Ngôn ngữ cổ chỉ dành cho phụ nữ ở Trung Quốc
Trong thời kỳ xã hội Trung Quốc cấm phụ nữ đi học, phái yếu đã sáng tạo và sử dụng loại ngôn ngữ riêng để giao tiếp cũng như bí mật thể hiện cảm xúc của bản thân.
Nữ thư, nghĩa là hệ thống chữ viết của phụ nữ, là loại chữ viết chỉ một số ít phụ nữ ở miền trung Trung Quốc trước đây được biết.
Nguồn gốc của ngôn ngữ này chưa rõ, nhưng hầu hết các học giả tin rằng Nữ thư được tạo ra ở một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Giang Vĩnh (tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc) từ vài thế kỷ trước, trong thời kỳ mà xã hội Trung Quốc cấm phụ nữ đi học. Những người phụ nữ đã phát triển chữ viết riêng của họ để giao tiếp với nhau.
Chữ viết này mềm mại với các ký tự cong nhẹ, gọn hơn nhiều so với chữ Trung Quốc hiện đại vuông vắn với các góc cạnh sắc nét.
“Xã hội không cho chúng tôi đi học. Vậy chúng tôi phải làm gì đây? Chúng tôi sẽ tìm cách tự giáo dục mình”, Xu Yan, 55 tuổi, tác giả của một cuốn sách giáo khoa về Nữ thư, chia sẻ.
Phụ nữ thời phong kiến sống dưới sự kiểm soát và sắp đặt của cha mẹ hoặc chồng. Nữ thư đôi khi được ví như "những giọt nước mắt", là công cụ bí mật để người phụ nữ xưa ghi lại nỗi buồn của họ: hôn nhân không hạnh phúc, bạo lực gia đình và nỗi nhớ về những người chị em hay con gái đã kết hôn nhưng không thể trở về trong chế độ phụ quyền.
Xu cũng là người sáng lập Bức thư ngày thứ ba, một văn phòng chuyên về Nữ thư ở Bắc Kinh, được đặt theo tên một tập tục hàng thế kỷ ở Giang Vĩnh. Bức thư ngày thứ ba là loại thư thêu tay được tặng để chia tay một người phụ nữ khi cô được phép về thăm nhà vào ngày thứ ba sau khi kết hôn.
Thế giới bí mật đó vẫn còn lan truyền cho đến ngày nay như một nguồn sức mạnh cho những phụ nữ trẻ bất mãn với những ràng buộc của chế độ gia trưởng.
Chen, người học nhiếp ảnh tại một trường nghệ thuật ở Thượng Hải, cho biết các giáo sư nam của cô thường nghi ngờ rằng cô có thể theo kịp các học viên nam vì vóc dáng cô nhỏ bé.
Chen cảm thấy thất vọng nhưng không thể bộc lộ cảm xúc ra ngoài, cho đến khi cô biết đến Nữ thư.
“Tôi cảm thấy mình đã nhận được một sức mạnh rất lớn và tôi nghĩ rất nhiều phụ nữ cần đến sức mạnh này”, Chen nói.
Chen chia sẻ muốn làm một bộ phim tài liệu về nữ quyền và tình cờ biết đến Nữ thư. Trong quá trình tìm hiểu nguyên liệu để viết kịch bản, Chen nhận ra rằng Nữ thư không chỉ đại diện cho những tấn bi kịch mà còn thể hiện sức mạnh của người phụ nữ.
Bắt đầu từ năm 2022, Chen bắt đầu truyền bá Nữ thư. Cô thành lập một nhóm Nữ thư trực tuyến, tổ chức các hội thảo dạy viết và triển lãm nghệ thuật Nữ thư tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc.
Lu Sirui, 24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và là một thành viên trong nhóm Nữ thư của Chen, chia sẻ: "Lúc đầu, tôi chỉ biết rằng đó là di sản của phụ nữ, chỉ thuộc về phụ nữ. Khi tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra đó là một dạng sức mạnh để chống lại vấn đề xã hội”.
Cô cho biết những cộng đồng Nữ thư như vậy đã hỗ trợ cô cùng nhiều phụ nữ trong việc đối mặt với bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới và các vấn đề về mối quan hệ mẹ con, cùng nhiều thách thức khác.
Cô nói thêm: "Điều quan trọng là các phụ nữ phải đoàn kết với nhay và Nữ thư như một sợi dây liên kết tình chị em. Đó là biểu hiện của sức mạnh phụ nữ vượt thời gian và không gian".
Ngày nay, Nữ thư có thể được tìm thấy ở các hiệu sách trên khắp Trung Quốc, quảng cáo trên phương tiện giao thông, gian hàng hội chợ, hình xăm, tác phẩm nghệ thuật và thậm chí cả những vật dụng hàng ngày như bát đũa, kẹp tóc.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ngon-ngu-co-chi-danh-cho-phu-nu-o-trung-quoc-ar889067.html