Ngọt ngào cà đắng

Với đồng bào Tây Nguyên, cà đắng đã trở thành món ăn thường nhật mang dư vị luyến nhớ mà hễ ai một lần thưởng thức lại khó thể quên.

Đồng bào miền núi phía Bắc nước ta rất ưa món măng đắng. Đó là đặc sản, xào với thịt gà vừa giòn thơm lại hơi nhân nhẩn đắng, rất ngon và hấp dẫn.

Người xứ Nghệ có loại rau rừng là lá lằng đắng. Vị đắng thanh ấy ngon miệng ăn vào như nghiện và lại rất bổ dưỡng. Lá lằng phổ biến là thái nhỏ phơi khô nấu canh cà chua, loại quả nhỏ tròn vo như đầu ngón tay gọi là cà kiu (hay cà chua bi) với tép đồng. Có khi nấu cả với rong biển. Canh ấy rất hợp với mùa hè nóng nực của xứ gió Lào. Lá lằng còn có thể làm gỏi lá, ăn cặp với cá biển hấp… ngon và nhiều dư vị.

Người phía Nam có món khổ qua. Khổ qua cắt khúc nhồi thịt nấu canh, khổ qua thái mỏng xào trứng, khổ qua ăn sống với dăm bông… đều rất dễ dùng dù quen hay lạ.

Dân sông nước miền Tây Nam Bộ có loại rau đắng, hạp với các loại lẩu cá mắm. Nhúng tái ăn vừa dai vừa giòn, lại đắng nhân nhẩn thật khoái khẩu.

Tuy nhiên, nếu so sánh với món cà đắng của xứ đồi rừng nắng gió Tây Nguyên thì chẳng thấm tháp gì.

Đó là loài cây mọc gần như hoang dã, ít được chăm sóc. Cây cà đắng mọc vươn, tỏa lòa xòa trên mặt đất. Thân cây thường có những gai nhỏ. Quả hầu như ra quanh năm.

Món gỏi cà đắng cá khô. Ảnh: Thúy Diễm

Món gỏi cà đắng cá khô. Ảnh: Thúy Diễm

Có 2 loại cà đắng.

Loại cà đắng quả to, giống như cà độc dược nhưng dài bầu, từ núm quả tỏa ra những sọc xanh lá cây trên nền trắng. Người Jrai gọi loại cà này là Krong phí. Khác với cà pháo, cà bát, cà dừa, cà tím… cà đắng có 2 điểm đặc biệt là vị rất đắng và nấu lên miếng cà mềm dẻo nhuyễn như bột.

Loại cà đắng quả nhỏ tầm đầu đũa, giống như quả cà lù mọc hoang vùng đồng bằng. Người Jrai gọi là Krong phét. Quả cà này thường hái xanh, ăn sống hoặc nấu chín. Đây là thứ cà cho vị đắng rất đậm đà, đắng hơn loại cà quả lớn Krong phí.

Thường trong các món nấu, cà đắng quả lớn được chẻ tư, lẫn với loại cà đắng quả nhỏ để vừa có độ nhuyễn, vừa đậm vị đắng.

Món cà đắng thường nấu kèm với đọt đu đủ, quả Boh pang (quả cứt quạ) giã nhỏ. Boh pang là quả giống quả khổ qua rừng, cũng cho vị đắng thanh, cây cũng là loại dây leo, nhưng lá tròn như lá bát bát, không có khứa phân thùy, quả trơn không gồ ghề, chỉ hằn lên những gờ như quả dành dành, hạt nhỏ. Boh pang vừa là rau, vừa là vị thuốc của núi rừng Tây Nguyên.

Quả cà đắng thường xào hay nấu sền sệt với cá cơm hoặc thịt bò, thịt heo. Đó là một món nhậu vừa bình dân lại vừa hấp dẫn luyến khách của người Tây Nguyên. Cảm như ăn một lần là nhớ! Có người từng sống ở đất Tây Nguyên, từng ăn cà đắng, khi xa rồi cứ bồi hồi nhớ mãi. Người Tây Nguyên quý bạn bè xa, có dịp thì cũng lại gửi tặng quà bằng những trái cà đắng.

Ngày nay, cây cà đắng đã được người dân đưa về nhà trồng, trở thành hàng hóa bán ở các chợ. Nhưng so với thứ cà đắng mọc dại ngoài rừng thì vị đắng của cây trồng ở nhà không thể nào bằng. Với cao nguyên đất đỏ bazan, cà đắng-thứ cỏ cây mọc dại mà gắn bó biết bao, ngọt ngào biết bao!

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202107/ngot-ngao-ca-dang-5743878/