Ngư dân Hạ Long chằng níu tàu thuyền trước giờ bão Wipha đổ bộ
Trước giờ bão Wipha đổ bộ đất liền, ngư dân tại tỉnh Quảng Ninh chạy đua với thời gian phòng chống bão cho tàu thuyền.
Ngư dân Hạ Long chằng néo tàu thuyền, sẵn sàng ứng phó bão Wipha Sáng 21/7, hàng trăm ngư dân tại cảng Cái Xà Cong (Quảng Ninh) đã neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đồng thời gia cố và chằng néo tài sản, sẵn sàng ứng phó với bão Wipha.

Sáng 21/7, hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân đã trở về neo đậu tại cảng Cái Xà Cong (phường Hà Phong, tỉnh Quảng Ninh) để tránh trú bão. Các thuyền viên tranh thủ từng giờ để chằng néo, cố định các tàu lại với nhau để chống chọi sóng lớn.

Cảng Cái Xà Cong là nơi kín gió, thuận tiện cho ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển thuộc TP Hạ Long, Quảng Ninh và các địa bàn khác đưa tàu thuyền vào tránh trú bão do được che chắn bởi những dãy núi bao quanh.

Việc neo đậu tàu thuyền đã được phần lớn ngư dân hoàn thành trong ngày 20/7. Tại khu vực cảng này, có lực lượng trật tự đô thị túc trực 24/7 để hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân vào tránh trú bão an toàn.

Ngay trước khi bão lớn đổ bộ, ông Nguyễn Văn Nân (52 tuổi, phường Phong Hải) và vợ cũng từ nhà trên đất liền xuống tàu để canh giữ tài sản. “Bão Yagi năm ngoái, tôi không vào đây mà đậu phía ngoài xa kia. Bão to, mất liên lạc với các con 4 ngày, sợ lắm. Nên lần này bão to, vợ chồng tôi đậu hẳn vào cảng này”, ông Nân nói. Cạnh tàu của ông là chiếc thuyền của con trai, được ông mua cho với giá hơn 200 triệu đồng, đang trú bão.

Anh Dương Văn Minh (sinh năm 1980, phường Hà Phong) cho biết vợ chồng anh đã đưa thuyền cá về đây neo đậu từ chiều 19/7, ngay trước khi cơn dông bất thường làm lật úp tàu Vịnh Xanh 58, khiến 39 người tử vong và mất tích trên vịnh Hạ Long. Nhận được thông báo về tình hình bão từ chính quyền, vợ chồng anh dự kiến neo đậu tại đây 3 ngày nữa đến khi thời tiết ổn định trở lại.

Bão lớn đến đâu, chúng tôi cũng quyết ở lại giữ tàu. Đây là gia sản lớn nhất, cũng là sinh kế, chúng tôi không thể bỏ đi đâu được”, anh Minh nói, cho biết mua con tàu cách đây 5 năm từ một người khác, sửa sang lại hết hơn 100 triệu đồng. Hai vợ chồng sẽ túc trực để giữ tài sản trên tàu, canh chừng bơm nước ra khi mưa lớn và sóng ập vào bên trong.

Để tránh bị gió giật gây va đập hư hỏng thuyền, các tàu thuyền được đậu sát, cột chặt vào nhau.

Ông Thành (người dân phường Hà Phong) bày tỏ sự lo lắng bởi cơn bão số Wipha có nguy cơ tăng cấp sau khi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ, "Tôi nghe tin cơn bão này có gió giật cấp 14, không kém bão Yagi năm ngoái là mấy, tôi tranh thủ tát nước của chiếc bè này, sau đó thu vén đồ đạc và về nhà tránh bão trong chiều nay", ông Thành cho biết.

Tranh thủ buộc lại dây bạt cho con tàu của mình, ông Hải (38 tuổi, người dân phường Hà Phong, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “ Nhận được tin bão về, từ trưa 19/7, chúng tôi dừng lưới, quay đầu ngay. Cập bến là bắt tay gia cố, neo dây mũi, dây lái, buộc lại hệ thống điện và thiết bị tời, đến nay cơ bản công việc đã hoàn tất, sẵn sàng đón bão số 3".

Ngư dân sử dụng dây thừng giằng chặt tàu, cabin. Ngư lưới cụ cũng được sắp xếp gọn gàng, tránh bị ảnh hưởng do gió bão gây ra.

Trước diễn biến phức tạp của bão, UBND tỉnh Quảng Ninh liên tục đưa ra cảnh báo, yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế. Tính đến 9h sáng 21/7, hơn 7.700 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được thông báo để triển khai biện pháp đảm bảo an toàn; bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão để gọi ngư dân vào nơi tránh trú; gần 500 phương tiện tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cũng đã có phương án giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long: Nạn nhân kể lại phút sinh tử Anh Đặng Anh Tuấn (36 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ như in cảm giác hoảng loạn khi tàu gặp tai nạn, mọi thứ diễn ra quá nhanh.