Ngọt ngào bánh ít lá gai
Tôi là người Quảng Trị, mỗi lần có ai hỏi, điều gì khiến bạn nhớ về quê hương mình, tôi chẳng trả lời dứt khoát được bởi vì nơi ấy dan díu với tôi cả một trời kỷ niệm. Đó là những ngày 'vác tuổi thơ qua những cánh đồng', đó là ký ức về dòng sông đã làm nên 'thương hiệu' quê hương: 'Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm'. Đó là dãy đất miền Trung cong như đòn gánh của mẹ với những phiên chợ nghèo, là làng nghề bánh ít lá gai ở thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong với câu ca gần gũi mà biết mấy thân thương: 'Muốn ăn bánh ít lá gai. Lấy chồng Quảng Trị sợ dài đường đi'.
Mỗi lần về thăm nhà, thăm quê, bạn bè tôi cứ trêu: về ngoài đó nhớ mang vô đây chút gió Lào, cát trắng làm quà nhé! Ừ, nghĩ cũng phải, chỉ câu nói đùa thôi nhưng cũng khắc họa cho người nghe biết bao xúc cảm xốn xang về một miền quê khô, khó, khổ. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, bây giờ đã khác rồi. Hôm nay, ngoài “đặc sản” gió Lào và cát trắng, quê tôi còn có cả bánh ít lá gai đấy thôi. Không nghiễm nhiên mà loại bánh này đã đi vào câu ca mà nhiều người dân ở làng tôi thuộc nằm lòng: “Muốn ăn bánh ít lá gai. Lấy chồng Quảng Trị sợ dài đường đi”. Mỗi lần tôi đọc câu ca này, có người bạn, quê Bình Định lại bảo, ông đọc vậy là sai, câu này chính xác phải là: “Muốn ăn bánh ít lá gai. Lấy chồng Bình Định, sợ dài đường đi”. Thế nhưng, có người ở xứ Nghệ thì “giành” cái nghề này về cho quê hương, bản quán của mình, họ bảo rằng, chính xác câu này phải là: “...Lấy chồng xứ Nghệ sợ dài đường đi”. Tôi không cãi nhau với bạn, cũng chẳng bàn luận làm gì gay gắt. Với tôi, Quảng Trị, Bình Định, hay xứ Nghệ cũng vậy thôi, cũng là một tên gọi, một địa phương nằm trên dãy đất hình chữ S, là một địa danh mà ai cũng trân quý. Bình Định hay Quảng Trị, Nghệ An cũng là những tỉnh duyên hải miền Trung đầy nắng gió. Nơi ấy có những con người cần lao, họ chăm lam, chăm làm. Họ cần mẫn với công việc và họ yêu cái nghề mình nhiều lắm. Ngoài ra, với tôi, bánh ít lá gai còn là cái nghề mà mẹ đã gánh hộ, vá víu giấc mơ của tôi trên giảng đường đại học. Với tôi, đó là nghề gia truyền mà mẹ đã truyền cho con, chị truyền cho em và bản thân tôi nhớ mãi cái nghề gia truyền ấy bởi mình đã là một phần của cái nghề không thể lãng quên...
Tháng Bảy, gió không kéo mây về nên trời miền Trung cứ nắng như rang. Vậy mà giữa trưa nắng ấy, mẹ tôi vẫn oằn lưng hái lá gai về làm bánh. Thời điểm này, bánh ít lá gai quê tôi được thị trường đón nhận nhiều hơn vì người dân thường mua bánh về cúng tổ tiên dịp rằm tháng Bảy. Để làm nên chiếc bánh gai phải trải qua nhiều công đoạn lắm, nếu kể chi tiết, không khéo cả ngày dài cũng không hết chuyện. Cây lá gai dễ trồng, nếu vườn nhà ai rộng thì tự trồng, còn nhà ai không có vườn rộng thì phải đi lên rú, rừng mà bứt về làm bánh. Nếu nhiều quá thì nhặt lá phơi khô, để dành những ngày sau. Lá gai hái vào rửa sạch, luộc kỹ rồi cho vào cối đá tổ ong giã thật nhuyễn. Gạo nếp đã ngâm nước, vo, rửa sạch từ hôm trước, sau đó xay thành bột mịn. Sau khi chuẩn bị bột nếp và lá gai thì cần cho thêm đường trộn đều với nhau rồi cho vào cối giã, khâu này ngoài quê tôi gọi là lèn bột. Có thể nói, đây là công đoạn mà tôi sợ nhất, bởi phải giã liên tục, giã cho đến khi nào hỗn hợp bột và lá gai đen bóng mới thôi. Công đoạn này quyết định chiếc bánh gai có thể bảo quản được lâu hay không. Sau khi hoàn thành công đoạn về lèn bột thì chuyển sang làm nhân của bánh ít. Nhân bánh ít làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, pha đường và dầu chuối. Màu vàng của đậu xanh, hương thơm của dầu chuối và vị ngọt của đường cát đã làm cho bất cứ ai cũng phải thèm thuồng khi bất chợt nhìn thấy.
Bột bánh sau khi giã xong thì chia ra từng mẫu nhỏ, cắt chiếc bao ni lông sạch, cỡ lớn, gấp đôi lại, bỏ vào đó khoảng 20 mẫu nhỏ rồi dùng chai thủy tinh cán ra thành lớp mỏng. Sau khi cán bột xong thì cho hỗn hợp nhân vào giữa và vo tròn thành từng mẫu, sau đó tráng dầu ăn lên bề mặt ngoài của bánh và bắt đầu gói. Bánh ít thường được gói bằng lá chuối ở vườn nhà. Thường thì một chiếc bánh ít được gói bởi hai lớp lá, bên ngoài là lớp lá áo được vanh tròn, bên trong là lá độn có tác dụng làm cho bánh không bị hóp, tạo được nét thẩm mỹ. Bánh ít lá gai ở quê tôi được gói theo mô hình nhà 4 mái, gọi là nhà bánh ít, kiểu nhà này tuy nhỏ nhưng rất kiên cố và chắc chắn, phù hợp với vùng quê thường xuyên bị mưa, bão. Gói bánh xong thì nấu bánh hay còn gọi là hấp bánh. Phương pháp hấp bánh này giống như phương pháp chưng cách thủy. Bánh được cho vào nồi, dưới đáy nồi đổ nước, bỏ vào 3 cái chén, phía trên chén là một cái liếp đan bằng tre vừa khít với nồi, bánh nằm ở phía trên liếp tre. Đun lửa và chờ đến khi nào lá bên ngoài của bánh chuyển sang màu vàng sẫm thì vớt ra.
Người làng tôi thường bảo “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, điều này xét ở khía cạnh, góc độ nào đó về ngữ nghĩa là đúng và có thật. Làng trên, xóm dưới hầu như ai cũng biết làm bánh ít lá gai, trong một xóm nhỏ cũng có đến 10 gia đình làm bánh. Họ làm bánh không chỉ để lo cho những đứa con vì mặc cảm về sự khốn khó của gia cảnh mà đánh rơi giấc mơ trên giảng đường đại học; họ làm bánh để mong có cuộc sống đủ đầy với cơm ăn ngày ba bữa, lửa đỏ ngày ba lần. Thời vụ có, chuyên nghiệp có, đặc biệt là vào dịp lễ, tết, mỗi nhà có thể làm đến vài ngàn cái/ngày. Có những gia đình vào dịp tết phải thuê thêm người để làm bánh. Những gia đình đã làm nên thương hiệu bánh ít lá gai ở quê tôi phải nhắc đến là chị Thủy-anh Viên, anh Tuyến - chị Sáu, chị Cúc - anh Hồng, anh Trọng Nhân, chị Liên - anh Tuấn, thời vụ còn có chị Lài - anh Minh, chị Ấn - anh Khương… Bánh ít quê tôi được bán theo đơn đặt hàng, bán ở chợ quê, chợ phố. Bánh ít thường được dùng để thờ cúng tổ tiên, làm quà biếu cho người thân. Mùi thơm của nhân, vị ngọt của bột hòa đường và vị béo của dừa đã khiến người thưởng thức phải nặng lòng.
Mùa hè về với miền Trung, về với quê hương Quảng Trị để nghe sợi nắng chạy dài trên bờ vai của mẹ cùng bà con chòm xóm thân thương. Giã từ phố thị để tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tìm về ngôi làng Đại Hào với nghề bánh ít lá gai sao mà thân thương quá đổi. Tuy chưa phải là giàu có nhưng chẳng hiểu vì sao nghề làm bánh ít lá gai đã vận vào người dân quê tôi như một mối lương duyên tiền định khó tách rời. Cái vị ngọt ngào không chỉ có từ bánh ít lá gai mà đó còn là thứ tình cảm nồng nàn và tròn trịa của người quê dành cho cái nghề mà họ gắn bó. Phải chăng đó là sự “tử tế”, chút ân tình mà người làng tôi trao gửi cho nghề làm bánh trên quê hương mình.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202208/ngot-ngao-banh-it-la-gai-3131705/