Ngư dân đồng hành tháo gỡ 'thẻ vàng' IUU
Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Thanh Hóa đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tế nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Đồng thời, thể hiện quyết tâm lớn cùng cả nước để gỡ 'thẻ vàng' chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC).
Lực lượng cảnh sát biển thực hiện tuyên truyền cho ngư dân và chủ tàu. (Ảnh do Chi cục Thủy sản cung cấp).
Với 602 tàu thuyền đánh bắt, trong đó có 189 tàu chiều dài từ 6 - 12m, 186 tàu có chiều dài từ 12 - 15m và 227 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, Hậu Lộc được xem là một trong những địa phương ven biển phát triển mạnh nghề khai thác trên biển. Tuy nhiên, thực trạng một số chủ tàu cá giữ thói quen khai thác thủy sản trong ngư trường truyền thống dẫn đến xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển phía đông đường phân định (sau khi Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ hết hiệu lực), tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển, không thường xuyên ghi chép nhật ký khai thác vẫn diễn ra... Chính vì vậy, để hướng tới phát triển lĩnh vực thủy sản bền vững, bảo đảm quy định của Luật Thủy sản và khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, UBND huyện đã tăng cường phối hợp với Chi cục Thủy sản và lực lượng chức năng tuyên truyền về Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU cho ngư dân, chủ tàu cá. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay huyện đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền cho hơn 300 lượt người, phát 1.750 tờ rơi, tài liệu về Luật Thủy sản để ngư dân, chủ tàu thuyền hiểu và nắm bắt được những hành vi vi phạm khi tham gia khai thác trên biển.
Ông Nguyễn Văn Hai, ngư dân xã Ngư Lộc cho biết: Sau nhiều buổi tuyên truyền của lực lượng chức năng, ngư dân chúng tôi đều hiểu, chấp hành quy định về chống khai thác IUU không chỉ bảo đảm an toàn, thu nhập cho ngư dân, mà còn chung tay nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, suốt hành trình, mọi người đều ghi lại nhật ký khai thác, mở thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, thông tin, liên hệ với ban quản lý các cảng cá khi xuất hoặc cập bến, góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU.
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, nên từ đầu năm 2022 đến nay huyện Hậu Lộc không có tàu cá trong danh sách tàu cá vi phạm IUU, không xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; 99,56% tàu thuyền của huyện đã lắp thiết bị giám sát hành trình, hoạt động ghi chép nhật ký khai thác và thông tin tàu ra - vào cảng được chấp hành nghiêm túc, hiệu quả.
Thanh Hóa hiện có hơn 6.010 tàu với khoảng 24.500 lao động tham gia khai thác thủy sản trên biển, trong đó có 1.112 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác thủy sản vùng khơi. Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân về các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai IUU. Từ đó, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật của ngư dân trong khai thác thủy sản. Theo đó, 100% ngư dân trong tỉnh đã ký cam kết không vi phạm các quy định IUU, ý thức chấp hành việc bật thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác, nhật ký thu mua của ngư dân cũng ngày càng tốt hơn. Hiện đã có 1.099/1.108 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,2%, 2.319 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được nhập vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), đạt 100%; các cảng cá đã từng bước khắc phục hạn chế được chỉ ra trong các đợt kiểm tra của Tổng cục Thủy sản.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa Nguyễn Xuân Đồng, cho biết: Để phát huy tinh thần chủ động, đồng hành của ngư dân trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU, chi cục đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương ven biển tổ chức nhiều hội nghị, phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định về chống khai thác IUU, triển khai chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, quán triệt, yêu cầu các chủ tàu cá cam kết lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác và thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.
Đặc biệt, trong giai đoạn “nước rút”, lãnh đạo, cán bộ Chi cục Thủy sản đến từng xã, phường nghề cá tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác IUU, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác. Ban quản lý cảng cá thường xuyên phát trên hệ thống loa truyền thanh của cảng về Luật Thủy sản, chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình và các quy định về chống khai thác IUU. Lực lượng chức năng của tỉnh kiên quyết lập biên bản, xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Thủy sản và quy định chống khai thác IUU.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ngu-dan-dong-hanh-thao-go-the-vang-iuu/196858.htm