Ngôn ngữ diệu dụng

Tác giả: Cư sĩ Minh Mẫn

Ngôn ngữ là hình thái biểu đạt ý tưởng. Tùy mỗi chủng loại có một âm ngữ riêng; âm ngữ của con người thể hiện qua ngôn ngữ rất dồi dào cảm xúc, sâu lắng, đa dạng. Tùy trường hợp, tùy trình độ, tùy thời điểm và tùy lĩnh vực có một ngôn từ cá biệt; trong tôn giáo cũng thế.

Ý nghĩa của một thuật ngữ sơ khai, đôi khi bị lạm biến, trở thành châm biếm, hài hước, đối nghịch do tâm thái của người sử dụng. Nhất là thuật ngữ tôn giáo, do con người lạm dụng thiếu trong sáng, trở thành tệ hại.

Một sự kiện luôn có hai mặt, tâm hồn có trí tuệ, lương thiện sẽ nhìn sự việc và hành động tốt hơn, ngược lại sẽ đánh mất giá trị cao đẹp của ngôn từ, của sự việc khởi đầu đưa ra.

Ví dụ: “phóng sinh” là một ý tưởng thiện lương cứu mạng sống của một sinh vật trước khi bị sát hại, nhưng đặt hàng cho người đánh bắt để đem phóng sinh lại là việc mô phỏng hình thức nhưng làm tệ hại cho hai từ “phóng sinh”. Những sinh vật đó không cần chúng ta phóng sinh, nó vẫn lội bơi, vẫn bay lượn tự do khi nhu cầu đánh bắt phục vụ cho phóng sinh không có. Phóng sinh kiểu này càng làm giàu cho người đánh bắt, càng tạo nghiệp cho kẻ bất lương và càng đe dọa mạng sống muôn loài một cách có hệ thống.

Một tâm hồn thích ăn ngon, ngụy biện rằng, ăn cũng là cách giải phóng chúng khỏi kiếp sống muôn thú. Nghĩa là cùng một vấn đề, mang hai trạng huống khác nhau tùy vào người hành xử có trí tuệ nắm bắt được thực chất sự việc hay chỉ làm theo hình thức do tâm tham dục.

Ngôn ngữ cũng thế, nhất là thuộc về tôn giáo, khởi nguyên đều mang tính chất cao thượng, khi bị lạm dụng, nó sẽ ngược hẳn ý tưởng ban đầu, còn được biện minh cho việc làm thiếu trong sáng một cách hợp pháp.

Ví dụ hai từ “cúng dường”, theo Từ điển Phật học, có nghĩa là”cung dưỡng” – việc làm Bố thí mà chân thành cung kính, gọi là cúng dường. Trong Phật giáo có bốn loại cúng dường – “Ăn, mặc, ở, bệnh” dành cho chư tăng. Ngày xưa, xã hội con người chưa tiến hóa đa dạng như ngày nay, việc cung dưỡng bốn trường hợp trên cũng khá đơn giản do nhu cầu sống đơn giản. Chư tăng không giữ tiền, thọ thực ngày một Ngọ duy nhất. Ngày nay, chỉ có hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam còn duy trì được luật không giữ tiền. Một số bậc chân tu độc cư cũng không giữ tiền hoặc giữ rất ít để phòng đau ốm.

Những cổ đức quan niệm tiền bạc là con rắn độc nếu bị nó sai khiến. Ngày nay, xã hội toàn nhân loại hầu như đều bị đồng tiền chi phối, chi phối cả vào tôn giáo nếu tôn giáo không nghiêm trì giới luật. Những tôn giáo bị chính trị hóa thường khó mà giữ được tính trong sáng về luật giới. Nhân sự trong tôn giáo bị Danh-Lợi-Tình điều khiển thì những gì tuyên dương tính cao đẹp đều bị làm cao đẹp cho những vệc làm sai trái với luật định tôn giáo.

Xã hội tha hóa, vong thân là chuyện thường tình, vì đó là thế gian. Những quốc gia như Bhutan hay hệ thống Phật giáo Tây Tạng của đức Đạt Lai Lạt Ma không bao giờ nghe đến những chữ tham nhũng, hối lộ…Những hệ thống Phật giáo còn lại không ít thì nhiều vẫn không tránh khỏi lợn cợn hầu hết trong đời sống tu sĩ.

Từ đó, những thuật ngữ cao đẹp trong Phật giáo để che đậy một số việc làm bất minh mà vẫn được cho là hợp lý. Ví dụ: muốn được đề bạt, thăng tiến vào một vị trí nào đó trong hệ thống hành chính từ cấp xã,huyện,Thành phố, thậm chí trung ương, cho dù làm không lương, vẫn cố bôi trơn bằng cách “cúng dường” mà ngoài đời gọi là “hối lộ”, chạy chức chạy quyền, áp phe… Thế gian bảo có quyền là có tiền, khi có tiền là có quyền, tiền và quyền là đôi chân vào đời vững chắc.

Phật giáo Việt Nam ngày nay phần lớn là chiếc bóng chập chờn của xã hội, dựng tấm bảng chùa phải tính vài trăm triệu. Những nhiệm kỳ trước tu sĩ xin chuyển vùng, qua nhà nước không tốn phí, nhưng đến tay một vị chuyên quyền trong Thành hội phải chi vài mươi triệu mới được chữ ký. Sau này tình trạng có vẻ giảm đi, ở thành phố lớn còn vậy thì một số tỉnh, thành khác sao tránh khỏi nhiêu khê nếu không biết đến hai chữ “cúng dường”?

Ngoài đời mua bán nhà cửa, đất đai gọi là chuyển nhượng quyền sử dụng. Phật giáo ngày xưa, chùa được truyền thừa vô điều kiện, ngày nay, chùa được cúng dường cho vị khác, dĩ nhiên người thọ nhận cũng phải cúng dường lại với mức thỏa thuận mà người đời gọi là “thuận mua vừa bán”, số phận ngôi chùa đó chưa hẳn dừng lại từ đây.

Phải chăng xã hội càng tiến bộ, trí tuệ càng phát triển, con người càng đa dạng thì tôn giáo phải song hành cho kịp đà tiến hóa? Thế thì khỏi phải thắc mắc chư Tổ dễ tu dễ chứng, ngày nay giới luật rơi rụng khó tu khó chứng; do vậy, sự khôn ngoan của con người biến ngôn ngữ trở thành diệu dụng theo tâm ý diệu kỳ, mà tin rằng các tôn giáo lâu đời cũng không tránh khỏi nhũng lạm của thế gian.

Tác giả: Cư sĩ Minh Mẫn

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ngon-ngu-dieu-dung.html