản thân vốn là con nhà nghèo nên áp lực ấy với tôi quá quen thuộc. Điều cốt yếu giúp tôi vượt qua áp lực ấy là tình nghĩa của người dân nơi đây dành cho mình. Hàng ngày, những mong muốn học hành của học sinh và sự trưởng thành từng bước của các em thôi thúc bản thân không thể chùn bước. Thứ nữa, áp lực là học sinh Lý Sơn xét toàn diện có hạn chế một chút so với đất liền. Điều này đòi hỏi thầy giáo phải bù đắp để các em tiến bộ, đó là trách nhiệm, là vinh dự! Và tôi luôn tự nhủ, áp lực là thứ làm nên sự khác biệt của kim cương với than đá. Áp lực là điều kiện để mình nỗ lực”, thầy Điển nhấn mạnh.
Theo thầy Điển, đa số học sinh Lý Sơn là con ngư dân, cuộc sống có nhiều khó khăn. Đồng tiền bố mẹ các em kiếm được là mồ hôi, nước mắt có khi là máu. Vì vậy, thầy Điển không chỉ là người thầy, mà còn là người bạn đồng hành với trò trên mỗi bước đi của cuộc đời.
“Mình hay trò chuyện để các em hiểu những đồng tiền gian nan kia là khát vọng để đổi đời. Các em phải hiểu và nỗ lực học hành. Tôi luôn nêu những tấm gương thành đạt ra đi từ Trường THPT Lý Sơn để giáo dục các em. Với bản thân cũng sẵn sàng bỏ thời gian ra giúp các em trong học tập, miễn sao bù đắp được chỗ thiếu trong kiến thức”, thầy Điển cho hay.
Chỉ còn chừng 4 năm nữa thầy Nguyễn Điển sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng với thầy, cho dù chỉ còn 1 giờ lên lớp vẫn đem hết khả năng làm tốt công việc của mình. Không những vậy, thầy Điển còn kêu gọi, động viên các thế hệ cựu học sinh đóng góp cho “quỹ khuyến học - khuyến tài” của trường ngày càng lớn để nuôi dưỡng, hỗ trợ các lớp học sinh sau này. Trong đó, thầy sẽ góp một phần vào quỹ trước khi về hưu.
Nguyễn Thị Hồng Đào, cựu học sinh khóa 2016 - 2019 Trường THPT Lý Sơn, cho biết, mình may mắn khi được thầy Điển chủ nhiệm năm lớp 10 và năm lớp 12. Thầy Điển luôn quan tâm hỏi han, giao bài tập và kiểm tra, nếu bạn nào học kém thầy phụ đạo miễn phí.
“Dù đã ra trường nhưng tôi luôn nhớ về những kỷ niệm khi được thầy dạy. Nếu có học sinh không hiểu, khi ra về thầy chia sẻ tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời dạy kèm, động viên chúng em cố gắng học tốt. Mỗi giờ dạy của thầy là khoảng thời gian học sinh khám phá những điều mới mẻ...”, Hồng Đào cho biết.
Được biết, vợ thầy Điển là giáo viên Trường Tiểu học số 1 An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn). Hai vợ chồng thầy đều ở đảo Lý Sơn. Thầy đã được nhận Giấy khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Giấy khen của Sở GD&ĐT... Đặc biệt, thầy được tặng Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường giai đoạn 1984 - 2014.
Nhân ngày 20/11, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và tri ân đến tất cả đồng nghiệp, nhất là thầy cô công tác tại nơi còn khó khăn. Vì họ đã cùng làm rạng rỡ thêm cho nghề đưa đò thầm lặng mà cao quý. Và xin nhắn với đồng nghiệp một lời chia sẻ, áp lực là yếu tố làm nên giá trị của kim cương! - Thầy Nguyễn Điển
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngon-hai-dang-tren-dao-tien-tieu-post619301.html