Ngọt ngào thốt nốt

Đường thốt nốt từ lâu đã là đặc sản không chỉ với người dân trong vùng mà còn với nhiều địa phương khác.

Ngọc Linh thân,

Ngọc Linh thân,

Hôm trước, Bình về thăm có ghé qua nhà, mình có gửi cho bạn ít đường thốt nốt để nấu chè, món ăn quen thuộc của quê hương nhưng chắc sẽ là xa xỉ ở nước Mỹ xa xôi đấy. Mấy tháng trước, người dân ở vùng Bảy Núi quê mình rộ mùa thu hoạch thốt nốt. Người người, nhà nhà rủ nhau trèo cây hái trái, hứng nước nấu đường. Vẫn biết nghề này không kiếm được nhiều tiền nhưng nó như là một phần cuộc sống của những người dân quê mình, để rồi cữ độ vào mùa, mọi người lại tất bật với nghề…

Cậu biết không, nghề này vừa dễ cũng lại vừa khó. Bởi dễ là vì có nguồn nguyên liệu sẵn có. Còn khó là phải bám trụ kiếm sống bằng nghề cheo leo trên cây giữa cái nắng chói chang phó mặc sự sống cho số mệnh may rủi. Mỗi ngày, người hái thốt nốt sẽ trèo cây từ 1 đến 2 lần để hứng nước. Để lấy được nước, người thợ phải làm thanh tre thủ công đóng vào thân cây thốt nốt để làm chỗ bám leo lên xuống. Sau đó, dùng kẹp tre ép hoa thốt nốt để tạo nước và chờ từng giọt nước từ hoa tích tụ chảy xuống các ống, ca nhựa được hứng sẵn…

Đường thốt nốt từ lâu đã là đặc sản không chỉ với người dân trong vùng mà còn với nhiều địa phương khác. Ở quê mình người ta đắp lò đất, đặt chảo to rồi đổ nước thốt nốt vào nấu. Đường nấu xong đổ vào khuôn bằng ống tre, vài giờ sau đường đặc quánh. Trút ra, cắt khoanh, dùng lá thốt nốt gói bên ngoài như gói bánh tét. Hôm nào nhận được đường và thưởng thức nó, cậu sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào chắt chiu từ đồng đất quê hương, mình tin là vậy.

Bạn biết không, khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Những gia đình ở đây theo nghề nấu đường thốt nốt vẫn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống nhưng mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 7.000 tấn đường mang tính túy của đất trời miền biên viễn của tổ quốc. Ngoài đường tán và đường chảy, ở đây bà con còn chế biến đường gói lá cặp, đường gói lá lớn và đường bịch. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì đường thốt nốt vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng, xứng đáng là đặc sản của vùng Bảy Núi.

Nếu có dịp về thăm quê, mình sẽ dẫn Linh đến vùng biên giới của hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của An Giang, để bạn có thể ngắm những hàng cây thốt nốt cao vút ngả xuống cánh đồng lúa vàng rực một vùng biên viễn no ấm, trù phú. Có lẽ dù đi đâu, làm gì thì hình ảnh ấy vẫn đong đầy trong ký ức mình...

Hồng Lam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kieu-bao/ngot-ngao-thot-not-tintuc420501