Ngư dân Bình Thuận háo hức chuyến 'xông biển' đầu năm

Trước giờ ra khơi các chủ tàu và thuyền viên tàu cá đều phấn khởi, tất cả đều hy vọng, cầu may cho cả năm trời yên biển lặng và đánh bắt được nhiều cá, mực.

Sau Rằm tháng Giêng, nhiều chiếc thuyền lớn (trên 15m) của ngư dân ở Bình Thuận đã ra khơi trở lại. Vào thời điểm này, tuy giá xăng dầu và các chi phí khác có tăng, nhưng các chủ thuyền và bạn thuyền vẫn háo hức vươn khơi với niềm tin chuyến biển đầu năm sẽ mang về nhiều tôm, cá.

Cảng cá Phan Thiết.

Cảng cá Phan Thiết.

Như thường lệ, cứ sau Rằm tháng Giêng, ông Nguyễn Minh Nhật (ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong) lại cho tàu xuất hành lấy lộc. Cùng đi với ông Nhật còn có 8 bạn thuyền khác, ai cũng háo hức với chuyến biển đầu năm. Ông Nhật cho biết, chuyến “xông biển” không chỉ cầu may mắn, mà nếu được nhiều “lộc biển” ngư dân sẽ có nguồn thu nhập cao.

“Qua ngày 18, 19 (Âm lịch) ngư dân đi biển rất đông. Phần lớn là tàu, thuyền có chiều dài từ 15-19 mét với công suất từ 400 CV – 800CV xuất phát hướng biển Đông. Giá cả xăng dầu năm nay tăng cao so với các năm trước, còn giá các nguyên vật liệu khác từ lúc dịch Covid-19 đến giờ cũng tăng nhưng không đáng kể”, ông Nhật cho biết.

Theo kinh nghiệm của những ngư dân lâu năm, vào những ngày này, thời tiết trên biển thuận lợi cho các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết khi trở lại khai thác thường đạt hiệu quả cao. Vì vậy, trước giờ ra khơi các chủ tàu và thuyền viên trên tàu ai nấy đều phấn khởi. Tất cả hy vọng, cầu may cho cả năm trời yên biển lặng và đánh bắt được nhiều cá, mực.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thanh ở TP. Phan Thiết cho biết, theo thông lệ năm nay anh cũng “xông biển” sau ngày Rằm tháng Giêng. Hy vọng sau 10 ngày sẽ thu hoạch được nhiều “lộc biển”. Năm qua do dịch Covid-19 nên các chuyến biển, kết quả không như ý muốn, đời sống của bạn thuyền ảnh hưởng ít nhiều. Anh Thanh mong năm nay ngành thủy sản sẽ khởi sắc hơn, ngư dân ổn định cuộc sống.

“Mình chấp hành đánh bắt trong nội vùng quy định, không vi phạm sang vùng khác. Tàu của mình công suất 350 mã lực, có 7 bạn thuyền cùng đi, nếu đánh bắt tốt mỗi chuyến biển cũng kiếm được 15 – 17 tấn thủy sản”, anh Thanh chia sẻ.

Để khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển nhưng không vi phạm vùng biển nước ngoài; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển bền vững, lực lượng chức năng tại các cảng cá như Phan Thiết, La Gi, Phan Rí,... thường xuyên tuyên truyền cho bà con ngư dân, các tổ đội tàu cá đánh bắt xa bờ.

Đại úy Võ Duy Thạnh, Đồn biên phòng Thanh Hải, TP. Phan Thiết cho biết, hiện nay, bà con cũng đã chấp hành việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản cũng như khu vực đánh bắt của mình. Đồng thời bà con ngư dân cũng khai báo cho cảng cá trước khi tàu xuất bến và cập bến theo quy định mới trong Luật Thủy sản năm 2017.

Trong năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng sản lượng khai thác thủy sản của Bình Thuận đạt 225.211 tấn, tăng 1,8% so năm 2020. Trong đó khai thác biển đạt trên 224.872 tấn, tăng 1,8%.

Các tàu thuyền chuẩn bị nguyên vật liệu và tiếp tế xăng dầu bắt đầu chuyến đánh bắt xa bờ đầu năm

Các tàu thuyền chuẩn bị nguyên vật liệu và tiếp tế xăng dầu bắt đầu chuyến đánh bắt xa bờ đầu năm

Hòa cùng niềm vui của nhiều ngư dân trong chuyến biển đánh bắt xa bờ đầu năm này, cũng có những nỗi niềm của người dân vùng biển. Theo một số bà con ngư dân, giá xăng dầu từ cuối năm 2021 đến nay liên tục tăng làm nhiều ngư dân đắn đo, không dám vươn khơi. Ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí cho mỗi chuyến biển càng lúc càng cao, cùng với giá hải sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.

Trước những khó khăn trên, nhiều ngư dân mong muốn cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện hơn nữa trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ… để bà con an tâm bám biển, vươn khơi./.

Đoàn Sỹ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-binh-thuan-hao-huc-chuyen-xong-bien-dau-nam-post924819.vov