Ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc neo đậu tàu thuyền
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã phát triển mạnh các loại tàu vỏ thép, vỏ gỗ có công suất lớn để vươn khơi, bám biển. Đến nay toàn tỉnh đã có 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite được đóng mới cùng với 93 tàu cá được nâng cấp. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đang đặt ra đó là hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thiếu nghiêm trọng các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như các khu neo đậu tránh trú bão. Điều này đã làm cho nhiều ngư dân băn khoăn lo lắng, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Tạm dừng tay khi đang cùng các bạn thuyền bốc xếp vật tư chuẩn bị ra khơi đánh bắt, ông Hoàng Tứ ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, chủ tàu vỏ thép số hiệu QT 94899TS, công suất 829 CV cho biết, sau kì nghỉ trăng, lẽ ra tàu của ông đã phải ra khơi đánh bắt, tuy nhiên do số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại Cảng cá Cửa Việt khá nhiều nên tàu cá của ông không thể cập sát vào cầu cảng để bốc xếp nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm… cho chuyến đánh bắt dài ngày trên biển được mà phải trung chuyển qua các tàu cá khác nên mất khá nhiều thời gian. Theo ông Tứ, các tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 đều có chiều dài từ 25 m trở lên, trong khi cầu cảng của Cảng cá Cửa Việt chỉ có chiều dài khoảng 40 m nên mỗi lần chỉ có thể tiếp nhận tối đa 2 - 3 tàu cá cập bến để bốc dỡ hải sản đánh bắt được cũng như tiếp thêm vật tư, nhiên liệu…, các tàu cá đến sau buộc phải chờ hoặc chuyển sang các cầu cảng tự phát ở khu vực thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt, huyện Gio Linh.
Cũng theo ông Tứ, một khó khăn nữa đối với tàu cá của ngư dân đó là mặc dù tại địa phương hiện có Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt nhưng đến mùa mưa bão, các tàu cá vỏ thép công suất lớn như của ông lại phải đưa tàu ngược sông Hiếu lên Đông Hà để neo đậu tránh trú bão do khu neo đậu này chỉ được thiết kế phù hợp với tàu cá có công suất từ 90 - 250 CV, trong khi các tàu cá vỏ thép hiện nay đều có công suất từ 800 - 1.000 CV. “Hiện nay ngư dân chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề neo đậu cho tàu cá. Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ, bãi cạn, không có không gian để quay trở tàu trong khi sau khi có Nghị định 67 ngư dân được nhà nước đầu tư đóng tàu vỏ thép, vỏ composite và vỏ gỗ lớn, chiều dài từ 25m trở lên nên không vào khu neo đậu được. Còn qua cảng cá thì chỉ neo đậu tạm thời để bán cá hay bốc xếp vật tư thôi, không được phép neo đậu lâu dài. Chính vì vậy mà dọc bờ sông Hiếu này, ngư dân thuận đâu thì đậu đó. Vẫn biết là nguy hiểm nhưng không có cách nào khác”, ông Tứ nói.
Nhìn những chiếc tàu cá có công suất hàng trăm CV, trị giá hàng tỉ đồng được neo đậu thành từng cụm 3 chiếc, 5 chiếc… giữa dòng sông, dưới chân cầu Cửa Việt bằng những sợi dây thừng nhỏ mà chúng tôi không khỏi lo lắng. Bình thường thì có thể không sao nhưng nếu vào mùa mưa bão, dòng chảy mạnh hoặc có giông tố bất ngờ thì rất nguy hiểm. Thực tế là đã có nhiều vụ va chạm xảy ra làm hư hỏng tàu thuyền do không có bến neo đậu. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Ban quản lí Cảng cá Quảng Trị Huỳnh Minh Thủy cho biết, Ban quản lí Cảng cá Quảng Trị hiện đang chịu trách nhiệm quản lí 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt. Tuy nhiên do đưa vào sử dụng đã lâu, ít được nạo vét, duy tu sửa chữa trong khi các tàu cá xa bờ được đóng mới trên địa bàn tỉnh đều có công suất rất lớn nên các cảng cá không thể đáp ứng sự phát triển như hiện nay. Cụ thể, Cảng cá Cửa Tùng được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 1/2008 với tổng diện tích khu cảng và dịch vụ rộng 8,7 ha; gồm 2 bến chính: Bến dành cho tàu cá đến 500 CV dài 80 m và bến cho tàu cá dưới 90 CV dài 180 m. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên luồng vào cảng và khu nước trước bến cảng bị bồi lấp, biến đổi dòng gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào cửa và cập bến, nhất là đối với tàu cá xa bờ có công suất từ 90CV trở lên, nhiều tàu thuyền đã bị mắc cạn, vô nước, gãy chân vịt…
Không vào được Cảng cá Cửa Tùng, các tàu cá trên địa bàn tỉnh và của các tỉnh bạn đều tập trung vào Cảng cá Cửa Việt, tuy nhiên do cầu cảng chính có chiều dài chỉ hơn 40m, được thiết kế để đáp ứng cho tàu cá có công suất tối đa là 250 CV, trong khi các tàu cá vỏ thép hiện nay đều có chiều dài từ 25 m trở lên, công suất từ 800 đến hơn 1.000 CV nên chỉ đáp ứng được từ 2 - 3 tàu cập cảng một lần. Ngoài ra, do các tàu cá vỏ thép đều vượt quá thiết kế của cảng nên khi có sóng gió lớn cầu cảng có hiện tượng rung lắc rất mạnh. “Do các cảng cá đều có diện tích nhỏ trong khi đội tàu có công suất từ 90 CV lại khá lớn, thời vụ đi biển lại tập trung nên thường xuyên gây ra tình trạng ùn ứ. Để đáp ứng một phần nhu cầu của ngư dân, Ban quản lí cảng cá đã tiến hành nạo vét, cải tạo lại khu vực bến nghiêng liền bờ cho tàu cá dưới 45 CV tại Cảng cá Cửa Việt và đã đáp ứng được thêm cho khoảng 3 tàu cá công suất lớn cập cảng mỗi lần. Tuy nhiên, do vào mùa cao điểm mỗi ngày có từ 50 - 60 tàu cá của ngư dân có nhu cầu cập cảng để bán cá nhưng khả năng của cảng chỉ đáp ứng được 5 - 7 tàu nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động phương tiện ra vào để cập cảng bốc dỡ hải sản”, ông Thủy cho hay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 2 khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng và Nam Cửa Việt; cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ và bến cá Bắc Cửa Việt có thể neo đậu tàu cá. Tuy nhiên theo phản ánh của ngư dân, luồng lạch vào các khu neo đậu tránh trú bão hằng năm đều bị bồi lấp, tàu cá công suất lớn, đặc biệt là các tàu vỏ thép gặp rất nhiều khó khăn trong việc ra vào. Bên cạnh đó, theo thiết kế các công trình này chỉ dành cho tàu cá có công suất dưới 300CV. Với việc phát triển các loại tàu cá vỏ thép có công suất từ 800 đến 1.000CV như hiện nay thì các khu neo đậu này sẽ không đáp ứng được.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Võ Văn Hưng, với hơn 2.300 tàu thuyền trong toàn tỉnh, trong đó có 231 chiếc có công suất trên 90CV; cùng với chính sách ưu đãi của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá, hiện nay số lượng tàu cá được đóng mới tăng nhanh trong khi năng lực của các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được. Mặc dù trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã có sự đầu tư cải tạo, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, tuy nhiên so với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của ngư dân thì chưa đáp ứng được, đặc biệt là trong thời điểm này ngư dân đang tập trung đóng mới, nâng cấp tàu thuyền xa bờ có công suất lớn. “Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư kinh phí khoảng 5 tỉ đồng để nạo vét luồng lạch ra vào cảng và Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng. Đồng thời, đang thực hiện nạo vét luồng và mở rộng Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt; bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp các cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt. Về lâu dài, chúng tôi đang có những dự án để nâng cấp, sửa chữa các cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão; mở mới một khu neo đậu ở Bắc Cửa Việt để đáp ứng nhu cầu của ngư dân”, ông Võ Văn Hưng khẳng định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140536