Ngư dân Hà Tĩnh bám biển khai thác vụ cá Bắc

Vụ cá Bắc năm nay tuy thời tiết không mấy thuận lợi song ngư dân Hà Tĩnh vẫn vượt khó, thường xuyên bám biển, thu về nhiều loại hải sản có giá trị.

Những ngày qua, cá cháo - loại cá đặc sản của vùng ven biển Hà Tĩnh cho giá trị kinh tế cao xuất hiện khá nhiều, mang lại niềm vui lớn cho bà con ngư dân. Ông Phạm Xuân Mạnh (thôn Đại Hải, xã Thạch Hải, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Những ngày qua xuất hiện sương mù dày đặc trên biển vào sáng sớm báo hiệu "được" cá cháo. Nhịp điệu khai thác của làng chài nhỏ ven biển cũng trở nên sôi động hơn hẳn. Chỉ tính 3 ngày gần đây, tàu của tôi đánh bắt được gần 3 yến cá cháo, thu về hơn 4 triệu đồng. Đây là tín hiệu tốt, khởi đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và thắng lợi”.

Dịp này, vùng ven biển huyện Nghi Xuân cũng nhộn nhịp hơn hẳn bởi hàng chục tàu thuyền đánh bắt hải sản nối đuôi nhau cập bến. Những mẻ cá cháo tươi rói được ngư dân nhanh chóng vận chuyển lên bờ, kịp bán cho thương lái.

 Ngư dân Nghi Xuân phấn khởi khi khai thác được số lượng lớn cá cháo.

Ngư dân Nghi Xuân phấn khởi khi khai thác được số lượng lớn cá cháo.

Ngư dân Ngư dân Trịnh Văn Đệ (thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên, Nghi Xuân) chia sẻ: “Để đánh bắt cá cháo, ngư dân ra khơi từ 4 giờ sáng khi biển lặng; dùng các loại lưới từ 17 - 19 ly, đánh bắt cách bờ từ 1 - 2 hải lý. Cá cháo xuất hiện dày đặc hơn nên mỗi thuyền mang về từ 5kg - 10kg cá cháo, mang lại nguồn thu từ 1 - 2 triệu đồng, được thương lái “săn” hết ngay khi thuyền cập bến”.

Theo thông tin của bà con ngư dân, do thời tiết có nhiều biến động thất thường, năm nay, cá cháo xuất hiện muộn hơn năm trước (hằng năm, mùa cá cháo bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm này đến tháng 1 âm lịch năm sau). Giá cá cháo đang được thu mua rất cao từ 150 - 300.000 đồng/kg tùy loại và kích cỡ. Cá cháo vùng ven biển Hà Tĩnhmàu trắng hồng, ngọt thịt, nhiều dưỡng chất nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

 Giá cá cháo đang được thu mua cao (từ 150 - 300.000 đồng/kg tùy loại và kích cỡ).

Giá cá cháo đang được thu mua cao (từ 150 - 300.000 đồng/kg tùy loại và kích cỡ).

Ngoài cá cháo, ngư dân ven biển còn đánh bắt được nhiều loại hải sản gần bờ khác như: tôm, cá đù, ghẹ, cá triệng… Từ 4h sáng, ngư dân Trần Xuân Hải (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, Thạch Hà) đã cùng bạn thuyền dong thuyền ra khơi. Với kinh nghiệm nhiều năm bám biển, ông biết rằng khi sáng sớm sương mù dày đặc, trời sẽ nắng nhẹ, nước biển hơi đục thì nguồn lợi hải sản xuất hiện tương đối nhiều.

“Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, vùng biển ven bờ của chúng tôi lại nhộn nhịp các thuyền nhỏ của ngư dân làm nghề săn cá lưới cước. Vào mùa biển động, việc vươn khơi vất vả nhưng bù lại, giá cá, tôm đánh bắt được những tháng này nhỉnh hơn. Đợt này, tôi thường đánh bắt được tôm biển, cá đù, cá triệng… có thể thu về từ 2 - 2,5 triệu/ ngày. Đây là nguồn động lực lớn để tôi kiên trì bám biển, cải thiện cuộc sống cho gia đình”, ông Hải cho hay.

 Nhịp sản xuất được ngư dân duy trì vào những ngày thời tiết thuận lợi.

Nhịp sản xuất được ngư dân duy trì vào những ngày thời tiết thuận lợi.

Ông Trần Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (Thạch Hà) cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 122 tàu cá loại nhỏ (chủ yếu có công suất từ 16 - 24 CV) với khoảng 600 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Mùa này, dòng nước đáy bị xáo động, nhiều loại cá di chuyển lên tầng nước nổi, nên ngư dân đánh bắt được sản lượng khá. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong mùa biển động, trước khi ra khơi, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo ngư dân nên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để chủ động trong đánh bắt. Khi hoạt động trên biển phải mặc áo phao, tuyệt đối không được ra biển khi thời tiết bất lợi”.

 Ngư dân ven biển xã Thịnh Lộc (Thạch Hà) chủ yếu khai thác gần bờ trong mùa này.

Ngư dân ven biển xã Thịnh Lộc (Thạch Hà) chủ yếu khai thác gần bờ trong mùa này.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và hiểm nguy trên biển, sản lượng vụ cá Bắc không đạt cao như vụ cá Nam. Tuy nhiên, nhiều loại thủy sản được đánh bắt vẫn mang lại giá trị kinh tế lớn cho ngư dân ở các huyện có đội tàu công suất lớn như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TX Kỳ Anh...

Anh Trần Văn Thành - chủ tàu làm nghề câu khơi tại xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh): “Tàu của chúng tôi thường đến vùng biển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đánh bắt. Vào mùa này, nước biển lạnh, cá thường ra xa bờ nên chủ yếu khai thác các loại cá tầng đáy như cá mú, cá cam… Mỗi chuyến ra khơi có khi kéo dài từ 15 - 20 ngày nên từ đầu vụ cá Bắc đến nay, tôi đi được 2 chuyến, thường đánh cách cách bờ biển Đà Nẵng chừng 200 hải lý”.

Được biết, hiện nay, xã Kỳ Hà có hơn 30 tàu có công suất từ 250 - 750 CV đã di chuyển đến các vùng ngư trường rộng lớn để đánh bắt. Các tàu đánh bắt xa bờ của xã đang thực hiện theo hình thức tổ, đội để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho nhau trong quá trình tìm kiếm ngư trường và đánh bắt trên biển. Chính quyền xã luôn theo dõi hoạt động đánh bắt của ngư dân để đảm bảo an toàn trên biển và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phòng chống khai thác IUU.

 Đội tàu của TX Kỳ Hà khai thác các loại cá tầng đáy như cá mú, cá cam...

Đội tàu của TX Kỳ Hà khai thác các loại cá tầng đáy như cá mú, cá cam...

Theo ông Nguyễn Trọng Nhật - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, từ tháng 10/2024 đến nay, khu vực biển Hà Tĩnh xảy ra nhiều cơn bão, áp thấp và gió mùa nên ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động khai thác trên biển của ngư dân trong vụ cá Bắc. Tuy nhiên, ngư dân vẫn tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để bám biển. Nguồn lợi khá nhiều loài như cá thu, cá cam, cá cơm, nhuyễn thể, cá nục, cá đù, cá đục, tôm, cá lẹp, ruốc… giúp tăng năng suất và sản lượng khai thác. Ngoài ra, đội tàu đánh bắt xa bờ cũng thường xuyên nắm bắt ngư trường để chủ động ra khơi khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ước sản lượng 3 tháng đầu của vụ cá Bắc (từ tháng 10 - tháng 12/2024) đạt trên 8.200 tấn.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ngu-dan-ha-tinh-bam-bien-khai-thac-vu-ca-bac-post280532.html