Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật cần chính xác, thống nhất, dễ hiểu

Văn bản quy phạm pháp luật là công cụ quan trọng không thể thiếu của mỗi quốc gia. Trong đó, việc sử dụng ngôn ngữ chính xác, thống nhất, phù hợp, dễ hiểu có vai trò rất quan trọng, giúp việc tạo lập và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả,…

Việc sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản quản lý nhà nước nói chung, ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật nói riêng ở Việt Nam đã được luật hóa, quy định cụ thể trong một số văn bản pháp luật. Đặc biệt khoản 1, Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020 quy định: “Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”.

Cùng với đó, Điều 69, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định: Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt, chính xác, phổ thông. Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế. Từ ngữ nước ngoài có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến hoặc phải phiên âm sang tiếng Việt.

Đồng thời, văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích. Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần xuất hiện đầu tiên trong văn bản. Đối với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, cần quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản. Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản. Không sử dụng từ nghi vấn, các biện pháp tu từ trong văn bản. Từ ngữ phải được sử dụng thống nhất trong văn bản.

Ngoài ra, tại Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đã sửa đổi khoản 6 và bổ sung khoản 7 Điều 69 như sau: Từ ngữ chỉ nội dung giống nhau phải được sử dụng thống nhất trong văn bản. Chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt;…

TS. Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân

TS. Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân

Theo TS. Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nay, việc sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản luật, bộ luật ở nước ta đã được quan tâm, kỹ lưỡng hơn rất nhiều, theo đó chất lượng văn bản được đảm bảo, việc áp dụng, thi hành các văn bản pháp luật thuận lợi hơn, ít có những hiểu lầm, gây tranh cãi không đáng có. Tuy nhiên, trong không ít văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những “hạt sạn”, những vấn đề cần trao đổi về cách thức sử dụng ngôn ngữ. Trước hết là việc sử dụng từ ngữ thiếu thống nhất giữa văn bản luật với các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư), thậm chí trong một văn bản pháp luật cũng có tình trạng như vậy…

PGS. TS Lê Minh Thông – Nguyên PCN Ủy ban Pháp luật

PGS. TS Lê Minh Thông – Nguyên PCN Ủy ban Pháp luật

Bàn về vấn đề này, PGS. TS Lê Minh Thông – Nguyên PCN Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ. Đồng thời, kiến nghị trong quá trình soạn thảo ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật cần đồng bộ, thống nhất tránh mâu thuẫn, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Để nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận cùng với việc sử dụng ngôn ngữ phải đặc biệt chú ý đến tính hiện đại của ngôn ngữ pháp luật bởi quy định pháp luật phải có tính dự trù cho tương lai;…

Ngoài ra, thuật ngữ chuyên ngành và thuật ngữ pháp lý cần phải bám sát, tạo sự thống nhất, liên thông trong quá trình sử dụng để soạn thảo; tôn trọng ngôn ngữ có tính đặc thù chuyên ngành của lĩnh vực được điều chỉnh trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động, PGS. TS Lê Minh Thông cũng đặt ra vấn đề cần giữ được hồn cốt, sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đồng thời phải biểu đạt được phạm trù khoa học trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

TS. Hoàng Minh Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

TS. Hoàng Minh Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Cùng quan điểm, TS. Hoàng Minh Hiếu – Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, không chỉ ở Việt Nam ngay cả thế giới hiện có 2 trường phái về ngôn ngữ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trường phái thứ nhất, coi ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật có khoảng cách với ngôn ngữ đời thường, vì vậy, có nguyên tắc khác với ngôn ngữ đời thường. Trong khi đó, trường phái thứ hai, lại quan niệm, ngôn ngữ pháp lý phải tiến tới gần với ngôn ngữ đời thường đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ áp dụng. Tuy nhiên, cả hai trường phái đều có văn bản quy định rất rõ ràng về mặt nguyên tắc đối với cách thức sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo TS. Hoàng Minh Hiếu, tại Việt Nam, hiện có 7 nguyên tắc được quy định trong các văn bản luật, tuy nhiên về cơ bản các nguyên tắc này còn rất khái quát, chưa cụ thể. Do đó, việc áp dụng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số vướng mắc trên thực tế. Cụ thể: như chưa có văn bản thống nhất về quy tắc chính tả tiếng Việt, thiếu nguyên tắc khi dùng từ Hán - Việt cho phù hợp;… Do đó, cần có tổng kết, đánh giá và từ đó nghiên cứu, ban hành quy định thống nhất, dễ vận dụng.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên PCN Văn phòng Quốc hội

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên PCN Văn phòng Quốc hội

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên PCN Văn phòng Quốc hội lưu ý, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải nhất quán, dễ hiểu,... Để đảm bảo ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, TS. Nguyễn Sĩ Dung cho rằng, quy trình lập pháp cần nhận diện rõ các vấn đề về chính sách, từ đó, việc tạo thuận lợi cho quá trình soạn thảo trong cách thức thể hiện; phương thức diễn đạt; đảm bảo số đông có thể hiểu và áp dụng. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát; xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp lý trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật;…

TS. Nguyễn Thị Ly Na - Viện Ngôn ngữ học

TS. Nguyễn Thị Ly Na - Viện Ngôn ngữ học

Từ phương diện ngôn ngữ học, TS. Nguyễn Thị Ly Na - Viện Ngôn ngữ học cho rằng, ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật cần đáp ứng các yêu cầu, đặc điểm chung về: tính khái quát; tính chính xác, hệ thống và khuôn mẫu; tính chuyên môn; tính giản ước;.. “Trong văn bản pháp luật, xét về kỹ thuật lập pháp, yêu cầu ngôn ngữ là điều đương nhiên và bắt buộc, vì vậy, nắm rõ được các đặc điểm chung về ngôn ngữ trong văn bản pháp luật chính là căn cốt để soạn thảo, sử dụng và thực thi văn bản pháp luật…”, TS. Nguyễn Thị Ly Na lưu ý.

Khẳng định văn bản quy phạm pháp luật là công cụ quan trọng không thể thiếu của mỗi quốc gia, là phương tiện truyền tải thông tin cơ bản giữa Nhà nước với các thành viên trong xã hội, TS. Nguyễn Thị Ly Na nhấn mạnh, việc sử dụng ngôn ngữ chính xác, thống nhất, phù hợp, dễ hiểu có vai trò rất quan trọng, giúp việc tạo lập và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần quản lý xã hội và điều hành, quản trị quốc gia../.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=89001