Ngọn lửa cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cháy và sáng mãi

Xô Viết Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930-1931. ẢNH: TƯ LIỆU

Xô Viết Nghệ Tĩnh là cao trào đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta, được đánh giá là đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930-1931. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên trong cả nước để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tròn 90 năm ngời sáng tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, những câu ca vẫn vang vọng về trang sử đau thương mà anh dũng quật cường ngày ấy: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/ Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi” (ca khúc Cùng nhau đi Hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu).

Kỳ tích của cách mạng Việt Nam

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Đế quốc Pháp đã trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế lên lưng giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Người dân không có tự do, dân chủ; họ bị áp bức đến tận xương tủy, bị bắt, giết mà không cần xét xử; những quyền sống tối thiểu của nhân dân ta đều bị tước đoạt; chúng thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước và cách mạng. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã sớm nhận thức được sự chuyển biến ấy và xác định phương pháp cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta là con đường cách mạng bạo lực. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ rõ: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”(1).

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, Đảng ta đã phát động phong trào đấu tranh rộng lớn trên phạm vi cả nước. Trong ngày đó, trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam ở nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đều xuất hiện cờ đỏ búa liềm và truyền đơn đòi tăng lương, bớt giờ làm, chống đánh đập công nhân, hoãn sưu thuế cho nông dân, đòi bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi Nam Định.

Từtháng 6 đến tháng 8, công nhân nhà máy diêm, nhà máy cưa, công nhân bốc vác Bến Thủy, công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi… liên tiếp bãi công hưởng ứng.

Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ, từ các làng mạc kéo đến huyện lỵ, tỉnh lỵ: biểu tình ở Nam Đàn (6/8), Can Lộc (4/8), Thanh Chương (12/8), Nghi Lộc (29/8).

Ngày 30/8/1930, 3.000 nông dân các huyện Nam Đàn vũ trang kéo lên huyện đốt giấy tờ, phá nhà lao. Ngày 1/9, 2 vạn nông dân Thanh Chương bao vây huyện đường. Cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra ở Diễn Châu, Can Lộc, Anh Sơn, Nghi Lộc và đỉnh cao là cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên với sự ra đời của Ủy ban Xô Viết ngày 12/9/1930.

Khí thế của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10/1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Sự xuất hiện các Xô Viết làm chức năng chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo đã phát triển ở nhiều vùng rộng lớn trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trước sự khủng bố ác liệt của đế quốc Pháp, phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới khi có thời cơ đến.

Rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám

Xô Viết Nghệ Tĩnh là một kỳ tích của Cách mạng Việt Nam, đã có tiếng vang sâu rộng trong và ngoài nước. Đánh giá về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Đây là lần đầu tiên dân cày, thợ thuyền và lính khố xanh đã siết chặt tay nhau trên chiến trường, đoàn kết lại để hình thành một thể duy nhất, một đạo quân duy nhất… Cuộc đấu tranh quyết liệt của dân cày và công nhân Nghệ An mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh để xóa bỏ giai cấp, kỷ nguyên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, thói bạo ngược của bọn cường hào quan lại”(2).

Ngày 19/2/1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong báo cáo gửi lên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản về cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh đã khẳng định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”(3).

90 năm đã trôi qua, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng sáng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. “Ngọn lửa thiêng” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cháy và sáng mãi, tiếp tục soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong những giai đoạn tiếp theo của con đường cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(4). Do đó, phát huy được ý chí tự cường dân tộc sẽ là cơ sở để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển.

-----------

(1)- Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG - ST, HN.2011, t.3, tr.21.

(2)- ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN.1998, t.2, tr.61-62.

(3)- Đại cương lịch sử Việt Nam: Tập 2, tr.310.

(4)- Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, HN.2011, tr.445.

Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

NGUYỄN VĂN THANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/245435/ngon-lua-cao-trao-xo-viet-nghe-tinh-chay-va-sang-mai.html