Ngổn ngang quanh di tích Thành cổ Quảng Trị
Chậm tiến độ, nguồn vốn dự án kè bờ Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị bị thu hồi. Đến giờ này, cảnh quan của di tích này vẫn ngổn ngang, nhiều điểm hư hỏng chưa được tôn tạo có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích bất cứ lúc nào.
Ngổn ngang dự án bờ kè
Sau nhiều năm, hệ thống kè bao xung quanh di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Đặc biệt, do nền đất yếu cũng như mưa lũ ngày càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở đe dọa đến di tích.
Kè Thành cổ hiện có hệ thống kè hào dài hơn 4.400m được đầu tư xây dựng từ giai đoạn 1993-1995 với kết cấu thô sơ, hệ kè bằng đá học kết hợp trụ móng đơn, giằng kè bằng bê tông cốt thép. Dù đã được tu sửa, thậm chí xây dựng mới những đoạn bị ngã đổ nhưng hệ thống kè xung quanh Thành cổ bắt đầu xuống cấp.
Trong đó, nhiều vị trí bị nghiêng, sụt lún, nghiêng, hư hỏng nặng không đảm bảo khả năng chịu lực của công trình.
Để đảm bảo tính bền vững kết cấu công trình kè bờ hồ Di tích Thành cổ Quảng Trị, giữ lâu dài trước nền đất yếu, thiên tai bão lụt thường xuyên ở thị xã Quảng Trị, tháng 8/2021, tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án kè bờ hồ Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Dự án có tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình khẩn cấp. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2022.
Dự án đầu tư toàn bộ kè bờ hồ bên trong Thành cổ và kè bờ hồ đường Lý Thái Tổ (cửa Nam), đường Hai Bà Trưng (cửa Đông) tổng chiều dài 3.1232,15m. Trong đó, gia cố kè bằng giải pháp mở rộng, bổ sung móng kè bê tông cốt thép, lại toàn bộ mặt kè hiện có bằng đá hộc tự nhiên (được gia công làm phẳng bề mặt), mạch không lộ vữa liên kết cũng như xây lại miệng cống thoát nước theo kiểu cuốn vòm.
Đơn vị thi công gồm liên danh Công ty TNHH MTV Minh Thành, Công ty TNHH MTV Tuấn Đạt Thành và Công ty TNHH MTV 673.
Thế nhưng, việc thi công chậm đã khiến dự án bị thu hồi vốn và công trình hầu như vẫn dở dang với nhiều hạng mục khác nhau. Điều đó, khiến cảnh quan xung quanh di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, đơn vị thi công đã tháo dỡ các vị trí kè cũ (dài từ 3-3,5m) để đưa máy móc, vật liệu xuống thi công vẫn chưa được hoàn trả nguyên trạng. Những điểm này, nhà thầu chỉ rào lại thô sơ bằng cọc tre. Trong khi đó, hệ thống kè này nằm trong khu vực 1 được bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản.
Không những vậy, đất đá trong quá trình thi công vẫn để ngổn ngang dưới lòng hồ chưa được các nhà thầu dọn dẹp, cỏ rác vẫn nổi ở một góc di tích. Ngay ở cổng chính Thành cổ, những trụ sắt dang dở chạy dọc bờ kè khiến du khách lắc đầu ngao ngán.
Nhiều điểm sụt lún đe dọa di tích
Theo đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA ĐTXD) tỉnh Quảng Trị, dự án thi công chậm và mới chỉ giải ngân được 12,7 tỷ đồng, số vốn còn lại đã bị thu hồi khiến công trình dở dang.
Ông Trương Hữu Hiếu, Phó Ban QLDA ĐTXD tỉnh Quảng Trị cho biết, quá trình thi công kéo dài, không đảm bảo kế hoạch do các thủ tục kéo dài, việc bàn giao mặt bằng không đúng thời gian dự kiến. Bên cạnh đó, phải tạm dừng thi công phục vụ cấp nước tưới tiêu nội đồng và các ngày lễ lớn.
Sau khi dự án chậm tiến độ bị thu hồi vốn, tháng 12/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính về việc đề xuất bố trí lại nguồn vốn ngân sách trung ương. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt.
Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị cho biết: Thời điểm này và đặc biệt là dịp 30/4 và 1/5 tới đây, người dân và du khách đến Thành cổ rất đông.
“Chúng tôi mong muốn đơn vị thi công khẩn trương chỉnh trang, dọn dẹp những hạng mục thi công đang dang dở để đảm bảo mỹ quan di tích, phục vụ tốt công tác đón tiếp du khách tốt hơn”, bà Trang bày tỏ.
Trong khi việc thực hiện dự án chậm trễ khiến tính thẩm mỹ di tích bị ảnh hưởng thì nhiều đoạn sụt lún dọc theo bờ kè và cả bên trong bờ kè đang đe dọa đến di tích hơn bao giờ hết.
Ghi nhận của phóng viên dọc theo kè Thành cổ (phía đoạn đường Hai Bà Trưng) có nhiều điểm sụt lún ngay vỉa hè sát chân hệ thống tường hào. Nhiều điểm lún sâu xuống vài cm hoặc sạt lở bên dưới khiến đá lát vỉa hè bị vỡ.
Đặc biệt, tại góc kè Thành cổ phía đường Phan Đình Phùng, một khoảng đá bờ kè đã bị sạt lở, gây hổng chân tường và bức tường có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.
Nghiêm trọng hơn, tại phía Bắc bên trong bờ kè Thành cổ một đoạn sụt lún kéo dài hàng chục mét. Phần lối đi bộ lát gạch và chân tường sụt nghiêng về phía hào nước, có đoạn nứt toác gần 10cm.
Chỉ cần một cơn mưa lớn, cả một phần đất, lối đi bộ cùng hệ thống bờ tường ngay trong khuôn viên di tích Thành cổ Quảng Trị (khu vực 1) có nguy cơ đổ sập xuống phía hào nước sâu. Thế nhưng, việc thi công chậm trễ dẫn đến thu hồi vốn đã khiến mỹ quan di tích bị ảnh hưởng. Chưa kể, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính nguyên vẹn của di tích cấp quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị bất cứ lúc nào.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngon-ngang-quanh-di-tich-thanh-co-quang-tri.html