Ngọn lửa cháy mãi
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những câu chuyện, những kỷ vật chiến tranh để lại vẫn khiến người ta không khỏi ngạc nhiên vì sự kỳ diệu của nó. Trong đó, có cuốn ký họa, sau này được đánh giá là 'nhật ký bằng tranh' của một người 'lính mũ sắt' đã lưu lạc hơn 40 năm rồi trở về từ nửa kia Trái đất. Người lính - chủ nhân của cuốn ký họa đó là họa sỹ Lê Đức Tuấn.
Một con người bình dị
Họa sỹ Lê Đức Tuấn là “hàng xóm” nhà tôi. Ông sống trong khu nhà tập thể cũ trên “phố nhà binh” Lý Nam Đế (Hà Nội). Căn hộ của ông nằm “mãi tít” trên tầng 5 với diện tích khiêm tốn, đồ đạc giản dị nhưng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Là họa sỹ nhưng ông không có lấy một không gian làm việc riêng đủ rộng rãi để “thả hồn” vào nghệ thuật…
Trước đây, khi còn nhỏ, tôi chỉ biết đến ông Tuấn là một người hay chăm lo các công việc chung của khu tập thể. Tôi thấy ông hay viết bảng tin để thông báo cho bà con những việc cần làm. Mỗi lần ông viết bảng, trẻ con trong khu lại đứng xem và trầm trồ khen vì ông viết rất đẹp, chữ ông như những nét vẽ mềm mại, sinh động. Dáng người bé nhỏ, nhanh nhẹn, mọi người trong khu luôn thấy ông là một người tốt bụng, vui vẻ, thân thiện. Sau khi chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, tôi mới biết thêm về ông Lê Đức Tuấn trong vai trò là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 10 (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm). Sẽ chẳng ai biết nhiều về người chiến binh, người họa sĩ già Lê Đức Tuấn trong chiến tranh đã làm những gì, đã trải qua những chuyện gì. Vì không bao giờ ông kể lể công lao và những đóng góp của mình cho đất nước, ngay cả với con cháu. Cho đến một ngày cuốn ký họa kháng chiến của ông bị thất lạc hơn 40 năm, từ nửa bên kia Trái đất bỗng trở về với ông một cách ly kỳ thì dư luận mới quan tâm nhiều đến chủ nhân của nó - họa sỹ Lê Đức Tuấn.
Sự trở về của cuốn “Nhật ký bằng tranh”
Sự trở về của cuốn ký họa là một câu chuyện ly kỳ mà đến chính bản thân tác giả của nó cũng không thể hình dung được.
Năm 1967, ông Tuấn lên đường nhập ngũ, là chiến sĩ của “lính mũ sắt”, đơn vị đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ra trận, bên cạnh súng trường, ông Tuấn chỉ mang theo bút vẽ, một cuốn sổ tay để ghi chép, ký họa và một tập thơ Puskin. Thay vì viết nhật ký, ông đã diễn tả tâm trạng, tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của mình thông qua những bức ký họa. Mỗi làng quê ông đi qua, mỗi gương mặt để lại ấn tượng ông đã gặp, mỗi sinh hoạt của người lính đều hiện lên thật sống động qua màu sắc, nét vẽ của ông. Cuốn ký họa của ông đã có tới 112 bức và được dư luận sau này đánh giá như một cuốn “Nhật ký bằng tranh”. Tháng 3/1968, trong trận tiến công quân địch ở Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), ông Tuấn buộc phải bỏ lại ba lô cùng cuốn ký họa của mình ở hậu cứ. Sau khi đánh trận trở về, hậu cứ cũng đã bị lính Mỹ càn quét và san phẳng. Tất cả đều bị đốt sạch, không còn một dấu tích gì. Khi biết mình không thể lấy lại cuốn ký họa, trong nhật ký ngày 29/3/1968 của mình, ông Lê Đức Tuấn viết:“Buồn quá, mất hết cả tranh vẽ kể từ ngày bước chân vào bộ đội và mất hết cả những dụng cụ vẽ rồi. Biết làm thế nào? Từ nay mình không được vẽ nữa. Tiếc quá, bao nhiêu hình ảnh sinh động của đời bộ đội mình ghi được đều mất cả. Bao giờ chiến thắng, ta lại về xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đó là cảm giác tiếc nuối, xót xa rất trong sáng của một người lính trẻ, như vừa mất đi cây súng thứ hai của mình, nhưng vẫn đầy lạc quan.
Khi nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ, khốc liệt, ánh mắt của họa sỹ Lê Đức Tuấn sáng rực lên, trong từng câu nói, từng cử chỉ, hành động đều như “có lửa”. Người họa sỹ già như đang sống lại thời quá khứ: “Cháu không thể tưởng được đâu. Ở những thời điểm chiến đấu ác liệt nhất, con người có sức mạnh lạ kỳ lắm! Chúng tôi không còn cảm giác sợ sệt, hay nao núng trước tiếng bom dội, tiếng pháo nổ của quân thù. Trong trận đánh, nhiều khi dép không có, chân giẫm phải mảnh bom đạn, tóe máu, bỏng rát mà vẫn chạy “như bay” qua mọi địa hình để tấn công địch. Lúc đó, tâm trí chúng tôi không còn điều gì khác ngoài việc phải “dạy cho kẻ địch biết thế nào là dân tộc Việt Nam anh hùng!”.
Trong trận càn của lính Mỹ vào căn cứ của bộ đội ta năm ấy, cuốn ký họa kháng chiến của họa sỹ Lê Đức Tuấn đã rơi vào tay một quân nhân Mỹ (thiếu tá Robert B.Simpson). Vẻ đẹp tâm hồn của người lính Việt được thể hiện qua từng bức ký họa đã làm người lính Mỹ cảm phục. Ông ta quyết định giữ lại làm kỷ vật thay vì đốt nó như bao thứ khác. Năm đó, Robert B.Simpson xé ba bức tranh trong cuốn ký họa gửi về tặng vợ, 109 bức còn lại ông mang tặng chỉ huy của mình, tướng William R.Peers. Cuốn ký họa sau đó theo tướng R.Peers rời Việt Nam trở về Mỹ. Ông giữ gìn nó cẩn thận đến lúc qua đời năm 1984 mới trao lại cho con gái là bà Penny Peers Hicks với tâm nguyện muốn trả lại cho chủ nhân của nó. Năm 2009, bà Hicks mới có cơ hội trao cuốn ký họa cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Cuốn ký họa được gọi là “Nhật ký bằng tranh” đó đã được trao lại cho phía Việt Nam, trở thành một kỷ vật kháng chiến thiêng liêng và được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đến nay.
Ngày thông tin về cuốn ký họa được công bố, dù đã nhận ra tác phẩm của mình nhưng vốn bản tính “rụt rè” và khiêm tốn, ông Tuấn chưa dám nhận ngay vì trong thông tin đưa ra lại cho rằng, đây là cuốn ký họa của một người lính đã hy sinh. Chỉ đến khi mọi thông tin được kiểm chứng, người họa sỹ già mới vỡ òa trong niềm xúc động khi gặp lại “đứa con tinh thần” của mình.
Ngọn lửa không tắt
Nhớ lại suốt bao nhiêu năm ở chiến trường chỉ nghe thấy tiếng ù ù của bom đạn, pháo nổ, đến ngày trở lại Hà Nội, họa sỹ Lê Đức Tuấn như người từ cõi chết trở về. “Lúc đó, không còn nghe thấy tiếng bom đạn, nhìn khung cảnh bình yên của Hà Nội, chân tôi hình như không “chạm” xuống đất nữa. Tôi không tin mình vẫn còn sống” – ông Tuấn xúc động hồi tưởng. Chắc có lẽ, không phải riêng ông Tuấn, mà đây là cảm giác chung của những người lính may mắn được trở về cùng với gia đình: Một cảm giác vô cùng hạnh phúc.
Như nhiều thương binh may mắn được trở về, ông Tuấn phải chịu những cơn đau “như đạn xoáy vào da thịt” ở đầu mỗi khi thay đổi thời tiết. “Không thể nhớ nổi số lần tôi bị thương trong suốt thời gian ra trận, nhưng chủ yếu đều là nhẹ. Chẳng hề gì. Còn đi lại được là còn chiến đấu tiếp. Chỉ có hai lần tôi bị thương nặng đều vì sức ép của bom là năm 1968 và năm 1974” – ông Tuấn kể. Sau lần bị thương nặng năm 1974, ông Tuấn trở ra Bắc. Vì bị mất 43% sức khỏe, ông được hưởng chế độ thương binh 3/4.
Trở về từ chiến trường, ông Tuấn đã gắn bó với Báo Quân đội nhân dân với vai trò của một họa sỹ trình bày hơn 30 năm. Nghỉ hưu năm 2005, mặc dù sức khỏe đã giảm sút, hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông làm Trưởng ban công tác mặt trận của Tổ dân phố suốt 2 nhiệm kỳ. Được tín nhiệm, ông được bầu là Bí thư chi bộ Tổ dân phố 3 khóa tiếp theo và kiêm luôn chức Chi hội phó Cựu chiến binh khu phố. Mọi việc lớn, nhỏ trong khu phố đều đến tay ông vậy mà không bao giờ thấy ông kể công hay đòi hỏi ai bất cứ điều gì. Chuyện trò với tôi ông bảo: “Làm công tác xã hội là “làm dâu trăm họ”, không phải ai cũng hiểu mình, nhưng mình cứ làm tròn trách nhiệm và đúng với tâm của mình là được. Hết nhiệm kỳ này, bác cũng gần 80 tuổi rồi, bác có nguyện vọng trao lại chức bí thư cho người trẻ hơn, năng động hơn để có chút thời gian thư thái tuổi già và lại cầm bút vẽ…”. Tuy đã qua phía “dốc bên kia” của cuộc đời nhưng tâm hồn người họa sỹ vẫn luôn “trẻ”, “ngọn lửa” nghề trong họa sỹ Lê Đức Tuấn vẫn luôn cháy sáng.
Thời đất nước lâm nguy, họa sỹ Lê Đức Tuấn mang trong mình trái tim “có lửa” ra trận với tinh thần cống hiến, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài việc cầm súng trực tiếp chiến đấu, ông còn thể hiện “ngọn lửa” yêu nước của mình ở từng nét vẽ. Phải chăng chính “ngọn lửa” trong cuốn ký họa đã cảm hóa được “đối phương”, khiến họ nâng niu, gìn giữ cho đến ngày nó được trở về với chủ nhân? Để đến thời bình, “ngọn lửa” ấy lại được chuyển hóa, lan tỏa trong từng công việc xã hội mà ông Tuấn đang làm, âm thầm nhưng mãnh liệt.
Rời khỏi căn hộ nhỏ trên tầng cao nhất của khu tập thể, tôi cứ suy nghĩ miên man về “một thời hoa lửa” của họa sỹ Lê Đức Tuấn và cả một thế hệ xả thân vì đất nước. Những con người bình dị đã thật sự đi vào chiến tranh khốc liệt, có thể làm nên những điều phi thường. Và giờ đây, khi trở về với cuộc sống thời bình lại trở thành một người “bình thường”, coi những điều mình làm là điều đương nhiên phải thế.
Trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, cho đến nay có hai cuốn nhật ký chiến tranh của “phía ta” có “số phận” gần giống nhau: Rơi vào tay kẻ thù, nhưng đã cảm hóa được “đối phương” bằng chất văn hóa và “chất người” toát lên trong tác phẩm để không những không bị đốt mà còn được nâng niu, lưu giữ và tìm cách trả lại cho chủ nhân: Đó là cuốn nhật ký bằng chữ của nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm và cuốn ký họa “nhật ký bằng tranh” của họa sỹ Lê Đức Tuấn. Nhưng tác giả cuốn “nhật ký bằng tranh” vẫn còn sống! Thông tin này đã làm chấn động dư luận lúc bấy giờ. “Tài sản” quý báu của họa sỹ Lê Đức Tuấn đã trở thành một hiện tượng đặc biệt của chiến tranh.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ngon-lua-chay-mai-20170727080633135.htm