Ngư dân Bình Định cứu hộ rùa biển loại nguy cấp bị dính câu, thả về đại dương

Ngày 14/12, Chi Cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định) cho biết, trong quá trình khai thác thủy sản, ngư dân của tỉnh đã cứu hộ cá thể rùa biển bị dính câu và thả về đại dương.

Theo đó, trong quá trình đi khai thác thủy sản, ngư dân Lê Văn Hội (SN 1991, ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu cá BĐ 97417 TS) phát hiện một cá thể rùa biển dài khoảng 0,7m, nặng khoảng 18kg bị dính câu.

Anh Hội cho biết, lúc đó thời tiết sóng to, gió lớn, trên tàu không có vợt để vớt rùa lên tàu.

Xác định không thể kéo rùa lên tàu vì có nguy cơ lưỡi câu sẽ vướng sâu vào cổ họng rùa, rùa sẽ bị thương nên anh Hội chỉ kéo rùa lại gần mạn tàu và tìm cách cắt đoạn dây câu gần miệng rùa nhất có thể. Ngay sau khi dây câu được cắt, rùa biển nhanh chóng bơi đi.

Rùa biển dính câu được ngư dân cứu hộ, thả về biển.

Rùa biển dính câu được ngư dân cứu hộ, thả về biển.

Qua hình ảnh ngư dân cung cấp, cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Định xác định đây là loài đồi mồi dứa, có tên khoa học là Lepidochelys olivacea, thuộc loài nguy cấp theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Theo Chi Cục thủy sản Bình Định, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 6 cá thể rùa biển (2 đồi mồi, 2 đồi mồi dứa và 2 vích) được ngư dân cứu hộ và thả về biển. Riêng anh Hội, đây là lần thứ 2 trong năm anh cùng các thuyền viên trên tàu đã cứu hộ thành công 2 cá thể đồi mồi dứa.

Anh Hội cũng là 1 trong 7 ngư dân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn rùa biển được Sở NN&PTNT Bình Định tặng giấy khen trong năm 2024.

Rùa biển dính câu được ngư dân cứu hộ, thả về biển. Clip: NDCC

Về cách xử lý tình huống khi phát hiện rùa biển bị mắc lưới câu, ngành thủy sản đã đưa ra hướng dẫn cụ thể. Đó là trong quá trình cứu hộ ban đầu, nếu rùa bé thì dùng vợt để đưa lên tàu. Tuyệt đối không kéo dây câu, không dùng lao có mấu (xiên cá) để kéo rùa lên, không túm vào hai chi trước hoặc hai hốc mặt của rùa.

Nếu là rùa lớn không đưa được lên tàu, thì cố gắng kéo rùa sát vào mạn tàu, tránh không để dây câu quá căng. Sau đó, tiến hành cắt dây câu càng gần sát miệng rùa càng tốt.

Trong quá trình gỡ lưỡi câu, nếu lưỡi câu mắc trong miệng rùa thì cố gắng tìm cách cắt ngạnh của lưỡi câu trước khi tháo toàn bộ lưỡi câu ra. Nếu rùa đã nuốt phải lưỡi câu phải cắt dây câu ngắn nhất có thể.

Nếu lưỡi câu mắc vào bên ngoài cơ thể của rùa thì tiến hành tháo lưỡi câu một cách nhẹ nhàng. Nếu tháo không thành công thì cắt dây câu ngắn nhất có thể.

Trương Định

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngu-dan-binh-dinh-cuu-ho-rua-bien-loai-nguy-cap-bi-dinh-cau-tha-ve-dai-duong-post1700662.tpo