'Ngóng lũ'

Tháng 8 (âm lịch), nước lũ vẫn chưa 'nhảy khỏi bờ' khiến cho những người theo nghề câu lưới nơm nớp nỗi lo thất thu với mùa cá lớn nhất trong năm. Hiện giờ, họ chỉ còn biết 'ngóng lũ' từng ngày!

Những chiếc vó dựng bên bờ kênh Tha La nằm đợi lũ

Nước kênh Vĩnh Tế những ngày này đã nhạt bớt cái sắc đỏ của phù sa. Mấy chiếc vỏ lãi nằm gối đầu lên bãi cạn ven bờ với nỗi niềm nặng trĩu của dân câu lưới. Theo vòng quay tạo hóa, người ta lại mong chờ con nước về nuốt chửng những cánh đồng giáp biên và mang theo con cá, con cua để nuôi sống dân nghèo. Ấy vậy mà những cánh đồng đã xong mùa gặt từ lâu, chỉ thấp thoáng bóng mấy đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ hay lơ thơ những đọt lúa rài còn đang nuôi hột.

Hơn 1 tháng nay, ông Võ Văn Còn (người dân xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, An Giang) không thể đi thả lưới đồng xa như mọi năm. Ông trầm ngâm: “Nước nôi gì đâu mà đi kiếm cá. Mấy năm trước, giờ này nước ngập linh binh hết rồi, còn hiện tại khô queo vậy đó. Cách mấy tháng trước, tui đã chuẩn bị đồ nghề, mua thêm lưới, gia cố lại chiếc vỏ lãi để làm ăn cho ngon lành. Ai ngờ phải ngồi đây đợi nước như vầy”.

Trong khóe mắt nhăn nheo bởi mưa nắng thời gian của lão ngư dân này phảng phất chút gì đó buồn buồn. Mấy đứa con trai của ông cũng mất việc ở công ty, buộc phải về quê kiếm con cá, con cua trong mùa nước nổi. Nhưng rồi cũng phải chịu cảnh nằm nhà như ông. Không chỉ gia đình ông Còn, mà hầu hết những hộ dân sống nhờ vào con cá ở những cánh đồng giáp biên này đều chung tâm trạng đợi lũ mỏi mòn.

Hiện tại, những ngư dân trong xóm của ông Còn đã kiếm được cá nhiều hơn so với mấy tháng mùa khô. Tuy nhiên, họ cho biết con nước không ngập đồng thì sản lượng cá sẽ giảm rất nhiều bởi chúng không có nơi đẻ trứng. “Giờ này mà nước dưới kênh trong veo thì chắc lũ năm nay sẽ nhỏ. Đà này, tui phải kêu mấy đứa con kiếm việc gì đó để làm, chứ hết trông cậy vô mùa nước năm nay. Giăng lưới cả buổi mà tui chỉ kiếm được 3-4kg cá, đem bán chợ được hơn 100.000 đồng, bỏ sở hụi chỉ còn vài chục ngàn đồng. Bây giờ, chỉ còn biết chờ trông con nước cuối tháng 8 (âm lịch) coi sao. Nếu lũ “nhích lên” thì dân câu lưới cũng mừng” - ông Còn thiệt tình.

Ngư dân vẫn đang “ngóng lũ”

Nhẹ tay khua mái dầm đẩy chiếc xuồng nhỏ lạc trôi giữa dòng nước kênh Tha La, ông Nguyễn Văn Năng (người dân xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) khẽ lắc đầu khi nghe tôi hỏi về mùa lũ. Có lẽ, hơn 40 năm sống gắn bó với vòng tuần hoàn của con nước, ông Năng mới cảm nhận một cách đầy đủ về sự đổi thay của lũ. Lớn lên trong gia đình chuyên sống bằng nghề kéo vó, rồi cũng có lúc ông Năng phải tính đến chuyện kiếm một công việc khác ổn định hơn. Bởi, nước lũ ngày càng nhỏ, con cá ngày càng ít nên đời sống gia đình ông ngày càng khó khăn.

“Mấy anh em tui kiếm nghề khác sống hết rồi. Chỉ còn mình tui “nối nghiệp” cái nền vó của ông già để lại. Nước năm nay thấp quá, chắc lại thất mùa cá nữa rồi. Hổm rày, mỗi ngày cất vó dính được vài ký cá đem cân bạn hàng, kiếm được chừng 200.000 đồng/ngày. Gặp mấy ngày mưa, cá không “đi” thì chịu thua. Theo lẽ, giờ này nước phải trắng đồng thì dân bà cậu như tui mới có đồng dư để tích lũy cho tháng mùa khô. Mình đã quen với nghề này, chuyển qua công việc khác chưa biết ra sao. Bây giờ, cứ phải chờ đây tới giữa tháng 9 (âm lịch) nước có lên thêm nữa hay không”- ông Năng chia sẻ.

Để đối phó với khó khăn trước mắt, ông Năng phải chịu khó vừa cất vó, vừa bơi xuồng thả lưới kiếm thêm ít cá. Nhờ đó mà từ đầu mùa lũ tới giờ ông vẫn có nguồn thu kha khá. Theo ngư dân này, nếu chịu khó “cầm cự” đến cuối tháng 8 (âm lịch), chắc lượng cá sẽ đỡ hơn dù nước lũ không về như mong đợi. Ông Năng chỉ cho tôi những nền vó còn dang dở nằm cặp 2 bên bờ kênh Tha La. Chắc vì thấy nước nhỏ nên chủ nền cũng không muốn mất công dựng vó như ông.

Tạm biệt tôi, ông Năng lại khua chiếc dầm đánh động mặt nước kênh Tha La đang lặng lờ trôi. Có lẽ, con nước lũ bây giờ đã không như mong mỏi của ông, nhưng người ngư dân này vẫn tiếp tục gắn bó với nó như mấy chục năm qua. Và bây giờ, ông sẽ lại vừa cất vó, vừa… “ngóng lũ”!.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-ngong-lu--a285115.html