Phố cổ là địa chỉ tham quan đầu tiên của du khách thập phương khi tới Hà Nội. Họ tò mò về nét đẹp xưa cũ của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, ẩn đằng sau nét ồn ào, náo nhiệt của các cửa hàng kinh doanh mọc san sát là những con ngõ siêu nhỏ, tối tăm.
Đó là những con ngõ nhỏ sâu hun hút, chỉ đúng một người đi. Bước vào mỗi con ngõ nhỏ như bước vào một con đường hầm, mò mẫm mãi mà không thấy ánh mặt trời.
Đặc biệt, ở phố Hàng Buồm, những con ngõ sâu, chật hẹp cứ xuất hiện xen kẽ. Cách một nhà mặt tiền lớn lại tới một con ngõ. Chiều ngang đoạn hẹp nhất gần 50-60 cm.
Phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm – nơi đây được nhiều người biết đến với những con ngõ siêu nhỏ khi chiều rộng của chúng chưa đầy 50 cm. Vượt qua “đường hầm” tăm tối này là những căn nhà ẩn nấp phía sau.
Những con ngõ nhỏ này hình thành hàng trăm trăm nay. Người Hà Nội cũng đã quen với nếp sống sinh hoạt chật chội này. Các hộ cùng tận hưởng chung không gian sống, bếp ăn tập thể. Cánh cửa nhà nào nhà nấy san sát nhau. Ít ai có thể ngờ được trong con ngõ tưởng chừng bé hẹp ấy lại có những con người chấp nhận sống chung với bóng tối, với ẩm ướt.
Đây là căn nhà số 34, ngõ Phất Lộc, theo người dân sống ở đây cho biết, căn nhà thuộc xí nghiệp Hoàn Kiếm được coi là cũ kỹ, xập xệ nhất phường Hàng Buồm.
Bà Nguyễn Thị Tuân sinh sống trong căn nhà 12m2 ở số 32, Phất Lộc (P. Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng ngót nghét 40 năm. “Tôi sống ở đây từ ngày về làm dâu. Căn nhà này mẹ chồng tôi thuê của Nhà nước, chỉ có 12m2 mà đến 4 thế hệ sinh sống..."
"Bây giờ nhà cũng đã xuống cấp đi nhiều, tường bong, ẩm thấp, những lúc mưa to gió lớn, nhà bị dột nước, các cánh cửa sổ bị gió đánh tơi tả”, bà Tuân cho biết.
Chồng mất hơn 10 năm, một mình bà Tuân chăm sóc cho cả gia đình. Bà chia sẻ: “Không có tiền thuê nhà mới, chứ điều kiện sống như này cũng quá khổ lắm rồi, chỉ mong có chính sách giãn dân để cả nhà đến nơi ở mới”. Bởi căn nhà quá bé nên tận dụng diện tích kế bên không ai thuê, bà Tuân nhờ người cơi nới ra thêm để lấy chỗ thờ cúng, thêm không gian sinh hoạt cho gia đình.
Chịu chung hoàn cảnh ở căn nhà 34, Phất Lộc, còn rất nhiều người thuê nhà sinh sống. Bà Triệu Tiểu Hoa (77 tuổi) chia sẻ: “Tôi ở nhà này cũng được 70 năm rồi. Giờ đến đời con cái cũng sinh sống trong căn nhà này”.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà Hoa đều mò mẫm dò đường trong “căn hầm” tối tăm đi lên đi xuống nấu cơm ở bếp tập thể tầng 1. Đi qua hơn nửa đời người, với bà Hoa cuộc sống như vậy là “đủ rồi, chẳng muốn thay đổi nữa”.
Đây là căn nhà của bà Nguyễn Thị Tý (85 tuổi) ở số 96 Hàng Buồm. Căn nhà chỉ vọn vẻn có 9m2, ở dưới là bếp, nhà vệ sinh, ở trên là gác xép để bà ngủ nghỉ.
“Tôi sống ở đây từ năm 1957, ngày trước cả gia đình 7 người đều sống ở đây. Sau này các con lập gia đình ra ở riêng, tôi sống ở đây 1 mình, thỉnh thoảng con cháu lại về qua nhà thăm mẹ”, bà Tý cho biết.
Theo quan sát, ở các khu vực ngõ này có nhiều nhà xuống cấp, thêm vào đó là hệ thống điện chằng chịt, nhà dạng hình ống không có lối thoát nạn, hệ thống báo cháy không được trang bị tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Theo thống kê tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng hơn 1.000 con ngõ, ngách nhỏ, nhỏ đến nỗi chỉ vừa một người đi lọt. Thậm chí có những con ngõ mà người đi qua phải lom khom, luồn lách trông rất khổ sở nhưng lại là chuyện thường tình của người dân phố cổ.
Sống chật chội, tối tăm là vậy nhưng nhiều người vẫn chấp nhận và hài lòng bởi dường như đây đã trở thành thói quen, thành nét đặc trưng văn hóa của khu phố cổ Hà Nội./.
Nguyễn Hà/VOV.VN