Ngư dân an tâm bám biển ở Trường Sa
Lực lượng Hải quân Việt Nam cùng các chiến sĩ tại đảo Trường Sa đã thực hiện rất nhiều hoạt động như thế để hỗ trợ cho ngư dân bám biển.
Ngoài nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc ở Trường Sa, các chiến sĩ, lực lượng hải quân của ta ở các đảo còn là chỗ dựa vững chắc để ngư dân an tâm, vươn khơi bám biển.
Một chiều tháng 5, hàng trăm tàu cá của ngư dân đang cập, neo lại âu tàu Trường Sa. Người xếp lưới, người đang xem lại máy móc, người thì tản bộ, chơi bóng... Bóng chiều đổ xuống, tiếng người cười nói rôm rả, người bên tàu này với qua tàu khác hỏi "tối nay các anh tính ăn gì?"...
Từng âu tàu là động lực để bám biển
Không khí rộn ràng, tấp nập tàu cá đó không phải ở một cảng cá trong đất liền mà ngay trên đảo Trường Sa.
"Vào đây thấy nhiều tàu thuyền của ngư dân đánh bắt cá, có chỗ nghỉ ngơi như thế này tự nhiên thấy lòng an tâm hơn nhiều. Ít nhất họ không cảm thấy bơ vơ" - một đại biểu trong đoàn công tác số 16 từ đất liền ra thăm Trường Sa chiều hôm đó chia sẻ.
Thiếu tá Trần Cộng Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ hậu cần - kĩ thuật âu tàu đảo Trường Sa, Hải đoàn 129, Bộ Tư lệnh hải quân cho biết âu tàu Trường Sa được đưa vào sử dụng hồi tháng 1-2019.
Đây là một trong bốn trung tâm dịch vụ âu tàu trên đảo Trường Sa nhằm giúp đỡ chủ yếu cho bà con ngư dân đánh bắt trên biển khi gặp sự cố.
Âu tàu tại đảo Trường Sa có diện tích tương đối lớn. Trung tâm dịch vụ hậu cần - kĩ thuật tại đây được trang bị nhà máy, xưởng sửa chữa, có máy móc chuyên dụng, đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân.
Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ngư dân đã biết vị trí của các âu tàu, làng chài nên vào ngày càng đông. Riêng trong năm 2023 đến bốn tháng đầu năm 2024, đã có 10.000 lượt tàu cá cập vào âu tàu Trường Sa.
Ngư dân Nguyễn Quang Thanh, Bình Định vừa xếp lại mấy tấm lưới lên thuyền vừa nói: "Hai ngày trước tàu của tôi gặp sự cố kĩ thuật nên phải tấp vào âu tàu nhờ hỗ trợ.
Nhờ có âu tàu này mà anh em tàu thuyền chúng tôi đỡ nhiều cái lắm. Hết dầu, hết nước ngọt hay sóng to gió lớn đều vào đây để trú, được các chiến sĩ hỗ trợ nên rất an tâm. Cái tàu này vừa trục trặc máy móc, tôi vào đây thì anh em hải quân, cán bộ giúp sửa chữa ngay luôn" - ông Thanh nói.
Tàu cá của ông Thanh thường đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 20-30 ngày. Ông Thanh cho biết giờ có đi 2-3 tháng cũng không lo gì vì hết nhiên liệu, thực phẩm, mì tôm hay ốm đau gì cũng có nơi tiếp tế.
"Đây thực sự là một động lực để ngư dân chúng tôi an tâm bám biển. Mong nhà nước sẽ tính toán để có thêm nhiều âu tàu như vậy để tàu bè ngư dân có nơi an toàn trú, tránh bão" - ngư dân Nguyễn Quang Thanh cho hay.
Cùng cảm nhận, ông Tuấn, một ngư dân tại tỉnh Ninh Thuận nói ngoài các giá trị về mặt vật chất như thuốc men, nước ngọt, hay được hỗ trợ nhiên liệu thì với ông, giá trị lớn nhất là về mặt tinh thần.
"Âu tàu này giúp chúng tôi vững tin hơn nhiều lắm. Chúng tôi có thể tấp vào nghỉ ngơi sau chuyến đi dài ngày, có không gian cho anh em đi lui đi tới. Với chúng tôi thì biển cũng là nhà rồi, nhưng có nơi để anh em ngư dân cùng chuyện trò, đêm xuống không phải một mình một tàu trên biển là vui lắm" - ông Tuấn nói.
Điểm tựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ
Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho biết bất kì ngư dân nào khi vào âu tàu gặp sự cố đều được hỗ trợ miễn phí. Ngư dân sẽ được sửa chữa tàu thuyền miễn phí khi có sự cố, cấp nước ngọt miễn phí, được cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, cung ứng nhiên liệu... Việc này đã được anh em chiến sĩ, lực lượng hải quân tại các đảo thuộc Trường sa thực hiện trong nhiều năm qua.
“Đó đều là những việc thiết thực nhất để hỗ trợ bà con ngư dân mình. Âu tàu cũng là nơi để bà con tránh, trú bão nên bà con ngư dân cứ an tâm là cán bộ nhân viên trung tâm cũng như các lực lượng trên đảo sẽ hỗ trợ hết mình" - Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho hay.
Trong năm 2023, các cán bộ, chiến sĩ hải quân tại âu tàu Trường Sa sửa chữa thành công 36 tàu cá. Trong bốn tháng đầu năm 2024, họ đã giúp ngư dân sửa chữa 12 tàu.
“Có những tàu bị rất nặng, có nguy cơ lớn thì phải kéo về đất liền. Nếu vậy sẽ rất tốn chi phí của ngư dân. Nhưng khi họ đưa về âu tàu này, đội ngũ kĩ sư đến sửa chữa thì sẽ giảm hao tổn chi phí cho người dân rất nhiều” - Thiếu tá Trần Cộng Hòa thông tin.
Trường hợp có bão xảy ra, Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho biết trung tâm sẽ phối hợp với lực lượng biên phòng và các lực lượng của đảo phát đi thông báo để bà con vào lưu trú, neo đậu tại các làng chài, âu tàu. Hiện nay, mỗi làng chài có thể chứa 500 bà con ngư dân với nhà cửa, bếp ăn…
Thông tin thêm, Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng tại đảo Trường Sa cho biết trong nhiều năm qua, âu tàu tại đảo luôn chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Năm 2023 và hết quý I- 2024, đảo đã khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.000 lượt quân và dân, cấp cứu 98 ca, phẫu thuật 168 ca, phối hợp với âu tàu giúp đỡ ngư dân tránh trú bão, hỗ trợ nước ngọt, cung cấp nhiên liệu theo giá đất liền , sửa chữa tàu hỏng hóc…
Cụ thể, đảo đã hỗ trợ 500kg gạo; 80 thùng mì tôm, mì phở; 1.275 kg rau các loại, cấp hơn 100 khối nước ngọt, tặng 2.500 lá cờ Tổ quốc và 300 áo phao, kết hợp tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ cho 2.512 tàu cá.
Ngoài ra, Trung tâm y tế tại đảo cũng làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị cho các lực lượng trên đảo và tham gia khám, cấp thuốc miễn phí, cấp cứu ngư dân.
Không chỉ tại Trường Sa, các chiến sĩ ở nhiều đảo khác cũng đang ngày đêm làm nhiệm vụ, trở thành điểm đến đáng tin cậy cho ngư dân.
Thiếu tá Phạm Quốc Phương, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây B, cho biết trong năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024 đã thực hiện cứu chữa, điều trị cho 15 lượt ngư dân, hỗ trợ hơn 100kg lương thực, thực phẩm các loại với trị giá gần 6 triệu đồng. Còn tại Đảo Đá đông C, các chiến sĩ đã khám chữa bệnh, cấp thuốc cho 23 lượt ngư dân, trị giá hơn 4 triệu đồng.
Quân và dân cùng nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU
Trong nhiều năm qua, lực lượng Hải quân Việt Nam đã thực hiện rất nhiều hoạt động như thế để hỗ trợ cho ngư dân bám biển. Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển" với những việc làm thiết thực đã để lại những dấu ấn rất gần gũi với hàng trăm tàu cá đang đánh, bắt xa bờ.
Một tàu cá cập vào âu tàu, ngư dân đều nhận được sự hỏi thăm của các chiến sĩ, lực lượng hải quân ở các đảo. Không bỏ rơi bất cứ ngư dân nào trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các chiến sĩ ở tại các đảo, song song với nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Quan trọng hơn, thông qua các hỗ trợ thiết thực, lực lượng hải quân đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và giúp đỡ bà con ngư dân tham gia đánh bắt hải sản an toàn, bảo vệ cho ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển.
Qua đó, phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, từng bước tạo chuyển biến nhận thức cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, nhất là không xâm phạm, khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.
Trên hết, lực lượng hải quân, chiến sĩ, cán bộ tại các trung tâm dịch vụ hậu cần - kĩ thuật, các âu tàu tại các đảo đều chủ động tìm cách để tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn các nội dung trong Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU.
Trong sáu năm nhận nhiệm vụ tại âu tàu Trường Sa, Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho rằng việc tuyên truyền cho ngư dân không phải chỉ trong một sớm một chiều là được mà cần thời gian để ngư dân nhận thức sâu hơn, dần gỡ được cảnh báo về thẻ vàng IUU.
THANH TUYỀN
Nguồn PLO: https://plo.vn/ngu-dan-an-tam-bam-bien-o-truong-sa-post792593.html