Ngột ngạt xóm Triền

'Chuồng heo, chuồng gà giáp dòng hôi thối, chúng tôi không muốn có thêm trang trại nào ở đây'- bà Mai nhìn khoảng không gian nắng như đổ lửa trước nhà nói với tôi như thế trong khát khao môi trường sống trong lành.

Ngột ngạt xóm Triền

Thôn xa

Tôi có mặt tại thôn 7 (người dân quen gọi là xóm Triền) của xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc giữa cái nắng cháy của tháng 3. Cả thôn 7 có gần 400 hộ dân, giáp ranh 3 xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết), Hồng Phong (huyện Bắc Bình) và Hồng Sơn cùng huyện. Dù cách TP.Phan Thiết không xa so với các thôn, xã, phường khác trên địa bàn tỉnh, nhưng tôi có cảm giác rất xa vì mù đường. Tôi hỏi một chị bán quán ăn bên đường, chị khoát tay nói: “Thôn ấy ở tuốt trong triền ấy, cách đây còn xa lắm!”. Tôi tiếp tục đi và rẽ vào đường ĐT 715, chạy một đoạn, đập vào tai tôi là tiếng máy nghiền, máy xúc của các công ty khai thác đá núi Tà Zôn vang lên, cộng với khói bụi bay mù giữa nắng trưa, ngột ngạt, inh tai. Tôi đảo mắt tiếp tục tìm người trợ giúp. Một chị trung niên nhiệt tình hướng dẫn: “Em đi nữa, qua nghĩa địa mới tới thôn, chị cũng mới ở đó về”. “Dạ! bụi bặm có ảnh hưởng gia đình mình không?”, tôi dài chuyện. Chị bảo: “Biết làm sao, ở đây ai sống được thì sống còn không thì chuyển đi nơi khác”.

Một góc thôn

Câu nói bi quan của người phụ nữ ấy thôi thúc tôi tìm đến thôn 7 hơn. Tới lui một hồi rồi cũng tìm ra. Thôn 7 ấy nằm thu mình dưới những chân đồi cát có nguồn nước nhỉ mát lạnh, chảy róc rách quanh năm. Trong khi nhiều trang trại chăn nuôi như Phương Anh, Trà My, Làng Việt có tên tuổi và không tên của các hộ gia đình nằm trên đồi cao. Toàn cảnh là bức tranh quê đẹp. Trương Thanh Toàn – Trưởng thôn khá trẻ giới thiệu về thôn 7: “Ở đây xa “mặt trời”, nghĩa là xa trung tâm xã so với các thôn khác, được cái nước quanh năm không bao giờ thiếu. Người dân chủ yếu trồng cây hoa màu. Cách đây khoảng gần 10 năm về trước, không khí ở đây trong lành lắm, không ô nhiễm như bây giờ đâu chị”.

Mối lo âu

Ngồi sau xe Toàn, tôi nghĩ nhiều về tiềm năng phát triển kinh tế của thôn nhỏ bé này, nghĩ cả về anh chàng trưởng thôn trẻ bỏ cả bữa cơm trưa chở tôi đi khắp thôn. Băng qua những dốc đồi cao, hai bên là những ruộng thanh long, vườn dừa... đương thời phát triển mạnh, tăng vẻ trù phú. Thỉnh thoảng Toàn cho xe đi chậm lại nói nhiều chuyện, trong đó có lo ngại cứ như rất khó nói hay sao ấy. Cuối cùng, Toàn nói: “Em đang trăn trở một chuyện, chuyện ô nhiễm không khí trong thôn ý, liên quan đến các trang trại heo, gà. Hiện nay lại tiếp tục xuất hiện thêm 1 trang trại nuôi gà nữa. Mấy bận hỏi ý kiến người dân. Người dân đều không đồng tình, vì nhiều năm qua đã hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí từ các trang trại heo, gà, giờ lại thêm trang trại nữa thì e rằng không ổn cho môi trường sống. Cứ như đã đẩy sự chịu đựng lên đến tận cùng ấy, Toàn ví von, khi nhớ đến phản ứng của mấy chục hộ dân hôm lấy ý kiến với chung lý do. Rằng 3 phía của thôn đều có trang trại chăn nuôi. Hướng tây bắc có trang trại heo Làng Việt, tây nam là các trang trại gà, chỉ còn hướng đông là không có. Nhưng nay cho phép Công ty TNHH trang trại Thái Bình xây dựng ở hướng đông bắc nữa thì kể như thôn nằm giữa, lãnh đủ mùi hôi”.

Cổng vào một trong những trang trại chăn nuôi quanh thôn

Xe chúng tôi dừng lại khu đất rộng khoảng 10 ha đang xây vòng thành như thể để giữ đất tránh tranh chấp giữa các hộ xung quanh của công ty trên. Toàn hỏi tôi rồi tự trả lời luôn: “Chị biết vì sao người dân kiên quyết không đồng ý trang trại này không? Vì nó nằm đúng hướng gió thổi vào thôn. Trong khi, cả thôn vốn đang hứng chịu mùi phân heo, mùi gà chết tiêu hủy, từ trên cao phủ xuống bủa vây. Em cũng đã kiến nghị với ngành chức năng về nguyện vọng của người dân”.

Giữa cái nắng gắt, một cơn gió thoảng qua mang theo mùi hôi nồng nặc, tôi nhìn Toàn mà cảm thông. Thôn 7 nằm trên hướng đầu gió còn thế, nên hiểu hơn nỗi lòng của người dân ở thôn 1, xã Hồng Sơn, nơi ở cuối hướng gió. Nhớ một lần về thôn 1, xã Hồng Sơn, nơi giáp ranh thôn 7 cách đây 2 năm, để ghi nhận ý kiến người dân về tình trạng mùi hôi từ trang trại heo Làng Việt, tôi muốn rời đi nhanh vì mùi hôi không thể chịu nổi. Cho đến giờ nhắc đến trang trại heo, nghĩ về mùi hôi ấy vẫn còn ám ảnh.

Bảo vệ môi trường sống

Rời thôn 7 trở về điểm xuất phát khi cơn đói bắt đầu bằng bụng sôi kêu réo, tôi thèm thịt gà nướng, thịt heo quay, rồi lại nghĩ đến những trăn trở người dân thôn 7. Cũng thật khó khi muốn có thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu sống thì phải chăn nuôi. Nhưng nếu gây ra ô nhiễm môi trường như thế này làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân thì cũng không nên. Cái chính là vẫn chăn nuôi nhưng bảo đảm môi trường sống, xuất phát từ quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của người dân ở vùng xung quanh thì hay biết bao. Khi ấy có xây bao nhiêu trang trại chăn nuôi cũng được.

Suy nghĩ ấy của tôi cũng đồng điệu với Chủ tịch UBND xã Hàm Đức Võ Xuân Cần, ông chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn các công ty, xí nghiệp, dự án lớn về đầu tư trên địa bàn xã, nhưng cũng phải làm sao đảm bảo cuộc sống cho người dân. Thôn 7 đang chịu ảnh hưởng không chỉ từ mùi phân heo, mùi gà dịch bệnh chết tiêu hủy mà còn cả mùi thuốc trừ sâu từ hoa màu... Môi trường sống ở đây đang xuống cấp cần được quan tâm bảo vệ”.

Thôn 7, đất rộng, người thưa, từ chỗ là thế mạnh, những năm qua khi các trang trại chăn nuôi vào kinh doanh đã gây ô nhiễm môi trường khiến thành điểm yếu. Ông Nguyễn Khắc Hiếu – Phó Phòng Tài nguyên Môi trường Hàm Thuận Bắc thừa nhận những năm qua tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi gây ảnh hưởng cuộc sống người dân không chỉ ở đây mà cả chỗ khác của xã Hàm Đức. Và ngay cả hiện tại, ở xã cũng đang lo ngại chuyện trang trại Thái Bình đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư chăn nuôi heo năm 2017, cuối năm 2020 đã xin điều chỉnh hồ sơ từ chăn nuôi heo sang chăn nuôi gà và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ. Câu chuyện cứ như không có hồi kết, mong sao ý kiến người dân ở đây được đề đạt có kết quả như lời ông Hiếu nói: “Việc người dân không muốn có thêm trang trại trong thôn, nếu nhận được thông tin phản ánh của người dân, huyện sẽ tiến hành kiểm tra xác minh, báo cáo UBND tỉnh giải quyết theo quy định”.

Theo Văn bản 4228 của UBND tỉnh về việc xét đề nghị điều chỉnh dự án trang trại chăn nuôi heo sang nuôi gà của Công ty Thái Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai có ý kiến, trong đó yêu cầu công ty có trách nhiệm lập hồ sơ điều chỉnh dự án trong thời gian 6 tháng, có văn bản cam kết tiến độ triển khai dự án. Trường hợp hồ sơ dự án không đảm bảo yêu cầu về môi trường, đất đai theo quy định và không đủ điều kiện để UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư thì công ty phải chịu mọi chi phí về lập hồ sơ dự án...

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/ngot-ngat-xom-trien-135983.html