Ngọn lửa và niềm tin – Thanh Hóa thịnh vượng

'Không phải Trung ương ưu ái riêng cho tỉnh Thanh Hóa hay bất kỳ địa phương nào, mà sự lựa chọn xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu ở Nghi Sơn là xuất phát từ những lợi thế của khu vực Nghi Sơn, nhất là lợi thế về cảng nước sâu và vị trí địa kinh tế chính trị. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ thành động lực, đầu tàu kéo sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung bộ'.

Quang cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Nếu Thanh Hóa được xem là “nước Việt Nam thu nhỏ”, thì Tĩnh Gia trước đây, thị xã Nghi Sơn ngày nay, được xem là hình ảnh “xứ Thanh thu nhỏ”, bởi nơi đây hội tụ những đặc trưng cơ bản về đất và người xứ Thanh.

Tôi còn nhớ, trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Tĩnh Gia ngày 22-5-2020, tại hội trường UBND xã Trúc Lâm, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu với cử tri huyện Tĩnh Gia rằng: Tĩnh Gia, Nghi Sơn tiếp tục là đầu tàu kinh tế hết sức quan trọng để kéo con tàu Thanh Hóa đi lên, không những chỉ có riêng Thanh Hóa mà còn kéo cả kinh tế của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và các tỉnh vùng Nam đồng bằng Bắc bộ đi lên. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tĩnh Gia cần xác định rõ “Nghi Sơn, Tĩnh Gia vì Thanh Hóa và Thanh Hóa cũng vì Nghi Sơn, Tĩnh Gia”.

Ngày 1-6-2020, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường, xã trực thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử của vùng đất phía Nam tỉnh Thanh Hóa, tạo động lực để Nghi Sơn phát triển nhanh và mạnh trong tương lai, cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Thị xã Nghi Sơn là vùng đất cực Nam của tỉnh Thanh, có sông hồ, biển đảo, có đồng bằng, trung du, miền núi... Đường bờ biển trải dài 42 km với núi non xen kẽ tạo thành vịnh nhỏ xinh xắn, bãi cát dài thoai thoải, xa xa có đảo Mê, tạo nên khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, rất phù hợp để phát triển kinh tế du lịch và phát triển công nghiệp. Nghi Sơn còn là vùng cương thổ tiếp giáp giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An. Bởi vậy, Nghi Sơn cùng với thị trấn Hoàng Mai, giống như chiếc đòn gánh, đầu Bắc là Nam Thanh hóa, đầu Nam là Bắc Nghệ An. Với địa thế đặc biệt ấy, chiếc đòn gánh này trở thành đầu mối giao thông quan trọng cả đường thủy, đường bộ và đường sắt. Bởi vậy, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ này đã được xây dựng thành vùng kinh tế vô cùng quan trọng của Bắc miền Trung và cả nước.

Năm 2006, vùng đất Nghi Sơn bắt đầu được phát lộ và tỏa sáng, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), với mục tiêu xây dựng và phát triển KKTNS thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, nhiệt điện, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả 2 cảng biển Nghi Sơn và Lạch Bạng...

Từ đây, Nghi Sơn được xác định là khu kinh tế động lực, một trong những “đầu tàu” của Thanh Hóa và cả nước, là “cửa ngõ lớn” để mời gọi đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh và đất nước nhanh chóng hội nhập toàn cầu. Kể từ khi chính thức được thành lập, KKTNS đã được đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương về thăm và làm việc; nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài cũng đã về khảo sát, đặt vấn đề đầu tư lâu dài. Và kể từ đây, Tĩnh Gia - Nghi Sơn có những bước chuyển mình lớn lao, một cuộc vận động mang tính lịch sử, để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH mạnh mẽ và toàn diện của quê hương, đất nước. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng di dân luôn là một việc làm nhạy cảm, dễ phát sinh “điểm nóng”, vì đất là kế sinh nhai mỗi ngày của những cư dân nông nghiệp; đất là máu thịt cha ông để lại... và theo quan niệm “tấc đất - tấc vàng” nên công cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng ở vùng đất nơi đây là cả câu chuyện dài được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể huyện Tĩnh Gia lúc bấy giờ viết nên.

Sau công cuộc giải phóng mặt bằng, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải chùng chình mất 7 năm chưa tổ chức khởi công, người dân bán tín, bán nghi về cái “dự án khủng” thành bãi đất trống, mọi công sức, sự hy sinh sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Nhưng rồi qua 7 năm, gồm 2 năm đàm phán và 5 năm chờ đợi sau khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia ký kết hợp đồng liên doanh với các “ông lớn” dầu khí hóa chất nước ngoài, sau nhiều năm chờ đợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngày 23-10-2013, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, đại diện các bên liên doanh... đã bấm nút khởi công xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong niềm vui mừng, phấn khởi, sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, đánh dấu sự khởi động chính thức của một siêu dự án, một công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, thắp lên ngọn lửa và niềm tin. Sau 5 năm 2 tháng xây dựng và lắp đặt, vào ngày 1-5-2018, ngọn lửa đỏ đã được thắp lên trên đỉnh tháp chưng cất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, báo hiệu siêu dự án có tổng mức đầu tư gần 9,3 tỷ USD chính thức đi vào hoạt động. Đến ngày 23-12 -2018, tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, đại diện các bên liên doanh, đã bấm nút chính thức vận hành thương mại. Ngọn lửa Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được thắp lên từ niềm tin, sự kỳ vọng và những nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, mở ra một thời kỳ phát triển mới nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.

Trong một lần gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã cho rằng: “Không phải Trung ương ưu ái riêng cho tỉnh Thanh Hóa hay bất kỳ địa phương nào, mà sự lựa chọn xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu ở Nghi Sơn là xuất phát từ những lợi thế của khu vực Nghi Sơn, nhất là lợi thế về cảng nước sâu và vị trí địa kinh tế chính trị. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ thành động lực, đầu tàu kéo sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung bộ”.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại KKTNS - một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam; công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Kuwait cung cấp toàn bộ dầu thô phục vụ dự án trong vòng 70 năm. Sản phẩm của nhà máy sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, tạo điều kiện căn bản cho các ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ phát triển.

Với tỉnh Thanh Hóa, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng đưa KKTNS trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh, tạo bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách Nhà nước và là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Từ khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức vận hành thương mại đã đóng góp đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo tính toán, ngay trong năm 2018, năm đầu tiên nhà máy đi vào hoạt động với sản lượng đạt 3,5 triệu tấn, tương đương 43% công suất, đã đóng góp khoảng 7 điểm % tăng trưởng GRDP của tỉnh, đóng góp cho thu ngân sách Nhà nước của tỉnh hơn 8.000 tỷ đồng. Năm 2019 nhà máy hoạt động đạt 90% công suất, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 12.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành bảo dưỡng định kỳ (lần 1) vào cuối năm 2019, các phân xưởng đã vận hành ổn định trở lại. Dự kiến từ năm 2020 trở đi, khi đi vào hoạt động đạt 100% công suất, nhà máy sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Có thể nói, việc thành lập KKTNS và việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại đã mở ra một giai đoạn mới cho phát triển của tỉnh Thanh Hóa, với nhiều thời cơ, vận hội to lớn để tỉnh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn. Tính đến tháng 3-2020, KKTNS và các KCN tỉnh đã thu hút được 623 dự án, trong đó có 564 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 147.876 tỷ đồng và 59 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 13 tỷ 356 triệu USD; có 411 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn bộ hoặc một phần theo đúng mục tiêu đầu tư; tạo việc làm cho 98.445 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang triển khai thực hiện trong KKTNS và các KCN, từ khi nhà máy lọc hóa dầu đi vào sản xuất thương mại, nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư trên thế giới đã đến nghiên cứu các dự án lớn khác tại KKTNS như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD; Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp sản xuất chíp điện tử với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD; Tập đoàn Lee& Man và Hokuetsu nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất giấy Tissue với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD... Những con số thường khô khan, nhưng đối với Nghi Sơn, những con số luôn mang lại rất nhiều cảm xúc. Đó là sự thể hiện của ngọn lửa và niềm tin để Thanh Hóa phát triển trong tương lai.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã từng nói: “Chúng ta có niềm tin, có khát vọng, có quyết tâm thì nhất định chúng ta sẽ thành công. Nhìn tổng thể, trên gương mặt rạng ngời của mỗi người dân Thanh Hóa, qua lời nói và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, qua câu chuyện kể ở khắp các vùng miền trong tỉnh, đã thấy toát lên một niềm tin và khát vọng mãnh liệt, rằng: Năm 2020, Thanh Hóa sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công to lớn hơn nữa về mọi mặt mà năm 2019 và giai đoạn trước đó đã tạo đà và nâng cánh”; “Chúng ta sẽ thực hiện được khát vọng thịnh vượng, sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời đã căn dặn”.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khat-vong-thanh-hoa/ngon-lua-va-niem-tin--thanh-hoa-thinh-vuong/120290.htm