Ngư dân Bình Định sẽ mang rác thải từ biển về bờ
Mục đích của mô hình mang rác thải từ biển về bờ là để khuyến khích ngư dân hạn chế xả rác thải nhựa xuống biển.
Cuối tháng 11-2023, 200 tàu cá của ngư dân Bình Định sẽ tham gia thí điểm mô hình thu gom rác thải rắn sinh hoạt trên biển. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tài trợ, giai đoạn 2022-2024 và UBND TP Quy Nhơn cùng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp triển khai.
Ngư dân ủng hộ
Tỉnh Bình Định hiện có 5.488 tàu cá chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó có 3.283 tàu cá hoạt động ở vùng khơi. Ngành nghề chủ yếu là câu cá ngừ đại dương, mành mực, lưới vây… phần lớn các tàu cá không có dụng cụ thu gom rác thải và không mang rác thải về bờ. Vì vậy, toàn bộ rác phát sinh trong quá trình hoạt động đều xả xuống biển.
Một cán bộ của Chi cục Thủy sản cho biết một năm trung bình mỗi tàu cá của ngư dân Bình Định thực hiện bảy chuyến đi biển. Một người dùng 15 chai nước. Như vậy, một tàu cá cần 50-100 chai nước/chuyến. Hiện tàu không trang bị thùng rác thu gom nên toàn bộ số vỏ chai sau khi sử dụng ngư dân đều xả xuống biển. “Dùng một phép tính đơn giản, với đội tàu hơn 3.000 chiếc sẽ có gần 300.000 chai nước “ở lại” trên biển sau một hành trình. Lượng rác thải nhựa theo đó nhân lên, phủ kín cả đại dương” - cán bộ này phân tích.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định (phụ trách cảng cá Quy Nhơn), bình quân một đợt khai thác cảng cá Quy Nhơn đón 400 lượt tàu cập bến mua bán sản phẩm. Do vậy, lượng rác thải phát sinh từ mua bán hải sản, bốc dỡ hàng hóa và phí tổn ra khơi là rất lớn. “Chúng tôi chỉ thu gom được rác ở khu vực bến, trên bờ, còn lại ngư dân đều xả thẳng xuống biển” - ông Dũng thông tin.
Là một chủ tàu cá ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, ông Phan Chín nói: “Lâu nay, chúng tôi biết việc xả rác xuống biển có nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, để hiểu cặn kẽ về mối nguy mà rác thải nhựa gây ảnh hưởng tới môi trường biển thì chúng tôi chưa tường tận. Qua buổi tuyên truyền của các cán bộ, chúng tôi hiểu và ủng hộ mô hình này”.
Mỗi tàu sẽ được trang bị một “sọt rác” là túi lưới thiết kế chuyên dụng, sổ tay hướng dẫn thu gom, phân loại rác tại nguồn.
Thí điểm để nhân rộng
Cuối tháng 11 này, tỉnh Bình Định triển khai thí điểm mô hình này cho 200 tàu cá của tỉnh. Theo đó, mỗi tàu sẽ được trang bị một “sọt rác” là túi lưới thiết kế chuyên dụng, sổ tay hướng dẫn thu gom, phân loại rác tại nguồn. Cảng cá Quy Nhơn cũng thành lập đội thu gom rác thải nhựa, vừa kiểm tra vừa thu mua rác của ngư dân.
Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết hiện đơn vị tập trung triển khai các thủ tục liên quan tới việc xây dựng điểm thu gom rác, lực lượng kiểm tra, thu mua rác thải của ngư dân. Theo kế hoạch, tháng 12 tới, cảng cá Quy Nhơn tổ chức thu mua cho các tàu cá trong mô hình thí điểm.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, giai đoạn đầu các tàu cá thí điểm là để khuyến khích ngư dân thay đổi dần thói quen vứt rác xuống biển, tiến đến phân loại và thu gom rác thải mang về bờ.
“Sau các đợt đánh giá, điều chỉnh, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình cho toàn bộ đội tàu khai thác xa bờ 3.283 chiếc của tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đặt mục tiêu từ kết quả của mô hình sẽ đề xuất các cấp, bộ, ngành bổ sung một số hướng dẫn kỹ thuật và bổ sung các chính sách quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản cho phù hợp với thực tế” - TS Trần Văn Vinh nói.
Trao đổi với PV, Ban quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn thông tin hiện đơn vị phối hợp với Chi cục Thủy sản triển khai các bước liên quan để tổ chức mô hình. Trước mắt, Ban quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn sẽ phối hợp để bàn giao túi lưới và hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân ngay tại cảng cá Quy Nhơn. Các hạng mục khác như xây dựng điểm thu gom rác, thiết bị phục vụ thu gom... triển khai theo lộ trình quy định.•
Tuyên truyền trước khi thực hiện
Để xử lý vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển chúng ta phải bắt đầu từ gốc - đó là từ chính những ngư dân. Hạn chế ô nhiễm rác thải là phải hạn chế được việc xả rác. Do vậy, cần tuyên truyền, lan tỏa và khuyến khích ngư dân thay đổi thói quen, hành vi, nhận thức. Trước khi thực hiện mô hình, ngành chức năng tỉnh Bình Định tổ chức các hoạt động truyền thông để ngư dân nắm bắt.
TS TRẦN VĂN VINH, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản
Hướng dẫn ngư dân khai báo thông tin các sản phẩm đưa lên tàu
Hiện tại, các tổ kiểm tra vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) chỉ kiểm tra tàu trước khi xuất bến tại cảng cá với năm loại thông tin phải khai báo. Sắp tới, chúng tôi thực hiện hướng dẫn ngư dân khai báo thông tin về các sản phẩm sinh hoạt (thức ăn, nước uống...) đưa lên tàu. Đồng thời, kiểm tra rác thải nhựa đưa vào khi tàu cập bến để việc triển khai mô hình hiệu quả. Ở giai đoạn đầu triển khai, chúng tôi sẽ hướng dẫn, tuyên truyền để ngư dân cả trong và ngoài mô hình đều có thể tiếp cận và thực hiện tốt nhất.
Ông ĐÀO XUÂN THIỆN, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định
Cần có chế tài nếu vi phạm
Để vấn đề thu gom rác thải từ tàu cá mang tính lâu dài và bền vững cần có những chính sách và chế tài nếu vi phạm.
Bà NGUYỄN HẢI BÌNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định
Nguồn PLO: https://plo.vn/ngu-dan-binh-dinh-se-mang-rac-thai-tu-bien-ve-bo-post759814.html